Vào thời Đông Hán, có một vị Hoàng hậu tuyệt sắc lại có trí tuệ hơn người, không chỉ là người chiến thắng ở hậu cung mà bà còn trở thành nữ chủ của Trung Hoa suốt 16 năm dài đằng đẵng. Đó chính là Hòa Hi Đặng Hoàng hậu.
Hòa Hi Đặng Hoàng hậu là Hoàng hậu thứ 2 của Hán Hòa Đế Lưu Triệu, là cháu gái của công thần khai quốc của triều Đông Hán Đặng Vũ. Không giống với những nữ nhân khuynh đảo triều chính Trung Hoa phong kiến khác, Đặng Hoàng hậu là một người hiền lành, lương thiện và ít ganh đua. Tính tình hòa nhã như thế mà bà lại trở thành người chiến thắng ở hậu cung, điều này thật sự rất bất thường. Rốt cuộc là vì bà quá may mắn hay vì có trí tuệ vượt bậc?
Năm 88, Hán Hòa Đế Lưu Triệu đăng cơ khi mới 10 tuổi. Năm 92, Âm thị nhập cung và 4 năm sau được lập làm Hoàng hậu, được Hán Hòa Đế vô cùng sủng ái.
Khi Đặng thị nhập cung thì Hoàng đế vẫn đang say mê vẻ đẹp và sự thông tuệ của Hoàng hậu Âm thị. Cùng năm Âm thị trở thành Hoàng hậu, Đặng thị cũng được phong làm Quý nhân, vị trí ở hậu cung chỉ dưới Hoàng hậu.
Ảnh minh họa.
Âm thị sau khi được phong hậu thì luôn kiêu căng và thường xuyên thể hiện sự ghen tuông khi Hoàng đế gần gũi các phi tần khác. Âm Hoàng hậu luôn mặc những trang phục lộng lẫy để thể hiện đẳng cấp hơn người ở hậu cung, hết sức bành trướng quyền lực.
Trong khi đó, Đặng thị không vì đắc sủng mà sinh ra kiêu ngạo, lại rất hiểu chuyện, luôn cư xử theo chuẩn mực. Thậm chí khi bị Âm Hoàng hậu khiển trách, bà vẫn không thể hiện thái độ khó chịu hay căm ghét. Chính vì vậy mà các phi tần lẫn cung nhân đều kính trọng bà hơn Âm thị.
Chẳng những thế, sự giản dị trong ăn mặc của Đặng thị đã khiến Hán Hòa Đế có hảo cảm, tin tưởng bà rất tiết kiệm và đáng tin cậy hơn. Sự thiện lương khiến bà trở thành một nữ nhân nổi bật ở chốn hậu cung thâm sâu đáng sợ.
Chứng kiến tình cảm của Hoàng đế ngày càng nghiêng về Đặng thị, Âm Hoàng hậu đã rất lo sợ. Và khi lo sợ, con người sẽ mất đi sự minh mẫn. Năm 101, Hán Hòa Đế đột nhiên lâm bệnh nặng, lúc này Hoàng hậu đã dần xua đi nỗi sợ và nói với cung nhân, khi Hoàng đế băng hà, bà sẽ tự tay giết chết Đặng thị đầu tiên.
Nhưng Âm Hoàng hậu không ngờ, trong cung của mình lại có người của Đặng thị. Nghe được tin này, Đặng thị đã uống thuốc độc tự vẫn nhưng không chết. Tuy nhiên, chuyện này đã đến tai Hoàng đế, ông tra rõ mọi chuyện và nắm được những lời ác độc của Âm Hoàng hậu. Lúc đó, Hoàng đế vô cùng tức giận vì ông chưa băng hà nhưng Hoàng hậu của mình đã có suy nghĩ quá phận.
Ảnh minh họa.
Năm 102, Âm Hoàng hậu bị phế truất, Đặng thị được lập thành Hoàng hậu. Từ khi trở thành người đứng đầu hậu cung, bà luôn tiến hành chủ trương tiết kiệm khiến Hoàng đế càng đánh giá cao hơn.
Năm 105, Hoàng đế băng hà, Đặng Hoàng hậu cho người đón con trai nhỏ Lưu Long của tiên đế về cung. Lưu Long lên ngôi, tức Hán Thương Đế; Đặng thị trở thành Thái hậu, tiến hành nhiếp chính vì Hoàng đế còn nhỏ tuổi.
Hán Thương Đế chỉ tại vị 8 tháng thì qua đời, Đặng Thái hậu đã lập một người khác trong hoàng tộc làm tân đế và Lưu Hỗ là người được chọn, tức Hán An Đế. Bà vẫn tiếp tục nắm thực quyền triều chính.
Đặng Thái hậu nắm quyền lực tối cao của nhà Hán, bắt đầu dùng ngoại thích và trọng dụng các hoạn quan của tiên đế. Bà lèo lái đất nước suốt 16 năm sau đó và qua đời ở tuổi 41.
Còn một điều được nhiều thế hệ sau đặc biệt quan tâm là sau khi Đặng thị trở thành Thái hậu, bà đã ân xá tội lỗi cho gia tộc Âm thị.