Mùa hè tháng 7 Sài Gòn trôi qua bằng những cơn mưa. Tụi con nít đã trải qua một nửa kỳ nghỉ hè và một nửa háo hức chờ đợi được xúng xính áo quần cho năm học mới. Lẽ ra, hết tháng nhỏ Quyên sẽ lên lớp 6.
Vào trung học, bác Tiến không còn phải đưa nó đi học đều đặn. Bác Tiến có nhiều thời gian hơn để kiếm thêm tiền từ công việc chạy xe ôm, nuôi nó và đứa con gái 11 tuổi.
Nhưng rồi nhỏ Quyên bệnh. Bác sĩ bảo nhập viện gấp. Vậy là 5 tháng kể từ mùa hè đó, nó đi đi về về Bệnh viện Ung Bướu đều hơn cả đi học. Nghĩ lại, nhỏ Quyên và bác Tiến vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhìn vào biểu đồ bệnh lý thay đổi nhanh và chóng vánh như vậy.
Nhỏ Quyên bị ung thư hạch.
"Còn cha còn mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đàn đứt dây…"
Đó là câu đầu tiên bác Vũ Văn Tiến (56 tuổi, ngụ hẻm 308 Nguyễn Tri Phương, Q.10, TP.HCM) nói với tôi về nhỏ Quyên.
Năm 3 tuổi, cha Quyên mất. Năm 7 tuổi, mẹ Quyên mất. Cả hai đều bị đúng căn bệnh mà nó đang mang trong người: Ung thư. Câu cuối cùng cha nó nhắn lại: “Đừng để con Quyên lang thang nghen”, bác Tiến ghi vào lòng. Từ đó, người đàn ông sống lủi thủi cùng đứa con gái lại gánh thêm trọng trách "làm cha" với đứa cháu gái ruột.
Quyên được người bác ruột nuôi nấng từ khi ba mẹ qua đời.
Một ngày hè tháng 7, Quyên đang tận hưởng kỳ nghỉ cuối cùng trước khi chuyển cấp sang lớp 6. Cũng hôm đó, nó trở sốt ly bì. "Ban đầu cháu chỉ mọc một cái mụt nhọt, cũng nghĩ là sốt cảm bình thường nên chỉ dặn dò uống thuốc ít hôm là bớt. Ai dè…" – bác Tiến tần ngần nhắc lại.
Hết toa này tới thuốc khác, nhỏ Quyên vẫn la đau vì cái mụt nhọt mọc ngay cổ. Bác Tiến bỏ buổi xe ôm, chở nó vào Bệnh viện Hòa Hảo khám cho ra bệnh. Nửa ngày chờ đợi, bác sĩ gọi bác nó vào phòng riêng. "Cháu nhà bị ung thư hạch" - đó là những lời đầu tiên bác sĩ nói. Bác Tiến lùng bùng lỗ tai, không nghe được gì nữa.
"Mới đầu cũng tính giấu, nói nó nghe biết nó mắc bệnh như cha mẹ kiểu gì nó cũng buồn. Nhưng rồi vào Ung Bướu nó cũng hiểu ra. Mà con bé mạnh mẽ lắm, hóa trị mấy đợt cũng không hề khóc. Tóc đã rụng gần hết…" – bác nhìn đứa cháu.
Bác Tiến chăm sóc cho Quyên như con ruột.
5 tháng sau, nhỏ Quyên bỏ học giữa chừng. Sáng sáng, nó lại tất bật chuẩn bị đồ lên xe bác Tiến đưa vào viện. Con đường từ nhà đến viện dài gấp bốn năm lần đường từ hẻm nhỏ Nguyễn Tri Phương đến trường, bác Tiến phải dậy thật sớm và chờ nguyên ngày dài chạy hóa trị trong viện cùng cháu.
"Bữa nào thấy cháu còn bấm được điện thoại là mình mừng lắm, chứ nó ngồi rầu rĩ thì không ổn rồi đó. Giờ thì vô thuốc được ngày nào thì mừng hôm đó thôi. Chỉ cầu xin ý trời cho cháu được hết bệnh, còn tương lai thế nào không dám nghĩ tới".
Có người đàn ông 20 năm chạy xe ôm, thân "gà trống" nuôi cháu cùng con
Bệnh viện Ung bướu ngày đầu tuần đông đến ngộp thở, nhỏ Quyên nằm mệt nhừ sau đợt hóa trị thứ 5. Số tiền viện phí đã gần 60 triệu. Có hôm bác Tiến vón cục tiền dành dụm, nó nhìn rồi nói khẽ: "Thôi không có tiền mình ở nhà đi Bác Năm". Bác nhớ mãi, mặt sượng ngắt nhìn đứa cháu đang chết dần bởi căn bệnh quái ác.
Một mình gà trống nuôi con và cháu từ lúc lọt lòng, bác Tiến vừa phải làm cha vừa làm mẹ. Đều đặn, sáng chở hai đứa đi học, bác lại chạy ra ngã 6 Nguyễn Tri Phương hành nghề xe ôm. Kể từ khi Quyên đổ bệnh, công việc bao nhiêu bác cũng bỏ lửng. "Nó mất cha mẹ từ nhỏ, mình là bác ruột chẳng lẽ giờ bỏ được. Có bệnh tật tốn kém kiểu gì cũng phải cứu thôi" – bác nói.
Suốt buổi chiều truyền thuốc, bác Tiến vẫn ngồi trông chừng cháu cẩn thận. Ở viện ngập mùi thuốc, nhỏ Quyên không có mấy niềm vui. Lúc rảnh, nó lướt nhoay nhoáy trên chiếc điện thoại cũ rồi lại thiếp đi. Mỗi lần thấy cháu cắn răng chịu đau, bác khóc.
Hôm nào, bác Tiến có chở thêm Diệp – cô bạn thân của Quyên vào thăm, nhỏ Quyên mới cười nói vui vẻ. Nó tập học những bài toán lớp 6, con bé vòi được đi học lại. "Hết bệnh rồi về đi học nghen con" – bác cứ nhắc đi nhắc lại lời hứa đó.
"Ước gì con đừng có bệnh nữa để bác có thêm nhiều thời gian bác chạy xe hơn, kiếm tiền còn chăm em nữa" - Nhỏ Quyên thỏ thẻ với bác.
Giờ tan tầm, đường Sài Gòn đông nghịt người qua lại. 6h tối, chở nhỏ Quyên về nhà xong, bác Tiến lại dựng chân chống ở góc đường, nhìn dòng người tất tả xuôi ngược giờ thành phố tan ca, chờ đợi cuốc xe đầu tiên. Bây giờ, trong suốt 20 năm chạy xe của mình, bác mong có được nhiều khách như vậy, bởi sau yên xe màu xám tro là cả sự sống của cháu gái.
Ngần ấy thời gian chiến đấu với căn bệnh ung thư, phép màu vẫn chưa bao giờ thành hiện thực với Quyên. Nhưng lúc nào tôi cũng thấy nhỏ vui vẻ, hạnh phúc. Tôi hỏi nhỏ, "Bác Năm là gì với con?", nó trả lời bằng cái giọng ngọt lịm:
"Ban ngày bác Năm là bác xe ôm, nhưng với con bác Năm lại là một siêu siêu anh hùng". Bởi lẽ, người đàn ông 56 tuổi, có mái tóc muối tiêu và một bên mắt đỏ hoe vẫn đang tràn đầy hy vọng: "Một ngày con Quyên bớt bệnh, được về nhà lâu lâu để đi học lại thì mừng biết mấy".