Theo phản ánh của phần đông người dùng, khi tiến hành quét NFC căn cước công dân (CCCD) đã gắn chip (và còn thời hạn sử dụng bình thường) để xác thực dữ liệu sinh trắc học (cụ thể là xác thực khuôn mặt), rất nhiều người gặp tình huống thông báo:
"Xin lỗi! Thiết bị của quý khách không hỗ trợ tính năng này"
Điều này có nghĩa là smartphone của người dùng không có tính năng quét NFC. Nếu người dùng nào muốn tiếp tục muốn thực hiện quét NFC CCCD gắn chip của mình (mà không phải ra chi nhánh ngân hàng để được hỗ trợ tại quầy), thì phải có trong tay một chiếc điện thoại tích hợp sẵn tính năng quét NFC.
Và sự bất tiện của nhiều người đều nằm ở khâu này.
NFC là viết tắt của Near Field Communication, hay kết nối trường gần. Nói một cách đơn giản, nó là một tiêu chuẩn giao tiếp không dây dựa trên khoảng cách gần.
Không giống như Wi-Fi hoặc Bluetooth, tương tác NFC bị giới hạn ở phạm vi cực ngắn. Cụ thể, NFC có phạm vi chỉ vài cm, hay thậm chí phải đặt sát và tiếp xúc trực tiếp. Ở trường hợp điện thoại và CCCD gắn chip, đầu đọc sẽ nằm trên điện thoại (nhiều mẫu điện thoại không có đầu đọc này), còn chip NFC được tích hợp bên trong thẻ CCCD gắn chíp.
Không cần mua điện thoại mới!
Anh N.Đ.G. (phố Trương Định, Hà Nội) chia sẻ với người viết về quá trình "trầy trật" xác thực dữ liệu sinh trắc học của mình với người viết.
"Thật sự tôi ít khi để ý đến vấn đề này, chỉ khi báo đài đưa tin rộng rãi mới biết là cần phải xác thực dữ liệu sinh trắc học.
Nghe nói sinh trắc học gồm cả nhận dạng khuôn mặt, vân tay, mống mắt, nên lúc này mới vào điện thoại cài đặt xác thực vân tay. Nhưng hóa ra, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì việc này phải xác thực khuôn mặt, không áp dụng cho xác thực bằng vân tay...".
Anh G. kể, đến khi anh dùng một app ngân hàng trên máy điện thoại để tiến hành các bước quét NFC CCCD gắn chíp, anh lại bị gặp thông báo: "Xin lỗi! Thiết bị của quý khách không hỗ trợ tính năng này", và được ứng dụng hướng dẫn ra phòng giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ.
"Tôi dùng Xiaomi Redmi Note 10, máy mới mua chừng 3 năm và dùng còn rất ổn, nên không nghĩ là máy mình lại "lạc hậu" đến thế. Vì vậy cứ làm đi làm lại mấy lần, tra mạng mới thấy, đúng là loại máy của tôi không có đầu đọc NFC. Có lẽ nhiều người cũng như vậy".
Đến khi ra chi nhánh ngân hàng để hỏi thì anh G. nhận được sự hỗ trợ đầy bất ngờ mà anh vốn không nghĩ ra.
"Nhân viên nói tôi có thể dùng diện thoại của người thân có tính năng quét NFC để đăng nhập app ngân hàng rồi tiến hành quét CCCD gắn chip. Tất nhiên bạn ấy cũng dặn rõ cần phải là người thân, thật sự tin cậy và bảo mật. Thế là không phải mua máy điện thoại mới" - anh G. vui vẻ nói.
Người viết cũng trực tiếp liên hệ qua số hotline của một ngân hàng và cũng được tư vấn tương tự như anh G. kể.
Khi máy điện thoại có thể quét NFC, bạn hãy thực hiện theo các bước sau để cài đặt sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng.
Bước 1: Bạn mở ứng dụng ngân hàng đang sử dụng trên điện thoại và đăng nhập tài khoản. Thông thường, thông báo Cập nhật sinh trắc học ngân hàng sẽ được tích hợp ở ngay trung tâm của ứng dụng giúp người dùng có thể dễ dàng quan sát thấy khi vừa đăng nhập.
Bước 2: Bạn chụp mặt trước, mặt sau CCCD gắn chip, mã QR ở cạnh phải mặt trước.
Bước 3: Chụp khuôn mặt bằng ứng dụng ngân hàng. Lưu ý, bạn cần phải quay sang trái, phải, cúi xuống và góc chính diện; lưu ý là nên quay đầu chậm rãi vì quay quá nhanh sẽ gặp lỗi và phải thực hiện lại.
Bước 4: Bạn đưa mặt sau của thẻ căn cước công dân gắn chip áp vào thân máy và giữ yên từ 5 đến 10 giây để ứng dụng đọc dữ liệu và xác nhận thông tin qua NFC. Khi điện thoại có dấu hiệu rung, giữ nguyên CCCD và điện thoại.
Hướng dẫn cách quét CCCD bằng NFC đúng. (Ảnh: ĐSPL)
Bước 5: Hoàn tất đọc thông tin CCCD gắn chip, chọn "Đăng ký sinh trắc học & cập nhật hồ sơ". Ở bước cuối cùng này, ứng dụng sẽ hiện lại toàn bộ thông tin của bạn để kiếm tra lại 1 lần rồi xác nhận là xong.
Nếu chưa có CCCD gắn chip thì làm thế nào?
Trường hợp người dùng chưa có căn cước công dân gắn chip, thì cần tới chi nhánh của ngân hàng mình mở tài khoản, để cập nhật, xác minh, dựa trên chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân không gắn chíp (vẫn còn thời hạn sử dụng).
Tương tự, đối với khách hàng là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam không được cấp căn cước công dân gắn chip, khách hàng có thể sử dụng hộ chiếu và đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng, để được nhân viên hỗ trợ kiểm tra và cập nhật thông tin sinh trắc học.