Cơ chế đặc thù cho TPHCM: Đầu tàu không thể chạy mãi bằng 'hơi nước'

Luân Dũng |

Thảo luận dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách phát triển TPHCM, ngày 20/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng không thể chậm trễ nơn nữa, bởi đầu tàu không thể chạy mãi bằng “hơi nước”.

Đầu tàu bị bó buộc

Tại phiên thảo luận, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, TPHCM được xem là “hòn ngọc viễn đông”, xuất phát điểm với rất nhiều điều kiện, nhưng đến giờ, thành phố này vẫn không bứt phá lên được.

Cho rằng, việc trao thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM không chỉ “đã chín muồi” mà “đã chín mõm”, theo ông Quốc, việc xây dựng Nghị quyết riêng cho TPHCM không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về kinh tế mà còn cả cơ chế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng, bây giờ mới tính đến cơ chế riêng cho TPHCM là hơi muộn.

“Chúng ta đã đầu tư dàn trải, thiếu mũi nhọn, trong khi các đầu tàu lại bị bó hẹp, khiến “đầu tàu mãi chạy bằng hơi nước”. Theo tôi cần sớm tập trung, tạo động lực mạnh mẽ cho “đầu tàu” TPHCM phát triển”, ông Phong nói.

Liên quan đến cơ chế cải cách tiền lương, theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), không nên áp cứng cho TPHCM không được trả lương cho cán bộ vượt quá 1,8 lần lương cơ bản.

“Nên giao cho thành phố quản lý căn cứ vào cống hiến, đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở chất lượng, hiệu quả công tác và kết quả đầu ra”, ông Lợi đề nghị.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đánh giá, lương tăng chính là động lực, điều kiện tiên quyết để chống lại tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, chây ì của cán bộ, công chức.

“Không nên để trần lương cơ bản, không nên cào bằng mà giao quyền cho HĐND TPHCM tự quyết định dựa trên cân đối thu chi ngân sách. Điều này sẽ tạo động lực cho cán bộ làm việc tốt hơn”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Tuy nhiên, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, cần thiết phải quy định trần hưởng lương của cán bộ, công chức viên chức ở TPHCM để không xảy ra chênh lệch quá lớn với các địa phương khác.

Thí điểm thu thuế tài sản gây bất bình đẳng?

Đồng tình với cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách để đem lại nguồn thu lớn cho thành phố, tuy nhiên ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) lưu ý, chính sách này sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và người dân, nên cần lường trước những phản ứng của những đối tượng này.

Theo bà Hoa, nên lựa chọn chính sách tăng giảm thuế, phí một cách hợp lý, linh hoạt. Tăng thuế, phí làm tăng nguồn thu, tuy nhiên có khi giảm mức thu nhưng lại tăng được số người tham gia, như thế tổng thu vẫn tăng.

Bà Hoa lưu ý áp dụng tăng thuế với những ngành ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển chung của thành phố, và giảm thuế những ngành nghề cần tăng cường đầu tư.

“Cần bổ sung nguyên tắc có sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Phải có đánh giá tác động trước khi triển khai, tránh những phản ứng không đáng có.

Mặt khác, các dịch vụ công phải tốt hơn, minh bạch trong thông tin và công bằng trong ứng xử”, bà Hoa nhấn mạnh.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng đồng ý trao cơ chế đặc thù, nhưng lo ngại với việc thí điểm thu thuế tài sản ở TPHCM. Theo bà Mai, đây là thuế có lịch sử ở nhiều nước trên thế giới và đóng góp vào nguồn thu đáng kể.

Như ở Nhật chiếm 10%, Thụy Điển 7%, Canada 4%, còn ở Việt Nam, số thu từ sử dụng đất quá thấp, chỉ chiếm 0,03% GDP.

Chính vì vậy, việc quy định áp dụng thuế tài sản chung trên cả nước là cần thiết, tuy nhiên theo bà Mai, nếu “áp dụng riêng” cho TPHCM, sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng trong áp dụng và thực thi chính sách.

“Thí điểm phải có khác biệt nhưng ảnh hưởng đến tâm lý người dân thì cần thận trọng”, bà Mai phân tích, đồng thời cảnh báo, nếu áp dụng thu thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh bất động sản, thị trường chứng khoán và chỉ số cạnh tranh.

“Chính phủ và thành phố đã lường trước”

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, sau hơn 30 năm đổi mới, những động lực, điều kiện, cơ chế cho TPHCM đã có độ cứng nhất định, cần phải linh hoạt hơn.

Cho nên, thành phố đề nghị những cơ chế, chính sách mới đặc thù hơn, đột phá hơn. “Khi nói đột phá, nói đến cơ chế đặc thù, nói đến chính sách thí điểm tất nhiên có độ vênh với pháp luật.

Nhưng độ vênh đó là cần thiết cho sự thí điểm, để từ đó thành công sẽ có cơ hội nhân rộng ra đối với những địa phương khác”, bà Tâm chia sẻ.

Giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, các cơ chế chính sách thí điểm được đề xuất chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý đất đai, đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế ủy quyền, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý…

Theo quy định hiện hành, thẩm quyền vấn đề này thuộc cơ quan cấp trên, nay phân quyền cho thành phố thực hiện.

Trước những băn khoăn của ĐB, Bộ trưởng Dũng cho biết, Chính phủ và thành phố đã lường trước các vấn đề nảy sinh, do vậy dự thảo Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để “không ảnh hưởng lớn” đến doanh nghiệp.

“Quốc hội ban hành nghị quyết này không có nghĩa thành phố sẽ thực hiện ngay việc tăng thuế, mà thành phố phải xây dựng đề án cụ thể”, ông Dũng nói.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp): "Việc điều chỉnh chính sách thuế, phí, lệ phí chắc chắn sẽ tác động tới nhiều tập thể, cá nhân, người dân, doanh nghiệp.

Muốn thành công cần phải có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp. Phải đánh giá tác động một cách thật kỹ lưỡng trước khi triển khai, tránh gây bức xúc".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại