Chuyện về những nữ quản giáo ở Trại giam Tân Lập

Phong Trâm |

Gắn bó với nghề quản giáo là họ xác định làm việc ở trại giam “chung thân, không án”. Nếu các giáo viên là người “giáo dục đi” thì họ là người giáo dục lại, mà giáo dục lại những con người lầm lỗi còn khó hơn gấp bội lần. Gánh vác trên vai cả công việc, gia đình, chồng con, sự hi sinh thầm lặng của họ xứng đáng được vinh danh.

Chúng tôi đến Trại giam Tân Lập vào một ngày mưa rét buồn tê tái. Đường vào trại ngoằn ngoèo, vắng vẻ đi sâu vào vùng rừng núi của xã Vô Tranh và xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, Phú Thọ.

Tầm 3-4h chiều, sương mù đã phủ kín chân núi. Đi từ phân trại nọ sang phân trại kia chỉ một lúc trời tối sập xuống.

Không gian vắng vẻ, tĩnh lặng đến ghê người. Vậy mà những cán bộ chiến sĩ nơi đây đã gắn bó suốt bao nhiêu năm qua, với những công việc quen thuộc, cứ thế lặp đi lặp lại hàng ngày như một lập trình có sẵn đến độ nhàm chán.

Thậm chí có người gắn bó từ lúc bước chân ra trường cho đến khi về hưu. Thiệt thòi nhất vẫn là những nữ quản giáo khi các chị còn gánh vác trọng trách trên vai là gia đình, là con cái.

Chứng kiến công việc làm hàng ngày từ sáng sớm đến chiều tối của các chị, rồi thay nhau trực hàng ngày, hàng tuần, chúng tôi càng thêm cảm phục sự hi sinh của họ.

Trung tá Nguyễn Thị Ảnh có lẽ là một trong những cán bộ nữ gắn bó lâu năm nhất ở Trại giam Tân Lập. Ngày về Trại giam, chị mới có 20 tuổi, còn quá trẻ và đầy nhiệt huyết.

Tính đến nay chị đã gắn bó hơn 20 năm với Trại giam vùng sâu vùng xa này. Tuổi xuân của chị dành trọn vẹn cho nơi đây.

Từ ngày lên làm Phó giám thị, có khi cả tuần chị mới về nhà được 1 lần dù nhà ở cách trại chỉ chừng 5km.

Hai đứa con lúc nhỏ còn trông chờ được vào ông bà, lớn lên chúng đều phải tự lập, tự nấu nướng, ăn uống đưa nhau đi học, nhất là khi bố mẹ bận trực ở Trại giam.

Hầu như các cán bộ nữ của trại đều yêu và lập gia đình với nam cán bộ trong trại, vì ở cái mảnh đất xa xôi, hẻo lánh này, công việc quanh năm gắn bó với phạm nhân thì các chị làm gì có thời gian đi chơi, tìm hiểu và yêu đương.

Và cũng chỉ lấy vợ lấy chồng cùng ngành, các anh các chị mới thông cảm, sẻ chia cho nhau những thiệt thòi mà cán bộ quản giáo phải trải qua.

Là lãnh đạo, nhưng Trung tá Nguyễn Thị Ảnh vẫn tận tình xuống tận các đội, các xưởng, tiếp xúc với phạm nhân, gần gũi và cảm huấn họ.

Nói về chị, nhiều đồng nghiệp vẫn luôn khâm phục và lấy đó làm tấm gương để học hỏi cả về chuyên môn, nghiệp vụ và cách sống.

Về Trại giam vào thời điểm khó khăn, vất vả nhất của trại, hơn ai hết chị hiểu những thiệt thòi và hi sinh của chị em phụ nữ làm quản giáo.

Chính chị luôn là người gần gũi, động viên, chia sẻ với những cán bộ nữ trẻ mới vào nghề, cho họ thêm động lực để gắn bó với cái nghề đặc biệt này.

Còn với những phạm nhân, chị là một cán bộ dịu dàng nhưng đầy nghiêm khắc.

Vốn tốt nghiệp trường y, về công tác ở trại giam với vai trò là một cán bộ y tế, Trung tá Nguyễn Thị Ảnh đã từng có nhiều ngày bám trụ ở khu giam để tự tay chăm sóc cho những phạm nhân có hoàn cảnh đáng thương, bệnh tật bằng tất cả tình thương, sự cảm thông giúp họ vượt qua nỗi đau đớn, để họ yên tâm cải tạo.

Như trường hợp phạm nhân Hằng ở Sơn La chịu án phạt 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, trong những ngày mưa rét nhất của mùa đông giá lạnh, Hằng bị đau thận, Trung tá Nguyễn Thị Ảnh không quản mưa gió cùng cán bộ xuống chăm lo, thăm khám cho Hằng khiến chị ta cảm động rưng rưng khóc.

49 năm lịch sử của Trại giam Tân Lập, Trung tá Nguyễn Thị Ảnh là nữ Phó giám thị duy nhất, kể cả cụm Trại giam vùng núi phía Bắc.

Nhắc đến Đại úy Tạ Thị Mai Hằng, Đội Quản lý phạm nhân trọng điểm, ngay cả Trung tá Nguyễn Thị Ảnh cũng đánh giá chị thực sự là một cán bộ có năng lực, tuổi còn trẻ nhưng có kinh nghiệm quản lý những phạm nhân nhiều tiền án tiền sự.

Dù mới về Trại giam Tân Lập chưa lâu, nhưng Hằng đã thể hiện được bản lĩnh “thép” của mình. Đội do Hằng quản lý có 32 phạm nhân nhưng nền nếp, quy củ đâu ra đấy trong khi đó phần lớn là các đối tượng buôn bán ma túy, từng vào tù ra tội nhiều lần.

Chuyện về những nữ quản giáo ở Trại giam Tân Lập - Ảnh 1.

Các phạm nhân nữ Trại giam Tân Lập đang sản xuất hương vòng.


Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp Trung học Cảnh sát nhân dân 2, Hằng được phân về Trại giam Đăk Trung và gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió cho đến đầu năm 2017 mới về Tân Lập.

Nhưng ở đâu Hằng cũng được lãnh đạo tin tưởng giao phụ trách Đội Quản lý phạm nhân trọng điểm bởi năng lực và bản lĩnh.

Nhớ lại những tháng ngày ở Đắk Trung, khó khăn nhất với Hằng không phải là cuộc sống xa nhà vất vả, thiếu thốn về mọi thứ mà là số lượng phạm nhân người dân tộc thiểu số chiếm số lượng khá lớn.

Đa phần những phạm nhân đó có trình độ nhận thức kém, hiểu biết pháp luật hạn chế, do đó công việc cảm hoá, giáo dục phạm nhân, giúp họ hiểu rõ chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp không ít khó khăn.

Chính vì sự hiểu biết pháp luật non yếu mà họ “vô tình” phạm tội và không ý thức được hậu quả nghiêm trọng do hành động mình gây ra.

Như trường hợp của phạm nhân HĐon người dân tộc Ê đê đi tù vì tội giết người. Nạn nhân của HĐon không phải ai khác là chính đứa con trai mới lọt lòng của HĐon.

Người dân tộc Ê đê theo chế độ mẫu hệ nên họ luôn mong muốn sinh được con gái để sau này nó còn “bắt chồng” về làm lụng cho gia đình nhà vợ. Nhưng “không may”, đứa con chào đời của HĐon lại là con trai.

Hôm ấy, HĐon đặt con trai vào một chiếc nôi nhỏ rồi bế con lên rẫy, treo lủng lẳng chiếc nôi lên cây. HĐon định bụng để đứa nhỏ ở đó, mặc kệ nắng mưa, gió bão để Yang đón nó về với người.

Khi người ta phát hiện ra thì đứa trẻ đã chết và hành vi phạm tội của HĐon không qua mắt được cơ quan điều tra.

Thế nhưng trong phiên tòa xét xử, HĐon với nhận thức kém vẫn một mực khẳng định: “Nó là con tao. Tao nuôi hay không là quyền của tao mà. Cớ sao tao bị cán bộ áo xanh bắt?”.

Những lời giải thích của vị chủ tọa không thể một sớm một chiều giúp HĐon “ngấm” và hiểu tội lỗi phạm phải. Khi đến trại giam, HĐon rất khó hòa nhập và cảm hóa phần vì bất đồng ngôn ngữ, phần vì nhận thức.

Thế nhưng chính sự quan tâm của cán bộ quản giáo, dạy học, dạy chữ cho HĐon, cuối cùng HĐon vui vẻ hòa nhập và tích cực lao động, cải tạo, nhờ đó được hưởng ân xá của Chủ tịch nước ra tù trước thời hạn.

Chuyện về những nữ quản giáo ở Trại giam Tân Lập - Ảnh 2.

Đại úy Tạ Thị Mai Hằng tuy mới về Trại giam nhưng đều được đồng nghiệp và các phạm nữ yêu mến.


Trại giam là một xã hội thu nhỏ với đầy đủ kiểu dạng người. Ở đội Hằng phụ trách, phạm nhân nhiều tuổi nhất cũng gần 60 tuổi, còn phạm nhân ít tuổi nhất là 21 tuổi.

Mỗi người có tính cách khác nhau, không ai giống ai. Để cảm hóa họ, giúp họ cải tạo tốt sớm trở về với xã hội là điều khó khăn nhưng những nữ quản giáo luôn xác định đó là mục tiêu quan trọng trong công việc của mình.

Như trường hợp của phạm nhân Phạm Thị Thúy Hạnh, tức Hạnh “sẹo” phạm tội mua bán người, bị nhiễm HIV từng vào tù ra tội nhiều lần khiến các nữ quản giáo khá vất vả để cảm hóa.

Vì mắc căn bệnh thế kỉ nên thời kì đầu vào trại, Hạnh tỏ ra bất cần đời, không chấp hành mọi quy tắc của trại.

Bằng sự khéo léo, mềm dẻo và cương quyết, cũng như tận tâm gần gũi, chia sẻ, cuối cùng các chị cũng khuất phục được người đàn bà giang hồ đầy tiền án tiền sự.

Giờ đây, Hạnh trở về một người đàn bà đúng nghĩa, chăm chỉ, chịu khó, hòa đồng với mọi người.

Phạm nhân trong đội Hằng quản lý chủ yếu là lao động thủ công làm cườm. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe của phụ nữ nên các phạm nhân rất chăm chỉ làm việc, nền nếp đâu ra đấy.

May mắn cho Hằng là cả chồng chị cũng công tác tại trại giam nên mọi khó khăn trong công việc, gia đình, anh đều chia sẻ, gánh vác cùng chị.

Nhưng dẫu gì những người phụ nữ như chị vẫn khá thiệt thòi khi cả một tuổi xuân chỉ gắn bó với phạm nhân và trại giam. Và không chỉ các chị, mà con cái các chị cũng thiệt thòi khi phải gắn bó với bố mẹ ở mảnh đất xa xôi hẻo lánh này.

Bố mẹ ở đâu con theo đấy, thế nên cơ hội được đi ra thành phố học, được có một cuộc sống đầy đủ như trẻ em thành thị là điều khó có thể có được.

Trung tá Nguyễn Thị Ảnh, Đại úy Tạ Thị Mai Hằng cũng như nhiều nữ quản giáo của Trại giam Tân Lập vẫn đang âm thầm, lặng lẽ với sự nghiệp “giáo dục lại” những mảnh đời lầm lỗi.

Nói như Đại tá Nguyễn Khắc Chính, Giám thị Trại giam Tân Lập thì các thầy cô ngành giáo dục còn có một ngày để vinh danh, được xã hội trân trọng và biết đến, nhưng các quản giáo cũng là những người thầy, mà lại là những người thầy đặc biệt chỉ biết âm thầm, lặng lẽ làm việc hết trách nhiệm.

Buồn, tủi, nhưng họ xác định đó là công việc là trách nhiệm phải hoàn thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại