Tinh vi các hoạt động của “cò bán máu”
Tìm hiểu của PV Lao Động, số lượng người ra vào khám, chữa bệnh tại BV Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) khá đông đúc. Ngay tầng 1 BV, nhiều người thân bệnh nhân chờ đợi thực hiện các thủ tục. Ngay trước cổng BV trên đường Phủ Doãn luôn có khá nhiều xe ôm, lái xe taxi đứng chờ đợi, gọi khách.
Trong vai người nhà bệnh nhân, chúng tôi liên hệ được với một “cò” được cho là chuyên kết nối với những người bán máu. Dường như rất nắm vững các quy định của việc truyền và nhận máu, “cò” này nói ngay: “Cứ yên tâm, bao giờ có các chỉ định của bác sĩ, cầm giấy ra đây thì kiểu gì cũng có. Khi cần thì cứ bảo, lúc nào cũng có người muốn bán máu”. “Cò” cũng không quên hỏi cụ thể cần bao nhiêu đơn vị máu, cần mấy người để còn sắp xếp.
Trong quá trình liên hệ, “cò” môi giới bán máu liên tục nhắc lại với chúng tôi chỉ cần đến cổng BV sẽ gặp được ngay. “cò” hướng dẫn tiếp, khi cần nhanh tốt nhất cứ cầm giấy ra cổng BV thì họ sẽ bắt mối và liên lạc cho. “Việc này có gì khó đâu. Cứ ra ngoài cổng là có đầy” - “cò” trấn an.
Lần theo lời của “cò” này, có mặt tại cổng BV trên đường Phủ Doãn, một vài người xe ôm có ý hỏi thăm đi đâu và cần gì. Khi được ngỏ lời hiện đang chuẩn bị cần một số đơn vị máu, một xe ôm cho hay: “Được rồi, đứng gọn vào đây, cần cụ thể như thế nào để liên hệ. Ngày nào chả có những người hiến máu đứng đây. Yên tâm đi”.
Nói xong, xe ôm này rút điện thoại ra gọi cho ai đó hỏi việc nhưng số điện thoại kia tạm thời ngừng thuê bao. Người này cho biết, khi có người có nhu cầu, họ sẽ liên hệ, khi có giấy tờ chỉ định lấy máu đầy đủ, sẽ có người khác lo toàn bộ. Việc giao dịch và thanh toán thì làm việc với họ.
“Chân rết” này nói: “Để có thể mua được máu, họ (“cò” môi giới bán máu-PV) sẽ lấy tên tuổi của người thân và người phẫu thuật. Họ có một đội sinh viên chuyên bán máu đến và giúp gia đình có máu như mong muốn. Họ sẽ đưa sinh viên có nhu cầu bán máu này vào trong viện làm các bước xét nghiệm, hiến máu…”.
Khi chúng tôi thắc mắc làm sao lại đưa được vào hiến máu, người này cho biết thêm: “Họ có cửa hết. Có 3-4 người chuyên làm việc đấy (“cò” môi giới bán máu) bao nhiêu năm nay. Sau đó, người nhà bệnh nhân làm việc với họ thanh toán tiền nong đàng hoàng. Người này sẽ có trách nhiệm trả tiền cho sinh viên đi hiến máu”.
Người này tiết lộ, thông thường giá cả cho một đơn vị máu mua ngoài như thế này sẽ thường dao động khoảng trên dưới 1 triệu. Sau đó, họ (“cò” máu) sẽ trích lại phần trăm cho sinh viên và “cắt phế” lại cho riêng mình.
Không phải thiếu máu mới có tình trạng “cò”
Ngày 26.10, theo phản ánh của người nhà bệnh nhân từng điều trị tại BV Hữu nghị Việt-Đức, tình trạng bác sĩ kết nối cho người nhà bệnh nhân với cò máu là có diễn ra. Người nhà bệnh nhân (xin được giấu tên) phản ánh với PV Lao Động: “Người nhà tôi vào mổ cột sống, hết khoảng 140 triệu đồng, bảo hiểm thanh toán 100 triệu đồng, còn người bệnh phải trả 40 triệu đồng. Bác sĩ gọi người nhà xuống, nói: Em ơi tình hình bây giờ là không có máu.
Tuy nhiên, cả 3 người nhà có mặt ở BV đều không thể hiến máu được. Khi người nhà không hiến máu được, bác sĩ ở khoa xét nghiệm đưa cho một cái phiếu đã được làm sẵn như phiếu gửi xe đạp, trên đó có tên của một người tên là T kèm số điện thoại, dặn, đây gọi cho người này, người ta sẽ bố trí máu cho và đưa cho anh này 2 triệu đồng là sẽ có máu. Trên phiếu có ghi là thiếu máu, cần máu điều trị, cần 2 đơn vị máu nhóm máu O...”.
Câu hỏi đặt ra là có phải do thiếu máu nên mới xuất hiện tình trạng cò máu tại BV hay không? PV Lao Động đã trao đổi với chuyên gia huyết học TS Bạch Quốc Khánh (Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương). Theo đó, TS Bạch Quốc Khánh cho hay: Ở BV Việt Đức có Trung tâm Huyết học riêng. Chỉ lúc nào họ thực sự cạn kiệt máu thì mới cần đến chúng tôi.
Thực ra, không phải là thiếu máu mới xuất hiện tình trạng “cò”, khi mà thiếu máu, giống như tất cả các BV khác, trong một giai đoạn, thời điểm nhất định sẽ vận động thêm người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu để phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, có một số gia đình, người nhà họ không có điều kiện hiến máu hoặc hãn hữu là họ ngại hiến máu, vì thế nảy sinh nhu cầu có người khác làm giúp cho mình, vì vậy mới có hiện tượng “cò” máu. Còn vấn đề “cò máu” thì không liên quan gì đến tình trạng thiếu máu. Nguyên nhân không phải do thiếu máu.
Liên quan tới vấn đề này, Giám đốc BV Hữu nghị Việt -Đức - GS-TS Trần Bình Giang khẳng định không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu người nhà không hiến máu tình nguyện, không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật, không có cá nhân hay tổ chức nào trong BV mưu lợi hay tiếp tay cho những trường hợp “cò máu”.
Đại diện BV Hữu nghị Việt-Đức cho biết, Trung tâm Truyền máu là một trong số ít đơn vị trong cả nước thực hiện đồng thời các nhiệm vụ lấy, chiết tách các thành phần máu, lưu trữ bảo quản và cung cấp máu, các chế phẩm máu phục vụ kịp thời điều trị bệnh nhân.
Tại cơ sở y tế này nguồn máu đến từ 3 nguồn chính là tiếp nhận máu từ những người hiến máu trong cộng đồng, từ Viện Huyết học truyền máu Trung ương và tại điểm hiến máu cố định trong BV bao gồm cán bộ y tế, nhân dân quanh khu vực và người nhà bệnh nhân.
Làm gì để không xảy ra tình trạng "cò bán máu" lộng hành?
Để không xảy ra tình trạng "cò bán máu", theo TS Bạch Quốc Khánh, vấn đề này phải cần sự phối hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan liên quan như công an... thì mới hạn chế được tình trạng đó. Giống như các loại hình "cò" khác như cò giấy khám sức khỏe hay cò khám...".
Theo TS Khánh, giải pháp vận động người nhà hiến máu là trường hợp hãn hữu, không còn cách nào khác thì mới phải dùng đến. Việc đó cần phải hạn chế tối đa việc vận động người nhà. Nếu hạn chế tối đa thì tất cả hệ lụy khác sẽ không xảy ra nữa.T.L
Hơn 2 năm bán máu, tiểu cầu kiếm tiền
Tại BV Truyền máu huyết học TPHCM, một nam thanh niên (khoảng 25 tuổi) cho biết, đã đi hiến tiểu cầu tại đây hơn 2 năm. Theo đó, cứ một vài tháng nam thanh niên này lại đi hiến. Từ khi đi làm, anh thường xuyên đi hiến tiểu cầu để kiếm tiền là chính. Để hiến tiểu cầu, yêu cầu chỉ cần đem giấy chứng minh và hai tấm hình 3x4. Sau đó đến trình bày với bác sĩ về việc muốn hiến máu hay hiến tiểu cầu sẽ được hướng dẫn. "Việc này chủ yếu để kiếm tiền. Mỗi lần hiến tôi có từ 350.000 đồng - 800.000 đồng" - nam thanh niên cho biết. KIM ĐỒNG