Chuyện về những người lính "danh dự"

Minh Phượng |

Việc tuyển được một người lính vào Đoàn "danh dự" là rất khó. Có người đủ yêu cầu ngoại hình nhưng không đủ các điều kiện khác và ngược lại. Nhiều tỉnh chỉ chọn được một người, có tỉnh không được ai.

Các sự kiện trọng đại của đất nước như kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, ngày Quốc khánh, những lần đón nguyên thủ các nước, những người lính của Đoàn nghi lễ quân đội - Bộ Tổng tham mưu đều có mặt.

"Trước mỗi buổi lễ trọng đại, công việc đầu tiên của chiến sĩ là phải kiểm tra từng chiếc nút áo, đường chỉ, nếu lỏng, bung phải tự may lại ngay. Lễ phục dù chỉ một vết dính ố bẩn nhỏ phải giặt ngay, găng tay trắng tinh, ghềnh da phải được lau chùi sạch sẽ

Đại úy NGUYỄN VIỆT QUÂN (chính trị viên Đoàn danh dự)

Buổi sáng mùa thu của Hà Nội. Những người lính đang hợp duyệt, chuẩn bị cho việc đón tiếp tổng thống Iran vào sáng hôm sau. Ngay tại sân của đơn vị, hàng trăm người lính chân mang ghềnh đen (ủng da, trang phục dùng trong nghi lễ), quân phục chỉnh tề, tay đeo găng trắng, bồng súng.

Họ là những người lính thuộc đoàn danh dự của Đoàn nghi lễ quân đội. Đứng thành năm hàng dọc và tám hàng ngang - đại diện cho các lực lượng lục, hải, không quân, những người lính tạo thành một khối đều tăm tắp. Cùng đó, lính tiêu binh sắp hai hàng hai bên lối đi để đón tiếp.

Chuẩn bị công phu

Thảm đỏ, bục đứng chào cờ chung của nguyên thủ hai nước, người đóng thế chủ tịch nước và nguyên thủ nước ngoài được bố trí y như lễ chính thức để cả đoàn nghi lễ cùng tập luyện.

Những tiếng hô dõng dạc vang lên: “Đồng chí chủ tịch nước đã ra vị trí”. Đồng loạt, một tiếng “cạch” cùng vang lên.

Những mũi lê tuốt khỏi súng, giương lên dựng thẳng tắp, sáng quắc. “Đoàn xe chở khách từ từ qua cổng”, “Xe dừng, cửa xe mở, quân nhạc vào vị trí nghiêm. Đồng chí chủ tịch ra tận cửa xe bắt tay tổng thống Iran mời vào buổi chào cờ”.

Mỗi khẩu lệnh vừa dứt, người lính nhịp nhàng với những động tác mạnh mẽ, dứt khoát. Gương mặt họ ngẩng cao, ánh nhìn đầy kiêu hãnh, tự hào.

Đoàn nghi lễ quân đội gồm có đoàn danh dự và đoàn quân nhạc. Bên cạnh việc tự tập luyện, trước những buổi lễ quan trọng họ phối hợp tập luyện với nhau. “Chỉ cần một thao tác xấu, một nốt nhạc sai là sẽ phá hỏng hết.

Sẽ không có lần thứ hai để sửa sai, để làm lại” - một người lính cho biết như vậy. Ý thức được điều đó, họ luôn tập trung cao độ trong luyện tập cũng như khi bước vào nhiệm vụ.

Vì mỗi người lính ở đây là bộ mặt đại diện cho quân đội, cho quốc gia nên đòi hỏi phải đẹp chỉn chu, chuẩn mực. Do đó, đồ nghi lễ được may theo số đo riêng, ghềnh da đặt gia công theo kích thước bàn chân mỗi người. Kỹ càng như thế, nhưng đến ngày chính thức làm nhiệm vụ, những người lính này còn được chỉ huy kiểm tra nhiều lần.

“Sẽ có khoảng 30 đồng chí đi theo làm công tác hậu cần, xử lý các tình huống” - đại úy Nguyễn Việt Quân, chính trị viên đoàn danh dự, cho biết. Ngoài ra, sẽ có thêm vài cán bộ, chiến sĩ “dự bị”, phòng trường hợp gặp sự cố.

“Khẩu hiệu “Đúng, đều, mạnh, đẹp” đòi hỏi người lính phải có sự chuẩn bị công phu, tỉ mỉ toàn diện” - đại úy Quân nói.

Tuyển chọn gắt gao

Những người lính đoàn danh dự của Đội nghi lễ quân đội đều có vóc dáng và gương mặt đẹp. Những chiến sĩ được tuyển chọn có chiều cao từ 1,8m trở lên (ngày trước là 1,7m), gương mặt sáng, da không quá đen, cơ thể cân đối.

“Việc tuyển được một chiến sĩ vào Đoàn nghi lễ quân đội là rất khó. Có người đủ yêu cầu ngoại hình nhưng không đủ các điều kiện khác và ngược lại. Nhiều tỉnh chỉ chọn được một người, có tỉnh không được ai cả” - một cán bộ cho biết.

Với gương mặt vuông, sống mũi cao, nụ cười sáng, binh nhất Phạm Cao Hữu (20 tuổi, quê Hải Dương) vui vẻ nói: “Mình rất vinh dự khi được làm nhiệm vụ này”. Hữu và bạn bè vui vẻ kể sau mỗi lần hoàn thành tốt nhiệm vụ, tối về hào hứng tìm hình ảnh mình trên tivi rồi tự hào khoe với gia đình.

Chiến sĩ Đào Quang Hồng (24 tuổi, quê Hưng Yên) chia sẻ cường độ rèn luyện thường xuyên, liên tục. Những trưa hè miền Bắc nóng đổ lửa, lưng áo ướt ran hay các ngày trời mưa, mái hiên biến thành thao trường thì tất cả vẫn tập luyện chăm chỉ.

Nội dung đầu tiên với chiến sĩ mới là học đứng nghiêm tay không, đứng giữ súng CKC một mình, sau đó là đứng trong đội hình.

“Có khi các chiến sĩ học đứng nghiêm suốt bốn tiếng. Có người không chịu nổi đã đổ nhào. Với những tư thế đứng nghiêm, mặt ngẩng cao 15 độ, nghiêng góc 45 độ sẽ khiến chiến sĩ rất mỏi” - đại úy Quân nói.

Các chiến sĩ trải qua việc huấn luyện khắt khe ngoài trời liên tục từ tám tháng đến một năm. Ban đầu để đồng bộ, chiến sĩ căn cứ vào những chiếc cọc được căng dây, sau quen dần thành phản xạ.

Theo các chiến sĩ, khó nhất chính là bài tập vác súng đi đều thành nâng súng đi nghiêng. Bài tập này mất nhiều thời gian, đòi hỏi đều mặt, đều tay, đều chân, lúc di chuyển không chỉ đều hàng dọc, hàng ngang mà còn phải đều hàng chéo.

Những chiến sĩ xuất sắc chính thức trở thành thành viên của Đoàn nghi lễ quân đội. Với thời hạn hai năm nghĩa vụ quân sự, khi lứa chiến sĩ này ra khỏi Đoàn nghi lễ quân đội thì có một lứa chiến sĩ khác đang được huấn luyện để thay thế, liên tục như thế.

Trong Đoàn nghi lễ quân đội còn có đoàn quân nhạc hơn 200 nghệ sĩ - quân nhân với đội kèn trống khổng lồ, tạo nên sự "hoành tráng", hào hùng và linh hồn của các buổi lễ trọng đại.

Trung tá Đào Quang Tiến, trưởng dàn quân nhạc số 1 - dàn nhạc chủ công của Đoàn nghi lễ quân đội và là nhạc trưởng trong nhiều sự kiện lớn gần đây, cho biết: "Trước mỗi sự kiện, đặc biệt là đón nguyên thủ quốc gia, đoàn quân nhạc phải tập luyện quốc ca của nước ấy. Có khi một tuần đón nhiều đoàn, thậm chí một ngày hai đoàn thì đoàn quân nhạc phải tập cả ngoài giờ, sau đó sẽ ráp với đoàn danh dự".

Theo trung tá Tiến, những người chỉ huy dàn nhạc được đào tạo từ học viện âm nhạc, còn nhạc công đều là quân nhân chuyên nghiệp, tốt nghiệp khoa quân nhạc Trường Nghệ thuật quân đội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại