Có 200 triệu vẫn cố chấp mua ô tô hơn 1 tỷ: Nuôi xe được 2 năm phải bán vội vì quá nhiều bất cập

NGỌC LINH |

Ô tô là một dạng tiêu sản, quyết mua mà không tính kỹ là rất dễ hối hận về sau.

Mới đây, trong một group chia sẻ về bí quyết quản lý tài chính cá nhân nói chung, một cô vợ đã chia sẻ câu chuyện của nhà mình dưới dạng bài viết ẩn danh, khi phải bán cắt lỗ chiếc ô tô trị giá 1,2 tỷ đồng, mới mua cách đây 2 năm.

Có 200 triệu vẫn quyết mua ô tô 1,2 tỷ đồng

Nội tình câu chuyện có thể tóm tắt như sau: Đầu năm 2022, chồng cô nằng nặc đòi mua xe với lý do gia đình chuẩn bị đón em bé thứ 3, nhà 5 người rất cần một chiếc ô tô để thuận tiện cho việc đi lại. Thời điểm ấy, hai vợ chồng chỉ có 200 triệu tiền tiết kiệm.

Thu nhập lúc đó của 2 vợ chồng ở mức 30 triệu đổ lại. Chi tiêu gia đình không tốn vì đã có nhà riêng ở ngoại thành Hà Nội, con học trường công không đắt đỏ, cũng không nợ nần.

Tuy nhiên, vấn đề chính là dù chỉ có 200 triệu nhưng anh chồng lại nhất quyết muốn mua xe 1,2 tỷ đồng, vì không muốn mua xe đời thấp, cũng không muốn mua xe cũ. Vợ cản, bố mẹ chồng khuyên ngăn hết lời cũng không thể dập tắt khao khát “bóc tem xế hộp” của anh chồng này. Cuối cùng, anh quyết định vay ngân hàng 450 triệu đồng, còn lại là vay gia đình và người thân, bạn bè.

Có 200 triệu vẫn cố chấp mua ô tô hơn 1 tỷ: Nuôi xe được 2 năm phải bán vội vì quá nhiều bất cập- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sau khi mua xe, gia đình này phải trả cho ngân hàng 10 triệu/tháng, bao gồm cả tiền gốc lẫn lãi. Thời gian trả góp là 6-8 năm.

Đến năm 2023, theo chia sẻ của người vợ, thu nhập của hai vợ chồng đã tăng gấp đôi, thành 60 triệu/tháng. Tuy nhiên vì đang gánh nợ, nên mức chi tiêu của gia đình vẫn giữ nguyên, để dồn tiền trả nợ người thân, bạn bè và gia đình.

Ngay từ ban đầu, cô vợ trong câu chuyện này đã không mấy ủng hộ quyết định mua ô tô của chồng nhưng vẫn ậm ừ làm ngơ, một phần vì nghĩ rằng có xe rồi, việc đi lại của gia đình sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy. 

Suốt 2 năm có xe, số lần đi ô tô nhà sang nội ngoại hay đưa con đi tiêm không nhiều. Đã có xe nhưng mỗi tháng vẫn không thoát được cảnh phải thuê taxi, cộng thêm cả tiền nuôi xe, cô vợ cho biết 20 triệu đồng là số tiền trung bình mà nhà cô phải chi cho việc đi lại.

Vì những bất cập như thế, cô vợ nằng nặc khuyên chồng bán xe.

“Bán xe được 980 triệu, trả hết nợ ngân hàng, còn lại 650 triệu, em bảo chồng làm 2 cuốn sổ tiết kiệm ngân hàng, mỗi người 1 cái cho chắc ăn” - Cô vợ chia sẻ.

Thấy được gì từ câu chuyện này?

Phía dưới bài đăng của cô vợ, nhiều người cũng đồng tình rằng “cái ô tô không có lỗi, lỗi là do người mua không biết lượng sức mình”.

“Nhà có con nhỏ thì ô tô rất cần thiết, mà chồng bạn sai ở chỗ không biết lượng sức mình thôi. Mua xe đc là 1 chuyện, chi phí nuôi xe hằng tháng như nuôi thêm 1 đứa trẻ nữa. Tầm 500-600 triệu là mua được xe ok cho gia đình rồi. Kinh tế chưa vững mà mua xe 1,2 tỷ chi cho đuối”.

“Có 200 triệu, mua xe tỷ 2. Nước đi chí mạng thật đó ạ”.

“Gia đình 2 vợ chồng, 3 con nhỏ, đi lại bằng ô tô cũng tiện và hợp lý. Nhưng có anh chồng như bạn kể thì bán đi cho đỡ bực mình. Sau này có điều kiện, bạn mua và tự lái đưa đón các con cho chủ động, thoải mái”.

Có 200 triệu vẫn cố chấp mua ô tô hơn 1 tỷ: Nuôi xe được 2 năm phải bán vội vì quá nhiều bất cập- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Để không rơi vào trạng thái áp lực vì tiền trả nợ và tiền nuôi xe như cặp vợ chồng trong câu chuyện này, trước khi quyết định nâng cấp phương tiện di chuyển từ 2 bánh lên 4 bánh, hãy lưu tâm những điều sau.

1 - Ô tô là một loại tiêu sản

Một chiếc ô tô lăn bánh từ gara ra mặt đường là đã mất ngay giá trị, bạn sẽ không thể bán nó với giá tương đương hoặc cao hơn giá mua, trừ khi là dòng xe sang phiên bản giới hạn.

Ô tô chỉ là phương tiện giúp che nắng che mưa, mang lại sự thuận tiện hơn trong việc di chuyển. Không có nhiều tiền hay quá dư dả, đừng nghĩ tới việc mua xe cho oai.

2 - Tính toán rõ ràng chi phí nuôi xe

Có tiền mua xe là một chuyện, có tiền nuôi xe hay không lại là chuyện khác.

Câu hỏi quan trọng mà bạn phải trả lời trong trường hợp này: Chi phí nuôi xe (bao gồm tiền thuê chỗ để xe, xăng xe, chi phí đăng kiểm, bảo dưỡng định kỳ, phí bảo hiểm) tính theo tháng sẽ khoảng bao nhiêu tiền? Con số này liệu có ảnh hưởng tới các khoản chi tiêu cơ bản, khoản tiết kiệm/đầu tư khác của gia đình hay không?

Nếu câu trả lời là không, mua ô tô có thể là quyết định hợp lý; còn nếu câu trả lời là có, hãy tìm các phương án thay thế như thuê xe tự lái hoặc thuê taxi, đặt xe công nghệ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại