Clip dạy con nhận về hơn 6 triệu lượt xem nhưng soi 1 CHI TIẾT, dân tình chia hai phe tranh cãi nảy lửa: Thương con hay hại con?

Hiếu Đan |

"Uốn tre từ lúc măng non chứ đã thành tre rồi uốn là vỡ toác luôn", một cư dân mạng bình luận.

Người lớn nào cũng cấm đứa trẻ không được tự ý đụng chạm hay xâm phạm quyền riêng tư của người khác, ngay cả những người trong gia đình như cha mẹ, ông bà. Họ cũng nói với con về chuyện không cho phép người khác quay phim hay chụp ảnh, nếu không muốn. Tuy nhiên, chính những người lớn đôi khi lại không tuân thủ nguyên tắc này.

Một trong những điểm mới, đáng lưu ý của Luật Trẻ em năm 2016 là quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư, trong đó nghiêm cấm việc đăng tải hình ảnh, tiết lộ đời tư của trẻ em. Nhưng chuyện nhiều phụ huynh nhân danh làm cha mẹ để có hành vi "vượt rào" không còn là chuyện hiếm.

Một clip dạy con được chia sẻ trên mạng xã hội TikTok mới đây nhận về nhiều sự chú ý với hơn 6 triệu lượt xem cùng hàng trăm bình luận trái chiều. Trong đó, chiếm đa số là các bình luận không đồng tình.

Clip dạy con nhận về hơn 6 triệu lượt xem nhưng soi 1 CHI TIẾT, dân tình chia hai phe tranh cãi nảy lửa: Thương con hay hại con? - Ảnh 1.

Được biết, clip do người mẹ quay lại cảnh đang hai vợ chồng khuyên dạy con chuyện không nên vừa dùng điện thoại vừa cắm sạc. Chuyện dạy con an toàn tất nhiên là cần thiết, nhưng điều đáng nói là bà mẹ này đã ghi lại video quá trình la mắng, dạy dỗ con bất chấp cậu bé nhiều lần yêu cầu mẹ ngừng quay. Vì uất ức, có lúc cậu bé còn khóc nức nở, lấy áo che mặt nhưng bà mẹ vẫn không có động thái dừng lại.

Đoạn video 4 phút với những đoạn đối thoại dấy lên cuộc tranh cãi nảy lửa của cư dân mạng: "Tắt máy ngay, mẹ không có quyền" - "Tại sao không có quyền, luật đâu?" - "Luật đấy, hay mà thích viết đơn?" - "Viết đơn đi" - "Trừ khi con phạm lỗi gì mẹ mới được quay chứ?" - "Lỗi không nghe lời bố mẹ" - "Đấy không phải là luật" - "Không phải việc của bố mẹ, bây giờ đồ của bố mẹ con bắt bố mẹ thế này thế kia bố mẹ có chịu không? Mẹ tắt cái máy đi, không đồng ý. Con không quan tâm, mẹ tắt cái máy đi"...

Khi con trai có phản ứng càng lúc càng gay gắt hơn, bà mẹ cho rằng mình sẽ đưa câu chuyện lên "bàn dân thiên hạ" để xem việc bố mẹ quay như vậy là đúng hay sai. Cách hành xử này bị nhiều người nhận xét thiếu tôn trọng con:

- Dạy con mà quay vậy có nên không trong khi con nói tắt máy đi. Quay hình con đăng lên mạng thì bố mẹ cũng quy tắc gì đâu mà bắt con phải quy tắc. Không hiểu mẹ nghĩ gì mà đăng con lên MXH theo chiều hướng tiêu cực như vậy.

- Cậu này dám cãi tay đôi với những người sinh thành cũng không vừa. Uốn tre từ lúc măng non chứ đã thành tre rồi uốn là vỡ toác luôn. Nhưng đưa lên mạng như vậy thì sai cách rồi. Nếu như mình có lòng tự trọng thì con cũng có. Nên đừng làm gì ảnh hưởng đến danh dự và lòng tự trọng của con.

- Tuổi này tầm tuổi dậy thì rất khó bảo bố mẹ không biết cách là sẽ sai lệch ngay. Dạy con đồng thời lắng nghe con. Cháu lớn vậy rồi không dùng vũ lực để dạy được đâu ạ, sẽ dễ gây cho cháu suy nghĩ tích cực, cố gắng nhẫn nhịn từ từ khuyên bảo cháu. Chứ càng thế nó càng bướng.

Clip dạy con nhận về hơn 6 triệu lượt xem nhưng soi 1 CHI TIẾT, dân tình chia hai phe tranh cãi nảy lửa: Thương con hay hại con? - Ảnh 3.

Ngày nay, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông khiến bí mật riêng tư có nguy cơ dễ dàng bị tiết lộ. Từ quan niệm cho rằng “con mình thì mình có quyền” cho nên không ít phụ huynh khá thoải mái đăng tải lên mạng xã hội nhiều thông tin về con cái, từ ảnh sinh hoạt hằng ngày đến thành tích học tập, thông tin trường học, về bạn bè, sở thích của con…

Chưa kể, ở độ tuổi vị thành niên, trẻ rất nhạy cảm, dễ bị sức ép tâm lý. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ mắc lỗi bị cha mẹ đưa lên MXH, sau 1 đêm ngủ dậy, khi đến trường, bị bạn bè chỉ trỏ bàn tán, cười cợt - liệu chúng có chịu nổi? Rồi bất cứ khi nào đi ra đường, chúng có thể bị người không quen biết chỉ trỏ, hỏi han, nhận xét...

Các nhà tâm lý học giáo dục đã cảnh báo, nhiều trẻ bị tổn thương nặng nề, nhiều em mất cơ hội học tập, sống không yên ổn sau khi bị xâm phạm thô bạo về quyền riêng tư. Chính cha mẹ cần tự ý thức về nguy cơ con mình có thể bị xâm hại quyền riêng tư bất cứ lúc nào, để từ đó, giáo dục và định hướng cho con em các kỹ năng sống cần thiết, cũng như ý thức về giá trị của bản thân để tự bảo vệ, ngăn chặn nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại