Ảnh minh họa
Một kẻ lừa đảo đóng giả là bệnh nhân ở Ba Lan bị ung thư giai đoạn cuối đã lừa một phụ nữ Hong Kong (Trung Quốc) hơn 1,2 triệu USD (tương đương hơn 28 tỷ đồng) trong một vụ lừa tình qua mạng.
Nạn nhân là một phụ nữ ngoài 50 tuổi đã về hưu. Bà gặp “người tình” qua mạng trên Instagram vào tháng 9/2021. Kẻ lừa đảo tự xưng là kỹ sư người Hàn Quốc đang làm việc tại Ba Lan.
Chỉ sau một thời gian ngắn làm quen, kẻ này nói rằng anh ta bị ung thư phổi giai đoạn cuối và tính mạng sẽ bị đe dọa nếu không được cấy ghép nội tạng càng sớm càng tốt. Hai người vẫn tiếp tục trò chuyện tình cảm qua mạng.
Tờ SCMP cho biết từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2022, nạn nhân đã chuyển gần 1 triệu USD (khoảng 23,3 tỷ đồng) vào 8 tài khoản ngân hàng ở Hong Kong trong 35 giao dịch.
Đến tháng 5 năm ngoái, kẻ lừa đảo nói rằng anh ta chỉ còn sống được 3 tháng nữa đồng thời hứa sẽ chuyển toàn bộ tài sản trị giá 6 triệu USD (tương đương hơn 141 tỷ đồng) cho “người tình” nhưng yêu cầu trả trước một khoản phí.
Không mảy may nghi ngờ, nạn nhân nhanh chóng chuyển 237.000 USD (khoảng 5,5 tỷ đồng) vào 2 tài khoản ngân hàng khác trong 9 giao dịch từ tháng 5 đến tháng 7 năm ngoái.
Lừa tình qua mạng là hình thức ngày càng phổ biến hiện nay (Ảnh: IE Xplore)
Cuối cùng, nạn nhân nhận ra đó là một trò lừa đảo qua mạng sau khi không thể liên lạc với “người tình” trong nhiều tháng kể từ khi chuyển tiền xong. Sau đó, người phụ nữ quyết định báo cảnh sát. Phía cảnh sát cho biết bà đã bị lừa tổng cộng hơn 1,2 triệu USD. Toàn bộ số tiền này là tiền tiết kiệm về già của người phụ nữ.
Một thống kê cho thấy từ tháng 1 đến tháng 10 năm ngoái, cảnh sát Hong Kong đã tiếp nhận 1.309 báo cáo về các vụ lừa tình qua mạng. Con số này giảm 4% so với 1.369 trường hợp được ghi nhận trong cùng giai đoạn năm 2021. Tuy nhiên, số tiền mà các nạn nhân bị lừa đã tăng từ 61 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2021 lên 73 triệu USD vào năm ngoái.
Những kẻ lừa đảo trực tuyến thường đóng giả là doanh nhân hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực có độ uy tín cao như kỹ thuật, ngân hàng hoặc quân đội. Những người này thường tìm kiếm “con mồi” trên mạng xã hội, làm quen, tán tỉnh và thiết lập mối quan hệ yêu đương trước khi lừa tiền.
Theo các cơ quan chức năng, thủ đoạn của nhóm này rất khôn khéo và chiến thuật thường xuyên được thay đổi. Chính vì thế, người dùng mạng xã hội được khuyến cáo cảnh giác với những người lạ mà họ tương tác trực tuyến.
Quan trọng hơn cả, bạn không nên chuyển tiền cho các đối tượng này trừ khi xác minh được danh tính và sự thật của câu chuyện mà họ kể. Bên cạnh lừa tình, những kẻ lừa đảo còn dụ dỗ nạn nhân tham gia vào các kế hoạch đầu tư giả mạo.
Cụ thể, ban đầu, nạn nhân sẽ nhận được một khoản lợi nhuận nhỏ. Tuy nhiên, sau khi đầu tư nhiều tiền hơn, họ phải gánh chịu khoản lỗ lớn, thậm chí có trường hợp rơi vào cảnh nợ nần vì tin lời các đối tượng lừa đảo trên mạng.