Ông Dương Trung Quốc: Thời điểm thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã "chín mõm"

Hoàng Đan |

Đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, có đại biểu nói việc thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã chín muồi, nhưng thực tế "đã chín mõm vì không thể kéo dài được nữa".

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, có đại biểu nói việc thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM đã chín muồi, nhưng thực tế "đã chín mõm vì không thể kéo dài được nữa".

Ông Quốc cho rằng từ xa xưa, vùng đất này đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hơn 3 thế kỷ nay, khi Nam Bộ được minh định vào trong bản đồ Đại Việt, đường lối của các chúa Nguyễn đã nhìn ra biển và nhìn về phương Nam, sớm biến Nam Bộ không những thành vựa lúa mà thành trung tâm để thu hút thương mại.

Lúc đó, Nam Bộ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất...

Khi thực dân Pháp xâm lược, họ đã phát hiện ra Nam Kỳ là mảnh đất màu mỡ, trù phú. Năm 1861, bản quy hoạch thành phố đầu tiên ra đời với tầm nhìn 500.000 dân, sau này có điều chỉnh nhưng được duy trì đến 1939, trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ.

Năm 1860, cảng Sài Gòn được mở thành cảng tự do và nhanh chóng trở thành trung tâm của khu vực. Năm 1930, đây là cảng đứng thứ 8 trong hệ thống cảng của nước Pháp và hệ thống các nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Sau khi đất nước thống nhất, đứng trước nhiều khó khăn và nhận thức không đầy đủ. Nhắc đến thời kỳ này là một Sài Gòn phá giá, cố gắng bứt phá trong một cơ chế hết sức hạn chế. Công cuộc Đổi mới giúp Sài Gòn phát triển nhưng hiện vẫn nằm trong mặt bằng chung, không khác địa phương khác.

Theo ông Quốc, Nghị quyết không chỉ mở ra cho TP.HCM. Ông tin rằng không cần phải đến 5 năm nếu làm tốt thì các cơ chế sẽ được áp dụng ở những nơi khác và là sự hưởng lợi chung của cả nước.

Đồng thời, ông cũng suy nghĩ rằng, bất kỳ một thí điểm nào đều đứng trước nhiều thách đố. Bên cạnh sự ủng hộ về tinh thần rất cần thiết sự giám sát chặt chẽ của xã hội và năng động kịp thời để điều chỉnh.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cũng cho rằng, giờ mới tính đến cơ chế riêng cho TP.HCM là hơi muộn.

"Một thời chúng ta đầu tư dàn trải, thiếu mũi nhọn trong khi các đầu tàu là động lực để chuyển cả vùng, cả nước lại bị bó hẹp khiến đầu tàu mãi chạy bằng đầu máy hơi nước, trong khi người ta đi bằng nguyên tử rồi", ĐB nêu.

ĐB cho biết, hiện nay, không riêng TP trực thuộc TƯ, 16 tỉnh khác cũng đang đóng góp ngân sách để nuôi 47 tỉnh còn lại. Do đó các tỉnh hưởng ngân sách TƯ cũng phải biết tri ân các đầu tàu, trong đó có TP.HCM. Do đó ngay lúc này phải tập trung sâu, tạo động lực mạnh mẽ cho đầu tàu phát triển.

Hiện tại, động lực tăng trưởng của TP đang chậm lại, từ 10,7% trước 2010 xuống còn 9,6% năm 2015.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại