Website guinnessworldrecords.com của Sách Kỷ lục Guinness vừa chính thức xác nhận một kỉ lục của một con chim thuộc loài godwit đuôi sọc (godwit là loài chim biển lớn, mỏ dài và nhọn), hay còn gọi là Limosa lapponica. Được các nhà khoa học đặt mã hiệu là 234684, con chim này đã di chuyển qua lộ trình dài hơn 13.560 km mà không cần ăn uống hay nghỉ ngơi giữa chừng, biến nó đạt được danh hiệu "Con chim có thể bay liên tục qua quãng đường dài nhất thế giới" – theo Sách Kỷ lục Guinness.
Được biết, các nhà khoa học đã gắn một thiết bị định vị vệ tinh 5G vào con chim, và theo dõi nó qua dữ liệu thu được từ vệ tinh. Chú chim "234684" đã mất 11 ngày để di chuyển từ bờ biển ngoài khơi Alaska đến bang Tasmania của Úc.
"Khoảng cách mà con chim này di chuyển đã đi tương đương lần chiều dài tuyến đường hàng không nối London (Anh) với New York (Mỹ), hoặc xấp xỉ 1/3 chu vi trái đất. Còn. Theo dữ liệu thu được từ thiết bị vệ tinh được gắn ở phần thân dưới của nó, hành trình khó tin này bắt đầu vào ngày 13/10/2022, và kéo dài liên tục trong 11 ngày 1 giờ mà cần hạ cánh dù chỉ một lần", Sách Kỷ lục Guinness cho biết.
Chim godwit đuôi sọc được coi là những chuyên gia bay biển khi liên tục lập kỷ lục thế giới. Ảnh: Internet
Theo ước tính, khoảng 70.000 con chim godwit đuôi sọc thực hiện chuyến di cư băng qua Thái Bình Dương mỗi năm. Godwit dành cả mùa hè để sinh sản ở miền tây và bắc Alaska (Mỹ), rồi tụ tập lại ở Bán đảo Alaska vào mùa thu để thực hiện chuyến bay dài tới trú đông ở New Zealand và đông nam Australia. Sang xuân, chúng thực hiện hành trình ngược lại.
Tuy nhiên, với riêng trường hợp của chú chim godwit mang mã hiệu 234684, nó đã thực hiện một cú ngoặt 90 độ ấn tượng và đáp xuống bờ vịnh Ansons ở phía đông bang Tasmania, Australia, thay vì New Zealand như các đồng loại của mình.
Theo chuyên gia Eric Woehler của tổ chức Birdlife Tasmania, chú chim godwit mang mã hiệu 234684 đã may mắn sống sót sau hành trình băng qua Thái Bình Dương rộng lớn và vô số hòn đảo, bao gồm New Caledonia và Vanuatu - nơi dường như nó đã bỏ lỡ cơ hội 'hồi sức' khi không thể đáp xuống mặt nước để kiếm ăn.
"Các loài chim biển như Shearwaters đuôi ngắn có thể đáp xuống mặt nước và kiếm ăn. Tuy nhiên, nếu một con chim godwit đáp xuống nước, nó sẽ chết. Do không có một lớp màng ở chân, loài chim godwit sẽ không cách nào nổi lên và thoát ra khỏi mặt nước. Vì vậy, nếu nó rơi xuống bề mặt đại dương do suy kiệt sức lực, hoặc nếu thời tiết xấu buộc nó phải hạ cánh, thì đó là dấu chấm hết", chuyên gia Eric Woehler phân tích. Cũng theo chuyên gia này, con chim 234684 có thể đã giảm "ít nhất một nửa trọng lượng cơ thể trong quá trình bay liên tục cả ngày lẫn đêm."
Quãng đường di chuyển của con chim godwit đuôi sọc 234684 trong vòng 11 ngày, khi nó băng qua Thái Bình Dương mà không cần nghỉ ngơi. Ảnh: CNBC
Đây không phải là lần đầu tiên những con chim godwit đuôi sọc xác lập kỉ lục thế giới. Kỷ lục trước đó cũng thuộc về một con chim godwit đuôi sọc, được thiết lập vào năm 2020, khi bay liên tục không ngừng nghỉ một quãng đường dài 13.225km, ít hơn kỉ lục hiện tại khoảng 349 km. Vào năm 2007, một con chim godwit đuôi sọc khác cũng lập kỉ lục khi bay được 11.500km không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên, godwit đuôi sọc không phải là những loài chim biển duy nhất có thể bay những quãng đường vượt biển. Nhạn biển Bắc Cực (Sterna paradisaea) có thể thường xuyên bay những quãng đường xa hơn trong suốt một năm.
Tính cả hành trình vòng quanh từ các địa điểm sinh sản của chúng ở phía bắc Vòng Bắc Cực đến Nam Cực và ngược lại, loài chim biển cần cù này có thể di chuyển quãng đường dài tới 80.000 km, khiến chúng trở thành loài chim di cư có quãng đường di chuyển dài nhất nói chung. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là chúng thỉnh thoảng hạ cánh trong những chuyến hành trình của mình.
Vì sao chim biển có thể bay một quãng đường dài mà không cần nghỉ ngơi hay ăn uống?
Mặc dù hầu hết các loài chim di cư đều có khả năng bay nhiều dặm để tìm kiếm thức ăn và tránh rét, tuy nhiên, chỉ có một số ít loài chim có khả năng biến đổi thể chất để đáp ứng các điều kiện môi trường.
Chúng có thể thay đổi đáng kể cơ thể và quá trình trao đổi chất bằng cách thu nhỏ kích thước của các cơ quan nội tạng, nhanh chóng tăng cân và đốt cháy chất béo dự trữ, hầu như không ngủ cùng nhiều phẩm chất giống như siêu năng lực khác bên cạnh đó.
Đặc biệt, để nhường chỗ cho chất béo giàu năng lượng, chim godwit đuôi sọc tự hấp thụ 25% mô vốn hình thành đường tiêu hóa, gan và thận của chúng. Điều này có thể thực hiện được thông qua một quá trình sinh học được gọi là autophagy ("tự ăn"), một cơ chế cho phép cơ thể 'tái chế' các bộ phận của chính nó khi cần thiết.
Godwits đuôi sọc cũng có thể làm cho tim và cơ ngực của chúng lớn hơn giữa chuyến bay để cung cấp nhiều năng lượng và oxy hơn cho những khu vực này. Tuy nhiên, những kỹ năng phi thường này có một số nhược điểm. Những thay đổi về cơ thể khiến chim godwit đuôi sọc thường dễ bị tổn thương hơn trước các mối nguy hiểm tự nhiên và nhân tạo, khi chúng thiếu năng lượng cần thiết để bay một quãng đường dài.