Dọn nhà là câu chuyện đau đầu muôn thuở mỗi dịp Tết đến xuân về.
Rất nhiều bạn trẻ háo hức được nghỉ Tết, tuy nhiên, chỉ cần nghĩ đến cảnh buổi sáng đầu tiên trong kì nghỉ đã bị dựng dậy lúc 6 giờ để bắt tay vào cuộc chiến dọn dẹp, chúng ta lập tức muốn quay trở lại đi học ngay và luôn.
Học xuyên Tết cũng được.
Vì sao dọn nhà lại khổ đau đến thế? Công việc này thật sự vất vả hay người trẻ và làn sóng mạng xã hội đang thổi phồng nó lên?
Cùng nhau điểm qua vài lí do khiến đại đa số nam thanh nữ tú ngày nay "muốn nghỉ nhưng không muốn dọn" nhé!
1. Không thể vứt đồ như Marie Kondo vì sẽ bị thầy bu mắng đến ù tai
Marie Kondo là chuyên gia dọn dẹp đến từ Nhật Bản. Triết lý làm nên thành công đáng ngưỡng mộ của cô trong cơ nghiệp dọn nhà có thể tóm gọn lại trong hai "không": Không mua đồ mình không cần, không giữ đồ mình không thích nữa.
Marie Kondo và những triết lý dọn dẹp của cô rất khó áp dụng được trong gia đình Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, điều ngang trái khiến người trẻ Việt không thể áp dụng triết lý của Marie Kondo, đó là quan điểm "mang về" và "vứt đi" giữa chúng ta và các bậc cha mẹ, ông bà là hoàn toàn khác nhau.
Khi bạn ở một mình, bạn muốn mua gì, vứt gì, đó là quyền của bạn. Khi bạn ở với gia đình, câu chuyện không hoàn toàn đơn giản đến thế.
Bố mẹ chúng ta phần lớn là những người hay tiếc của. Bạn đòi vứt một chiếc tua vít 10 năm rồi không sử dụng, tuy nhiên bố bạn sẽ đòi giữ nó bằng được bởi ông tin rằng trong 10 năm tới chắc chắn sẽ có dịp dùng nó.
Marie Kondo khuyên chúng ta nên bỏ đi những đồ không còn "spark joys" (đem lại niềm vui). Tuy nhiên, một lần nữa, cái cách mà đồ vật đem lại niềm vui với giới trẻ và các thế hệ khác cũng hoàn toàn khác nhau.
Bạn muốn bỏ đi một album ảnh cũ bởi chiếc iPhone Xs 256GB trong tay bạn hoàn toàn có thể chứa được 10 cái album như thế.
Cha mẹ thì khác, lật giở từng trang sách, đặt bàn tay trên từng tấm ảnh là mỗi lần kỷ niệm ào ạt dội về.
Chúng ta mới sống trên đời chỉ khoảng 30 năm, trong khi quãng đường của cha mẹ là gấp đôi, đương nhiên họ có nhiều hơn những kỷ vật cần phải giữ gìn, giữ gìn theo một cách mà những tiện nghi của công nghệ không bao giờ có thể đáp ứng được.
Bạn muốn đem vứt hết quần áo cũ của cháu bạn, tuy nhiên cha mẹ lại muốn giữ và đem cho gia đình khác bởi mỗi lần cầm một chiếc yếm cũ trên tay, họ lại bồi hồi nhớ lại cảnh tượng được nâng niu trên tay một hình hài bé nhỏ - minh chứng thiêng liêng của việc cô con gái diệu mà họ sinh thành và nuôi dưỡng giờ đây đã xuất sắc vượt cạn thành công và cho ra đời đứa trẻ sẽ là cục cưng của cả nhà trong ít nhất vài năm tới.
Với bạn, một cái yếm của cháu chẳng có ý nghĩa gì cả, nhưng với cha mẹ, đó là cả một bầu trời ký ức của lần đầu tiên được lên chức ông bà.
2. Chính mình cũng không quyết định được đồ đạc: vứt hay giữ
Chớ vội kết luận cha mẹ bạn cổ hủ hay lỗi thời. Chính chúng ta cũng khó có thể quyết định được giữ hay bỏ đồ.
Quần áo vẫn còn tốt thì để lại, nhưng bạn ơi, bạn có mặc nó không?
Bạn không vứt nó chỉ vì nó còn tốt và cũng y như bố bạn với chiếc tua vít, bạn nghĩ mình sẽ còn mặc nó trong... 10 năm tới (nếu nó còn tốt). Vậy nên váy à, mày cứ ở yên đây cho chị!
(Ảnh: Miss Kick)
Có bao nhiêu cuốn sách trên chiếc giá sách đồ sộ kia, trong số đó, bao nhiêu cuốn bạn đã thật sự "finish" (đọc hết), có bao nhiêu cuốn bạn mới đọc dở được vài trang và coi việc đăng ảnh khoe mình đọc sách là hoàn thành nghĩa vụ với việc đọc?
Có bao nhiêu cuốn bạn mua về chỉ để đăng lên Instastory để chứng tỏ mình cũng trích một phần thu nhập cho việc trau dồi tri thức?
Người trẻ vốn phù phiếm lắm. Chúng ta shopping cho vui, mua sắm để giải tỏa, khuân vác cả núi đồ đạc về sắp xếp thật là đẹp, chụp ảnh sống ảo, rồi thôi.
Đến khi bắt tay vào dọn dẹp, bạn sẽ thấy căn phòng của mình là một núi đồ, cần phải vứt bớt, nhưng lại chẳng biết vứt cái gì, giữ cái gì cả.
"Ôi mẹ ơi mẹ để lại thứ này làm gì, có ai dùng đâu ạ?". Bạn vẫn hay rống lên như vậy mỗi khi mẹ không cho vứt đồ.
Nhưng hãy nhìn gầm bàn của bạn đi, chiếc hộp cất những bức thư "To all the boys I have loved before" đó bạn giữ lại làm gì?
Để lưu lại một thời thanh xuân nồng nhiệt? Để thi thoảng lôi ra đọc và khẽ mỉm cười? Cái "thi thoảng" ấy, xét về mặt tần suất, một cách cụ thể, là bao nhiêu lần trong một năm?
Cái tần suất đó, cái nụ cười đó, cái nhịp tim khẽ nhảy lên một chút khi kí ức ùa về đó, có xứng đáng chiếm một diện tích trong căn nhà vốn đã không dư thừa không gian của bạn không?
Trong khi đó, gầm bàn đó, hoàn toàn có thể chứa một hộp đồ khác, một chiếc máy sưởi mini, bất kì thứ gì có thể "spark joys" với một tần suất lớn hơn hai chữ "thi thoảng".
3. Tối giản. Thông minh. Khoa học. Lười.
Lối sống tối giản mới trở thành trào lưu trong giới trẻ Việt cách đây không lâu, và cũng như mọi thứ du nhập khác trên đời, nó bị biến thể và nhào nặn theo từng cá tính riêng của mỗi người và khiến chúng ta không còn phân biệt được thế nào là tối giản "Authentic" và tối giản fake 1, fake 2, super fake.
Tối giản, hiểu đơn giản là sống với một lượng vừa đủ những thứ mình cần. Không thừa, không thiếu.
Căn phòng của bạn trống huơ trống hoác, bạn vứt hết đồ đạc trong nhà và chụp ảnh đăng Facebook với hashtag #minimalist nhưng vẫn đi một đôi giày có giá bằng cả tủ giày của người khác rồi vứt nó ngay khi nó không còn "spark joys" nữa, như thế có đúng là tối giản không?
#Vứthếtđồkhônggọilàtốigiản. (Ảnh: Internet)
Có những người thật sự sống tối giản để tìm được sự thanh thản trong tâm hồn. Và cũng có những người tối giản vì... lười.
Họ nghĩ rằng không mua sắm thêm đồ đạc để đỡ phải bày biện và dọn dẹp. Nhưng cái thời gian tiết kiệm được từ việc không mua đồ, không bày biện, không dọn dẹp, cái thời gian ấy có được tận dụng để làm việc gì đó có ích hơn không?
Hay chúng ta lại nằm dài hết nhìn trần nhà, nhìn tường, lướt Instagram, Facebook, ngắm ảnh đăng với hashtag #minimalist rồi ồ lên "Ối giống nhà mình quá!", "Mình tối giản quá!" #hiệnđại #trendy #bắtkịpxuthế #sốngchất.
4. Những việc không nhất thiết phải dùng đến sức người, vẫn phải dùng sức người
Một nỗi khổ khác của việc dọn nhà, đó là khi những việc hoàn toàn có thể dùng máy được, thuê người làm được, thì bố mẹ chúng ta lại nhất quyết không đồng ý "outsource".
Tại sao phải quét bốn tầng nhà trong khi đó một chiếc máy hút bụi có thể làm sạch không gian sống với tính hiệu quả cao hơn gấp 10 lần?
Vì bố mẹ thích nhìn chúng ta làm và tưởng tượng ra rằng cô con gái diệu đang múa điệu nữ công gia chánh kia sẽ trở thành một nàng dâu hiền, vợ thảo.
Và một phép màu kì diệu nào đó sẽ ban chồng cho tất cả các thiếu nữ biết và thích quét bằng chổi hơn dùng máy hút bụi.
(Ảnh: Internet)
Tại sao phải tranh cãi, phải thúc giục, phải lăn xả với bụi bặm cùng chiếc mũi có tiền sử dị ứng trong khi có thể thuê người giúp việc theo giờ đến dọn dẹp mà biết đâu trong số họ có những Marie Kondo', Marie Kondo 2.0 3.0?
Bởi cha mẹ không tin tưởng người ngoài, họ luôn ám ảnh với việc bị người lạ "thó" đồ hoặc làm hỏng đồ đạc trong nhà.
Trong khi nghịch lý cay đắng chính là để cho con cái dọn dẹp thì cũng không có sự đảm bảo 100% nào rằng bạn sẽ không lỡ tay đánh vỡ "choang" chiếc lọ yêu thích của mẹ.
Hay có cả tá bạn trẻ ngoài kia vẫn trốn chui trốn lủi cha mẹ để được đi vứt những thứ đồ cha mẹ không cho phép vứt.
Hãy tin chúng tôi, mỗi dịp Tết đến xuân về, lén lút đi vứt đồ thừa của cha mẹ là một việc cực kì "spark joys" đó các bạn!
Còn một nỗi khổ khó nói khác của việc dọn nhà cuối năm, đó là:
"Này các bạn ơi có thể dọn nhà trong im lặng mà không cần up ảnh lên Facebook cho người khác sốt ruột được không?"
Bởi mỗi lần nhìn thấy một bức ảnh nào đó của cô cháu gái nào đó trong họ, hớn hở khoe chiến tích dọn nhà sạch như lau như li, cha mẹ mình sẽ lại ca bài ca muôn thuở:
"Đấy, chị nhìn con nhà người ta đi, dọn nhà sạch như thế này cơ mà! Nhà chị đã dọn được tí nào chưa?".
Khổ lắm các bạn ạ!