Chuyện về những người buộc phải 'ăn dầm nằm dề' tại sân bay suốt nhiều năm trời: Tại sao lại có chuyện như vậy?

J.D |

Có những người ở đó vì không còn lựa chọn. Nhưng lại có những trường hợp thì tình nguyện, biến sân bay thành nhà trọ miễn phí suốt nhiều năm.

Tháng 1/2021, nhà chức trách bắt giữ một người đàn ông 36 tuổi tên Aditya Singh, sau khi người này đã "ăn dầm nằm dề" tại Sân bay Quốc tế O'Hare (Chicago, Mỹ) suốt 3 tháng trời. Chẳng biết bằng cách nào mà từ tháng 10/2020, người này đã lọt qua được cổng kiểm soát an ninh và sống luôn ở khu sân bay tại đó, kiếm đồ ăn, nước uống dựa vào lòng tốt của hành khách, và tận dụng nhà vệ sinh để tắm rửa. Mãi đến khi các nhân viên sân bay sinh nghi và đòi kiểm tra căn cước, mọi chuyện mới vỡ lở.

Nhưng 3 tháng của Singh xét ra thì còn lâu mới chạm được đến kỷ lục của những người từng ăn nằm tại sân bay. Và thậm chí, có những người buộc phải làm như vậy dù không muốn, đơn giản vì chẳng có lựa chọn nào khác.

Chuyện về những người buộc phải ăn dầm nằm dề tại sân bay suốt nhiều năm trời: Tại sao lại có chuyện như vậy? - Ảnh 1.

Hòa mình vào đám đông

Thực ra thì việc sống luôn tại sân bay cũng không có gì quá khó. Sân bay có vô số những thứ cần và đủ để sinh tồn: thức ăn, nước uống, nhà tắm, và cả chỗ để ngủ. Và dù chưa chắc đã vận hành 24/7, các sân bay lại hoạt động từ rất sớm, và mở đến đêm muộn.

Thêm nữa, nhiều sân bay rộng đến mức nếu một người quyết định trốn ở lại - như trường hợp của Singh - người đó sẽ tìm ra cách để không thể bị bắt, trừ phi... gặp vận đen.

Chuyện về những người buộc phải ăn dầm nằm dề tại sân bay suốt nhiều năm trời: Tại sao lại có chuyện như vậy? - Ảnh 2.

Một trong những cách mà các "cư dân sân bay" áp dụng để không bị phát hiện, đó là hòa mình vào đám đông. Trước dịch, các sân bay của Mỹ phải xử lý khoảng 1,5 triệu đến 2,5 triệu hành khách mỗi ngày. Khi đại dịch xảy ra, con số giảm xuống chỉ còn khoảng 100.000 trong những tuần đầu tiên mùa xuân năm 2020.

Với trường hợp của Singh, anh ta trốn lại ở sân bay từ giữa tháng 10/2020 - thời điểm lượng hành khách bắt đầu tăng trở lại. Anh ta bị bắt vào cuối tháng 1/2021, khi lượng hành khách giảm đi đáng kể sau những tuần nghỉ lễ, và một phần vì đại dịch bùng phát trở lại.

Không còn lựa chọn

Nhưng không phải ai lưu lại sân bay cũng là vì họ muốn như thế. Một số chẳng còn lựa chọn nào, vì họ bị kẹt lại.

Nếu phải di chuyển bằng máy bay thường xuyên - đặc biệt là ở nước ngoài - sẽ có lúc bạn rơi vào cảnh trở thành một cư dân bất đắc dĩ tại một sân bay nào đó trong ngắn hạn. Một số người từng bị kẹt tại sân bay vì chuyến bay bị hoãn, do điều kiện thời tiết, hoặc vì không nắm được thông tin trong các chuyến bay chuyển tiếp. Những trường hợp như vậy sẽ khiến bạn kẹt lại trong vòng 1 - 2 ngày.

Chuyện về những người buộc phải ăn dầm nằm dề tại sân bay suốt nhiều năm trời: Tại sao lại có chuyện như vậy? - Ảnh 3.

Thậm chí, có trường hợp còn bị kẹt lại trong thời gian rất dài. Nổi tiếng nhất là trường hợp của Mehran Karimi Nasseri - một người Iran tị nạn, là nguồn cảm hứng cho phim điện ảnh "The Terminal" do Tom Hanks thủ vai.

Chuyện về những người buộc phải ăn dầm nằm dề tại sân bay suốt nhiều năm trời: Tại sao lại có chuyện như vậy? - Ảnh 4.

Mehran Karimi Nasseri

Nasseri trên đường tới Anh tại Bỉ và Pháp vào năm 1988 đã mất giấy tờ tùy thân của mình, trong đó có mảnh giấy chứng nhận mình là người tị nạn. Không có số giấy tờ ấy, ông sẽ không thể lên máy bay tới Anh. Nhưng bi kịch hơn, ông cũng không được phép rời khỏi sân bay ở Paris, vì không được nhập cảnh vào Pháp.

Vậy là rất nhanh sau đó, ông trở thành trường hợp bị giới chức trách 3 nước Anh, Pháp và Bỉ đùn đẩy cho nhau. Có thời điểm nhà chức trách tại Pháp cho phép ông ở lại Pháp, nhưng Nasseri từ chối, bởi ông muốn tới Anh. Vậy là ông quyết định ở lại sân bay Charles de Gaulle suốt 18 năm trời. Đến năm 2006 ông mới rời khỏi đó, vì tình trạng sức khỏe bắt buộc phải nhập viện.

Một trường hợp khác là Edward Snowden - từng kẹt lại ở sân bay Nga suốt 1 tháng vào năm 2013. Trước đó là Sanjay Shah - từng đến Anh vào tháng 5/2004, nhưng bị từ chối nhập cảnh vì hải quan không rõ ý định của Shah khi đến Anh. Bị buộc chuyển về Kenya, nhưng Shah sợ hãi không dám rời sân bay vì vốn đã từ bỏ quốc tịch của mình. Hơn 1 năm sau, Shah mới có thể rời đi sau khi quan chức Anh quốc cấp quyền công dân cho anh.

Và những người cố tình ở lại

Một số người thực sự đã muốn biến sân bay thành "nhà trọ miễn phí". Chẳng hạn, các sân bay tại Mỹ và châu Âu có những khu vực được xem là nơi trú ẩn cho người vô gia cư, dù không được thừa nhận trên giấy tờ.

Từ thập niên 1980, lượng người vô gia cư tại Mỹ tăng mạnh vì một số chính sách liên quan đến quy chuẩn đánh giá người mắc bệnh tâm thần. Cũng chính trong thập niên này, đã có những người vô gia cư tìm đến sinh sống tại các sân bay.

Năm 1986, tờ Chicago Tribune có đăng tải bài viết về Fred Dilsner - một cựu kế toán 44 tuổi đã sống tại sân bay O'Hare suốt 1 năm. Bài viết chỉ ra rằng người vô gia cư xuất hiện tại sân bay từ năm 1984, và đến thời điểm năm 1986 có khoảng 30 - 50 người đang sinh sống tại đó, dù nhà chức trách dự báo con số sẽ lên tới 200 vào mùa đông.

Tình trạng này đến thế kỷ 21 vẫn còn tồn tại. Năm 2018, đã có một số báo cáo cho thấy một lượng lớn người vô gia cư đã sinh sống tại các sân bay Mỹ trong hàng năm trời. Đại dịch Covid-19 vì thế đã gây ra lo ngại dành cho những cư dân bất đắc dĩ này.

Về cơ bản, đa số các sân bay đều tìm cách hỗ trợ cho các cư dân này. Nhưng trên thực tế, họ cũng muốn một giải pháp khác, trong một tương lai nơi các sân bay không thể coi là nơi trú ẩn cho người vô gia cư được nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại