Có cần xử lý 'Lục Vân Tiên' ngăn kẻ đánh người?

YẾN TRINH (yentrinh@tuoitre.com.vn) |

Sau tuyên bố của đại diện Cảng vụ hàng không miền Bắc sẽ xử lý nếu xác minh được người đàn ông có hành động nghĩa hiệp, can ngăn kẻ đánh nữ nhân viên ở sân bay Nội Bài, nhiều người đã bày tỏ không đồng tình.

Can thiệp kịp thời

Theo thông tin ban đầu, khoảng 14g ngày 18-10, giữa bà N.L.Q.A., đội phó đội dịch vụ hàng không chuyến bay đi (thuộc trung tâm khai thác Nội Bài của Vietnam Airlines), bị hai hành khách Trần Dương Tùng (32 tuổi) và Đào Vịnh Thuấn (37 tuổi) hành hung.

Thông tin từ trung tâm an ninh hàng không Nội Bài và trích xuất từ camera giám sát cho thấy sau khi Thuấn túm vai áo bà Q.A., Tùng đã dùng một vật (có thông tin cho rằng đó là máy tính bảng) đánh vào đầu bà trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau đó, có hai người đàn ông đã xông vào can ngăn, làm Tùng ngã.

Sau khi Tuổi Trẻ đăng tải vụ việc, nhiều bạn đọc tỏ ra bất bình về hành động của hai hành khách và ví hai người đàn ông can thiệp là “Lục Vân Tiên” giữa đời thường.

Tuy nhiên, ông Trần Hoài Phương - giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc - cho biết cảng vụ đang xác minh danh tính người can thiệp cứu giúp nữ nhân viên bị đánh.

“Nếu xác minh được, chúng tôi cũng xem xét làm rõ về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vụ việc để các cấp có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật. Nếu ai cũng can thiệp theo cách như vậy thì dễ thành đánh lộn đông người, náo loạn sân bay” - ông Phương nói.

Nhiều bạn đọc tỏ ra không đồng tình với phát ngôn của ông Phương.

Bạn đọc Anh Đại nhận xét: “Nếu không có người đàn ông đó can thiệp kịp thời, có lẽ nữ nhân viên hàng không đã bị đánh nhập viện. Lực lượng an ninh sân bay phản ứng quá chậm chạp”.

Còn bạn đọc Võ Tá Luân chia sẻ: “Việc hai người này can ngăn là đúng. Nếu thấy bất bình mà đứng nhìn chẳng khác nào vô cảm trước đồng loại đang bị đánh hay sao? Không đồng tình với cách xử lý Lục Vân Tiên như vậy”.

Còn bạn đọc tên Huy bình luận: “Làm việc tốt dễ mang họa vào thân quá. Đừng trách tại sao ngày càng nhiều người vô cảm...”.

Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng người đàn ông trong clip đã can thiệp kịp thời, chấm dứt hành động đánh người của nam hành khách.

Như vậy, “Lục Vân Tiên” này đã phản ứng hợp lý trong tình thế cần thiết để giải cứu nữ nhân viên trước sự tấn công liên tục của hai hành khách nam.

“Đây là hành động nghĩa hiệp, về mặt đạo lý đáng được hoan nghênh. Không phải ai cũng có lòng dũng cảm cứu giúp người yếu thế” - luật sư Tám nói.

Phòng vệ chính đáng

Theo luật sư Trương Xuân Tám, về mặt pháp luật, hành vi của hai người đàn ông trên có đủ yếu tố để định nghĩa đó là hành vi phòng vệ chính đáng.

Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012 quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên”.

Đồng thời điều 11 luật này cũng quy định những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, trong đó khoản 2 quy định rất rõ: Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng không bị xử lý vi phạm hành chính.

Vì vậy theo luật sư Tám, không có lý do gì để xử lý “Lục Vân Tiên” về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Nhiều chuyên gia pháp lý cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, điều 245 Bộ luật hình sự quy định hành vi gây rối trật tự công cộng là gây náo động, mất trật tự, gây hoảng sợ cho người xung quanh ở nơi công cộng; gây cản trở giao thông hoặc đình trệ hoạt động cộng đồng; người gây rối nhận thức được sự nguy hiểm của hành vi của mình nhưng vẫn mong muốn thực hiện...

“Trong trường hợp xảy ra ở sân bay Nội Bài, ngay từ đầu, động cơ của hai người can ngăn không nhằm gây rối trật tự công cộng. Có thể họ nhận thấy tình trạng nữ nhân viên hàng không đang bị tấn công nên ra tay can thiệp để chấm dứt hành vi đánh người của hành khách nam.

Nếu không có sự can thiệp kịp thời này, tình trạng của nữ nhân viên bị đánh có thể nghiêm trọng hơn. Do đó, việc làm của họ không có căn cứ để xác định đó là hành vi gây rối trật tự công cộng, mà là bảo vệ trật tự công cộng thì đúng hơn” - luật sư Nông nói.

Bên cạnh đó, theo luật sư Nông, điều 46 Hiến pháp và điều 4 Bộ luật hình sự cũng xác định công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Do vậy, “Lục Vân Tiên” cũng được pháp luật cho phép ra tay nghĩa hiệp trong giới hạn cho phép.

Đối với việc hai hành khách nam hành hung nữ nhân viên hàng không, việc hai người đàn ông ngăn cản là việc nên làm.

“Tôi cho rằng hành vi này là cần thiết vì trước đó cũng có một người can ngăn (người đàn ông cao, mặc áo trắng trong clip) nhưng hành vi hành hung không những chấm dứt mà còn nghiêm trọng hơn, có thể nguy hiểm tính mạng nữ nhân viên” - luật sư Nông nói.

Ngoài ra, luật sư Nông cho biết hành vi của hai hành khách nam có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích nếu kết quả giám định thương tật nữ nhân viên hàng không từ 11% trở lên và có đơn yêu cầu khởi tố của bị hại.

Nếu tỉ lệ thương tật dưới 11% và không có đơn yêu cầu khởi tố, cơ quan điều tra vẫn có thể xử lý hai hành khách nam này về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Khi nào "Lục Vân Tiên" bị xử lý?

Theo luật sư Trương Xuân Tám, nếu trong trường hợp khi đối tượng tấn công đã ngã, việc bảo vệ nữ nhân viên yếu thế bị đánh không còn cấp thiết nữa, mà các "Lục Vân Tiên" còn tiếp tục đánh đối tượng tấn công thì sẽ bị xử lý hành chính, nhưng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là có hành vi vi phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng đối với hành vi của người tham gia truy bắt, ngăn chặn người vi phạm, tội phạm vượt quá hành động nghĩa hiệp như những vụ việc truy đuổi và đánh chết người trộm chó; truy đuổi và tông chết kẻ trộm cướp khi tham gia giao thông; can thiệp vào các cuộc ẩu đả bên đường bằng vũ lực không tương xứng gây thương tích cho người khác... sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tùy mức độ, những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho người khác...


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại