Các tàu ngầm Nga ngày càng "lấn sân" ở Đại Tây Dương và Lầu Năm Góc đang phải "chấn chỉnh" lại mình để duy trì ưu thế vốn có.
Ưu thế của Mỹ lung lay
"Trước đây, chúng tôi hoạt động ở những khu vực không có thách thức từ phía đối thủ. Nhưng điều đó đang thay đổi" - Phó Đề đốc Hải quân Mỹ Ollie Lewis nói với CNN.
Phóng viên của hãng tin này đã được đặc cách lên thăm tàu ngầm hạt nhân USS Missouri - một thành viên trong hạm đội 10 chiếc tàu ngầm hoạt động tại Đại Tây Dương do Lewis chỉ huy.
"Vậy nên giờ đây chúng tôi đang quay về thời kỳ phải cân nhắc sự hiện diện của một đối thủ có khả năng đem tới thách thức dưới mặt nước, ưu thế lúc trước không còn được bảo đảm nữa" - Lewis nói tiếp.
Phóng viên của CNN được đặc cách lên tàu ngầm hạt nhân USS Missouri.
Tàu ngầm hạt nhân trị giá 2 tỷ USD lớp Virginia (với chiều dài 115m, lượng giãn nước 7.800 tấn, tốc độ di chuyển trên 25 hải lý/h) được xem là mẫu tàu ngầm tiên tiến nhất trên thế giới.
Phóng viên của CNN đã cùng với kíp thủy thủ Mỹ tham gia một bài tập huấn luyện gần bờ biển Florida.
Tuy nhiên, trên thực tế, con tàu thường được điều động tới các khu vực tuyến đầu, như trong bối cảnh mà nhiều người mô tả là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Chẳng hạn, khi Nga sáp nhập Crimea và tiến hành nhiều động thái quân sự tại Syria, tàu Missouri đã được triển khai gần đó.
Tương tự, khi một tàu ngầm Nga xuất hiện ngoài khơi bang Florida vào năm 2012, Hải quân Mỹ đã điều động tàu Missouri theo dõi nó.
Con tàu có thể phóng ngư lôi hoặc tên lửa tấn công tàu ngầm và tàu mặt nước của đối phương. Nó còn có thể triển khai các đơn vị đặc nhiệm Hải quân (Navy SEAL) để tiến hành những chiến dịch đặc biệt.
Theo chuyên gia Andrew Hunter tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, tàu lớp Virginia được ví như "con dao Thụy Sĩ" trong giới tàu ngầm.
Chuyến thăm đặc biệt của CNN trên tàu ngầm USS Missouri.
Không giống các tàu ngầm loại khác (như tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hướng tới một nhiệm vụ cụ thể), Hunter cho biết những con tàu như Missouri có khả năng thực hiện một loạt nhiệm vụ khác nhau, trong đó bao hàm cả nhiệm vụ tình báo và kiểm soát dưới biển.
Tuy nhiên, con tàu sẽ sớm phải đối mặt với những thách thức từ tàu ngầm Nga - như lớp Yasen. Chiếc đầu tiên thuộc lớp này đang trải qua các thử nghiệm vũ khí.
Trao đổi với CNN, Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại Trung tâm tư vấn Wilson (trụ sở ở Washington) nhận định, Yasen là "lớp tàu ngầm có độ ồn thấp nhất mà đối thủ của Mỹ vận hành", do đó, rất khó để giám sát chúng.
"Hải quân Mỹ không hoàn toàn chắc chắn họ có thể theo dõi được chúng", Kofman nói. Sau đó, vị chuyên gia lý giải rằng ông đang đề cập tới những thách thức nói chung trong việc theo dõi tàu ngầm và không bình luận cụ thể về khả năng của Hải quân Mỹ.
Tàu ngầm Severodvinsk (lớp Yasen) khiến Mỹ lo ngại.
Magnus Nordenman, chuyên gia về quân sự Nga tại Hội đồng Đại Tây Dương cho hay, đối với Nga, tàu ngầm rất quan trọng, cũng giống như vai trò của tàu sân bay đối với Hải quân Mỹ.
Ngay cả khi con tàu mới chưa được đưa vào biên chế thì thế lực thời Chiến tranh Lạnh (ám chỉ Nga) cũng đang tăng cường các hoạt động dưới lòng biển.
Vì sao Nga tăng cường hoạt động tàu ngầm?
Hồi tháng 4, CNN dẫn thông tin từ Hải quân Mỹ cho biết hoạt động của tàu ngầm Nga đã tăng tới cấp độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.
Fraser Hudson - chỉ huy tàu USS Missouri đánh giá việc Nga khôi phục hoạt động của tàu ngầm không chỉ đơn thuần là một "tuyên bố chính trị".
Trả lời CNN hôm thứ Ba, Hudson cho rằng Nga đang tích lũy kinh nghiệm thực tiễn để phòng trường hợp xảy ra chiến tranh với Mỹ.
Sau khi tạm dừng hoạt động tàu ngầm vì thảm kịch tàu Kursk năm 2000 khiến 118 thủy thủ thiệt mạng, Moscow đã tăng cường các đợt tuần tra tại Đại Tây Dương, đặc biệt là eo biển giữa Iceland, Greenland và Anh.
Khu vực này sẽ trở thành tuyến đường biển quan trọng nếu Mỹ cần củng cố lực lượng ở châu Âu.
Hudson cho biết, trong vòng 10 năm qua, tàu ngầm Nga đã gia tăng hoạt động gần các vùng biển của Mỹ.
Trong khi đó, một số chuyên gia lưu ý rằng quy mô hạm đội tàu ngầm Nga hiện nay nhỏ hơn nhiều so với hạm đội tàu ngầm Liên Xô trong những năm 1980 (xem cụ thể tại đây).
Theo những chuyên gia này, Hải quân Mỹ đặc biệt quan ngại hoạt động của Nga do khả năng tác chiến chống ngầm của Mỹ và đồng minh đã suy yếu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
"Hải quân Mỹ có phần lơ là các hoạt động tác chiến chống ngầm bởi thấy không thực sự cần thiết" - Nhà nghiên cứu Dimitry Gorenburg tại Trung tâm Phân tích Hải quân nói với CNN.
Theo hãng tin Mỹ ghi nhận, trong bối cảnh phải đối mặt với mối đe dọa đang xuất hiện trở lại, 135 thủy thủ trên tàu ngầm Missouri không ngừng luyện tập nâng cao khả năng tác chiến chống ngầm.
"Mấy thứ liên quan đến tàu ngầm nguy hiểm khôn lường lắm. Đi đâu cũng luôn có những căng thẳng, bởi chúng tôi hoạt động trong môi trường đầy thách thức" - ông Hudson nói.