Florence Patterson, cô bé 6 tuổi đến từ Newcastle, Anh mắc chứng hiếm gặp giống Albert Einstein khiến mái tóc không thể mọc như bình thường. Tóc của bé cứ bị xoè ra, xoăn xù, không thể chải phẳng lại được.
Tình trạng này cũng khiến móng tay của bé mọc nhanh đến khó tin. Cha mẹ của Florence phải cắt tỉa một hoặc hai lần một tuần.
Vì đặc điểm quá khác lạ nên cô bé thường bị bạn bè trêu chọc, thậm chí những người lạ lần đầu gặp bé cũng cố gắng nắm lấy, thử chạm vào những lọn tóc xoăn nổi bật của bé, rồi đưa ra những lời bình luận khiếm nhã.
Cha mẹ của Florence, Jill Peddie-Jones, 43 tuổi và Kyle Patteson, 49 tuổi cho biết họ rất đau lòng khi nghe những bình luận tiêu cực của người lạ về mái tóc của con. "Hãy nhìn mái tóc hài hước của con bé kìa", "Giống cái bờm sư tử", "Thật buồn cười" ...
Cô bé có mái tóc xoăn xù, dựng đứng không thể chảy thẳng như bình thường
Để con không cảm thấy bị bắt nạt hay thấy mình khác thường mà trở nên tự ti, bố mẹ của Florence Patterson dạy con cách tự tin, yêu cơ thể mình và đánh bật những kẻ lạ mặt luôn 'cố gắng nắm lấy' những lọn tóc của mình.
Jill và Kyle cho biết: "Con bé nhận thức được rằng mọi người lạ thường xuyên nhìn chằm chằm vào con. Tôi khuyên con những lúc cảm thấy bị người lạ đụng vào tóc, hãy nhanh chóng kêu to, nói họ đi đi. May mắn chúng tôi đã truyền lại được sự tự tin cho con bé. Dù muốn hay không, con bé sẽ luôn thu hút sự chú ý. Do vậy, chúng tôi hiểu rằng con bé cần phải chuẩn bị cho những điều đó trong cuộc sống sau này".
Jill và Kyle có 4 người con Laura, 20 tuổi, Amelia, 15 tuổi, Heidi, 12 tuổi và Florence, 6 tuổi, nhưng không ai trong số họ mắc hội chứng này trừ Florence.
Vì có phần đặc biệt hơn anh chị em nên cha mẹ của Florence tập trung thời gian quan tâm, dạy dỗ cô bé. Họ chủ yếu dạy con về tâm lý, giúp con tự tin hơn. Cha mẹ của Florence khuyến khích cô bé ôm mái tóc, yêu mến sự độc đáo của mình.
Mỗi người sở hữu những đặc điểm nhận diện khác nhau nhưng nếu con bạn bị bạn bè trêu chọc vì một đặc điểm khác biệt nào đó, hãy tham khảo những lời khuyên dưới đây để giúp con đối diện và vượt qua.
"Ha ha đồ có tàn nhang trên mặt", "Đúng thế, rồi sao nào?"
Cha mẹ tập trung vào điều gì đó mà con thực sự giỏi. Làm như vậy sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn, thường xuyên nói chuyện, khen ngợi về những thành tích của con, giúp con biết con đang làm tốt như thế nào.
"Chúc mừng con đạt thành tích tốt"
Cha mẹ lắng nghe con nhiều hơn. Nói chuyện với con về những gì đang diễn ra ở trường, và làm cho con cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu. Tạo lòng tin ở con, giúp con biết rằng cha mẹ ở đó để giúp đỡ và hỗ trợ khi con cần.
Dạy con bình tĩnh, không phản ứng lại những lời trêu chọc. Thay vì tức giận hoặc khóc lóc dễ khiến con bị trêu chọc nhiều hơn, cha mẹ nên dạy cố gắng phớt lờ lời trêu ghẹo, như thể chúng vô hình, nếu có thể, con cũng nên bỏ đi.
Cha mẹ thực hành ở nhà cùng con. Nhập vai là một trò chơi nhưng cũng là một phương pháp đơn giản, hiệu quả giúp con bạn đối phó với những trò trêu chọc.
Dạy con cách biến lời trêu chọc thành lời khen. Bạn bè trêu chọc muốn làm cho trẻ cảm thấy bị tổn thương, nhưng chúng không thể làm được điều đó nếu bạn dạy con mình biến điều tiêu cực thành điều tích cực.
"Bạn thật xấu xí khi đeo kính", "Ồ cảm ơn đã chú ý đển chiếc kính của mình nhé"
Cha mẹ giúp con hiểu và chấp nhận sự thật. Sở hữu một đặc điểm khác lạ trên cơ thể không có nghĩa là bản thân con là người xấu hay điều gì đó rất tồi tệ. Cha mẹ nên để con hiểu và không xấu hổ về bản thân.