5 ngày sau cơn lũ dữ quét qua huyện Mường La tỉnh Sơn La, chúng tôi lần theo con đường ven các sườn núi, lội men theo con suối Nặm Păm, ngược lên bản Piệng, bản Nà Ten, đến các bản bị thiệt hại nặng nhất của trận lũ kinh hoàng này.
Công an và CSCĐ giúp người dân
Trống trơn, đổ nát, xác xơ...
Con đường nhựa hiền hòa mềm như lụa dẫn vào xã Ngọc Chiến ngày nào giờ ngổn ngang với dấu vết của 1 con suối lũ, với những tảng đá hộc to bằng cả cái ô tô, có tảng to bằng cái tủ lớn, những thân gỗ nằm khắp nơi, cùng bùn đất.
Bên dòng suối Nặm Păm đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, những bản làng yên bình cùng những nếp nhà sàn xinh xinh nằm bên những thửa ruộng nước, ruộng bậc thang ngày nào giờ biến mất, chỉ còn trơ khấc bãi đất trống và đá tảng và những ngôi nhà đổ nát, xác xơ.
Bản Nà Ten gần như bị xóa trắng khi có đến 45 hộ bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Những giọt nước mắt khóc vì mất người thân, vì nhiều tài sản tích cóp bấy lâu bị cuốn trôi trong tích tắc.
> Clip xúc động ghi lại cảnh những chiến sỹ cảnh sát cơ động căng mình vượt lũ giúp dân cứu nốt chút tài sản ở Sơn La trong cơn lũ
Những chiến sỹ cảnh sát cơ động căng mình vượt lũ giúp dân cứu nốt chút tài sản
Mưa lũ đã gây hâu quả nặng nề tại huyện mường La; có 10 người chết, 5 người mất tích, 12 người bị thương, thiệt hại 398 nhà, trongđó có 177 nhà bị cuốn trôi và đổ sập hoàn toàn, 191 nhà bị hư hỏng nặng và phải di chuyển khẩn cấp.
Lũ cũng cuốn trôi 2 mố cầu Nặm Păm và nhiều vị trí trên QL279D, làm cô lập 7 xã của huyện Mường La, phá hỏng 7km đường tỉnh lộ 109 làm cho xã Ngọc Chiến và thủy điện Nậm Chiến bị cô lập; thiệt hại 290 ha hoa màu, nhiều ao cá và trâu bò, lợn gà; phá hủy 3 cầu treo và 3 công trình thủy lợi và kè suối Nặm Păm; hệ thống điện 35KV đi 5 xã của huyện bị cuốn trôi gây mất điện trên 5 xã với 7.600 hộ dân.
45 hộ bản Nà Ten bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.
Đồ dùng được đoàn cứu trợ đưa lên cho bà con
Dọc đường bắt đầu từ bản Hua Nặm lên đến trung tâm xã Nặm Păm, rất nhiều những chiếc lán nhỏ tạm bợ dựng bằng bạt đã được dựng lên.
Bao nhiêu lều bạt là bấy nhiêu ngôi nhà đã bị lũ cuốn mất, trong đó là rất nhiều những thân phận đang ngơ ngác, bàng hoàng, tay trắng; những gương mặt thất thần, hốc hác sau gần 1 tuần hoảng loạn chạy lũ ống lũ quét và thiếu ăn, thiếu ngủ.
Trong túp lều bạt dựng trên nền đất cũ của gia đình, anh Cà Văn Uẩn không nén nổi nỗi đau mỗi khi có đoàn cứu trợ ghé qua chia sẻ với những mất mát quá lớn của anh.
Đàn ông vốn giấu nỗi đau giỏi hơn phụ nữ, nhưng có lẽ nỗi đau của anh quá bất ngờ và đột ngột, khi đêm 2-8, anh phải tận mắt chứng kiến cảnh ngôi nhà sàn bị cơn lũ quét cuốn phăng trước mắt, trong đó có cả vợ và 2 con đang ngon giấc mà không thể làm được gì.
Nửa đêm, giữa lúc những tiếng động lạ ầm ầm như bom dội từ thượng nguồn đổ về, anh lúc đó đang đi xem nước ở ruộng, nên đã kịp chạy thoát. Để rồi sáng hôm sau, nhìn cảnh cả bản biến mất, không còn dấu vết của 1 nếp nhà nào, chính anh lại phải đi tìm xác vợ và 2 con trong từng kẽ đá.
Nói trong nước mắt, anh Uẩn nghẹn ngào: "Bây giờ vợ con của em chết hết rồi, em chẳn biết sống thế nào cả, thực sự là không biết sẽ sống tiếp thế nào, vợ con không còn, nhà cửa không còn, không còn đến cả bộ quần áo".
Tại bệnh viện đa khoa huyện Mường La, những ngày qua nhiều người đã đến tặng quà và chia sẻ với mất mát của 17 bệnh nhân là nạn nhân của trận lũ kinh hoàng.
Ai cũng thương xót cho cảnh ngộ éo le của 2 chị em mồ côi Sồng Thị Lạ Nhia (SN 2004) và em gái Sồng Thị Hua (SN 2007, dân tộc Mông ở bản Púng Quài, xã Chiềng San).
Đêm 2/8, nước suối Nặm Păm bỗng ào ào đổ về, cuốn trôi cả 3 chị em khi đang ngon giấc. Lũ dữ đã cuốn trôi mất em út Sồng Thị Cạ (SN 2010), còn Nhia và Hua thì bị cuốn dạt vào bụi cây.
Khi bà con dân bản tìm được thì hai em mình đầy thương tích, Nhia đã bị đứt gân chân, con Hua thì hiện đang điều trị viêm phổi nặng do ngâm nước quá lâu và đã hít phải bùn đất khi bị lũ cuốn. Đáng thương hơn khi biết hoàn cảnh của các em. Bố mất, mẹ đi bước nữa, mấy chị em ở với vợ chồng người chú ruột là anh Sồng A Lênh.
Những ngày qua, vợ chồng anh Lênh đã túc trực để chăm sóc các cháu, anh cho biết: "Tài sản giờ chả còn cái gì, nhà bị cuốn trôi, giờ chỉ còn mấy đứa con này thôi mà. Hai cháu này bị thương nặng, đứa em thì mất rồi, nhà đã làm ma. Trước mắt gia đình rất khó khăn, rất nghèo".
Đi qua vùng lũ những ngày này, ai cũng thất thần, hốc hác. Người thì mất đi người thân, người thì mất toàn bộ tài sản cả đời tích cóp được. Chị Đinh Thị Tiên ở bản Hua Nặm, xã Nặm Păm đau đớn òa khóc khi có người hỏi thăm.
"Tài sản nhà cửa, trâu, bò, vịt, lợn trôi hết không còn cái gì cả, quần áo mặc cũng không có, cái gì cũng trôi hết. Nhà của bố mẹ chồng cũng trôi rồi, không có chỗ nào ở. Người dân mong được giúp đỡ, chúng tôi đang rất sợ".
"Chúng tôi đã sẵn sàng tinh thần để đến từng bản dạy học"
Sau gần 1 tuần, nước đã rút, chúng tôi theo chân các cô giáo của trường Tiểu học Nặm Păm tìm đến địa điểm trường đóng tại bản Piệng.
Lần từng bước trên những hòn đá vừa chông chênh vừa trơn, lội qua những đoạn suối vẫn đang chảy xiết, có những đoạn ngập ngang bụng người lớn, men theo sườn núi, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi tận mắt nhìn thấy ngôi trường Tiểu học.
Lũ dữ cuốn sạch toàn bộ khuôn viên nhà trường với 23 phòng học, 1 dãy phòng ở bán trú và bếp ăn bán trú.
Ngôi trường tan hoang
Nói trong nước mắt, cô giáo Trần Thị Thúy - Hiệu trưởng trường tiểu học Nặm Păm cho hay: "Vượt lũ lên đến trường, nhìn thấy cảnh ngôi trường bao năm gây dựng biến mất, chỉ còn 1 con suối đầy đá to đá nhỏ, chúng tôi đau như cắt từng khúc ruột. Nhiều cô giáo còn òa khóc luôn.
Giờ năm học mới sắp đến, chúng tôi lo lắng lắm, hồ sơ sổ sách, học bạ học sinh bị cuốn trôi hết; học sinh làm thế nào để đến trường khi mà lớp học không còn, trường không còn, nhà bán trú cũng mất hết, sách vở quần áo không có gì cả.
Huyện cũng đã có phương án là làm các lớp học cắm tại các bản. Giao thông chia cắt thế này, các em học sinh tiểu học cũng không thể đến lớp an toàn được, chúng tôi đã sẵn sàng tinh thần để đến từng bản dạy học".
Tỉnh Sơn La đã kiểm tra, khảo sát để tiến hành quy hoạch khẩn cấp khu tái định cư cho người dân vùng lũ. Theo đó đề xuất di chuyển khẩn cấp 8 bản thuộc xã Nặm Păm và 4 tiểu khu thuộc thị trấn Ít Ong, huyện Mường La đến khu vực mới.
Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn hẹp.
Ông Nguyễn Thành Công, Bí thư Huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La cho biết: "Hiện nay chúng tôi phải quy hoạch, xác định điểm di chuyển là phải làm gấp rút để xem điểm nào mà nhân dân đến đó phải ở được, phải sản xuất được để ổn định đời sống lâu dài.
Thứ hai ở điểm đó phải xác định là không nằm trong vùng tụ thủy lớn, đặc biệt là phải trên bản đồ không còn nguy cơ lũ lụt cao thì chúng tôi mới di chuyển được. Và quỹ đất hiện nay còn khá là ít".
Trắng tay không còn thứ gì ngoài một bộ quần áo đang mặc trên người; hàng trăm hộ dân ở vùng lũ Mường La vẫn đang nhọc nhằn vượt khó sau cơn lũ càn quét. Bữa ăn hàng ngày giờ đây của bà con hoàn toàn trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn cứu trợ.
Cuộc sống trước mắt của người dân vô vàn khó khăn khi mà cái cày, cái cuốc, con lợn, con trâu, bao thóc cũng không còn.
Cùng sự chia sẻ của đồng bào cả nước, bà con các dân tộc huyện Mường La đang vượt qua đau thương, mất mát quá to lớn. Tuy nhiên để họ sớm ổn định đời sống, sản xuất, bà con vùng lũ Mường La rất cần sự quan tâm chia sẻ và sự vào cuộc khẩn trương hơn của các bộ ngành để có được 1 khu tái định cư bền vững cho hàng trăm hộ dân.