Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù

Hồng Anh |

Lale Sokolov là thợ xăm mã số tù nhân tại trại Auschwitz của phát xít Đức. Ông đã chứng kiến nhiều cảnh tượng kinh khủng, nhưng cũng may mắn gặp được tình yêu của mình tại đây.

Là một "người sống sót", ông Lale Sokolov đã chôn giấu những bí mật khủng khiếp tại trại tập trung Auschwitz trong suốt hơn 50 năm, bởi những điều ông từng trải qua và chứng kiến luôn là cơn ác mộng khiến ông kinh sợ.

Tuy nhiên, ở cái tuổi bát tuần gần đất xa trời, Lale đã quyết định chia sẻ câu chuyện thời chiến của mình với nhà văn Heather Morris. 

Cô Morris đã dành 3 năm để ghi chép trước khi ông qua đời vào năm 2006.

Không chỉ tái hiện thảm họa diệt chủng Holocaust, ông Lale còn kể câu chuyện cảm động về tình yêu và hy vọng sống nảy nở trong những khu trại tử thần của Đức Quốc xã.

Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù - Ảnh 1.

Ông Lale Sokolov. Ảnh: BBC.

Tù nhân số 32407

Lale sinh ra trong một gia đình Do Thái tại Slovakia năm 1916, và được đặt tên khai sinh là Ludwig "Lale" Eisenberg.

Tháng 4/1942, năm Lale 26 tuổi, ông đã bị đưa đến trại tập trung Auschwitz – khu trại lớn nhất và chết chóc nhất của Đức Quốc xã.

Khi phát xít Đức tấn công quê hương ông, Lale – một người đàn ông trẻ, khỏe mạnh – đã tình nguyện bị bắt để cứu gia đình khỏi cảnh chia cắt. Khác với những người anh chị em, vào thời điểm đó, Lale chưa lập gia đình và cũng chưa có công ăn việc làm.

Lale không hề hay biết về những điều khủng khiếp đang chờ đợi mình ở khu trại vùng Tây Nam Ba Lan - nơi phát xít Đức đang chiếm đóng.

Khi đến nơi, Lale đã bị đổi tên thành dãy số 32407.

Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù - Ảnh 2.

Dòng chữ ghi mã số và tên thật của ông Lale. Ảnh: BBC.

Cũng như hầu hết những tù nhân khác, tù nhân 32407 cũng phải làm việc như xây các khu nhà mới khi trại tập trung ngày càng mở rộng. Ông thường làm việc trên cao và cố gắng tránh đụng độ với những tên lính gác.

Từ "dãy số" trở thành thợ xăm mã số

Không lâu sau khi bị bắt vào trại tập trung, Lale mắc bệnh thương hàn.

Pepan, một học giả người Pháp đang làm nhiệm vụ xăm mã số của trại tập trung, đã chăm sóc cho Lale, sau đó thu nhận Lale làm trợ lí.

Không chỉ truyền nghề, Pepan còn dạy Lale cách "cúi đầu, im lặng" để sống sót trong khu trại này.

Một ngày, Pepan đột nhiên biến mất. Lale không biết vị ân nhân của mình đã gặp chuyện gì.

Với kĩ năng xăm khá thành thạo và khả năng nói được nhiều ngôn ngữ như tiếng Slovakia, Đức, Nga, Pháp, Hungary và một chút tiếng Ba Lan, Lale đã trở thành thợ xăm mã số chính của trại tập trung.

Ông được cung cấp một chiếc túi dụng cụ xăm và một tờ giấy với dòng chữ Politische Abteilung – tức nhánh chính trị của SS (tổ chức vũ trang của Đức Quốc xã).

Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù - Ảnh 3.

Tù nhân tại Auschwitz và các trại trực thuộc như Birkenau và Monowitz bị xăm mã số lên cánh tay. Ảnh: Independent.

Một sĩ quan được giao nhiệm vụ theo dõi Lale, nhưng đối với ông, điều đó cũng giống như được bảo vệ.

Khi trở thành thợ xăm mã số, Lale cách xa tử thần hơn những tù nhân khác và được hưởng một số đặc quyền. Ông được ăn trong tòa nhà hành chính với khẩu phần ăn nhiều hơn bình thường, và được ngủ trong phòng đơn. Sau khi hoàn thành công việc, hoặc nếu không có tù nhân mới, Lale được toàn quyền sử dụng thời gian rảnh.

"Lale tuyệt đối không bao giờ coi mình là đồng minh phát xít. Ông chỉ nắm lấy cơ hội để sống sót," Morris cho biết. "Lale nói ông đã nắm bắt tất cả các cơ hội để đảm bảo mình được sống sót vào sáng hôm sau."

Tuy được hưởng những đặc quyền như vậy, nhưng mối nguy bị đoạt mạng vẫn như chiếc dao luôn kề cổ Lale bất kể ngày đêm. 

Đặc biệt, bác sĩ tử thần Josef Mengele thường ngân nga câu hát "Một ngày nào đó, thợ xăm à, tôi sẽ lấy mạng anh", Morris trích lời Lale.

Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù - Ảnh 4.

Bác sĩ tử thần Josef Mengele. Ảnh: ABC.

Trong hai năm tiếp theo, Lale cùng người trợ lý đã xăm mã số cho hàng trăm nghìn tù nhân.

Những dãy số trên cánh tay tù nhân đã trở thành một trong những biểu tượng dễ nhận thấy nhất của cuộc thảm sát Holocaust và khu trại tập trung chết chóc nhất của phát xít Đức. Chỉ những tù nhân ở Auschwitz và các trại trực thuộc như Birkenau và Monowitz mới bị xăm mã số.

Ban đầu, Đức Quốc xã sử dụng một bản khắc bằng kim loại để in toàn bộ dòng mã số lên tay tù nhân. Sau đó mực xăm được bôi trực tiếp lên vết thương.

Khi thấy phương pháp này không còn hiệu quả, SS đã chuyển sang dùng thiết bị xăm kim đôi. Lale cũng sử dụng thiết bị này trong thời gian làm thợ xăm của trại tập trung.

Khi những tù nhân bị đưa đến trại Auschwitz, phát xít Đức liên phân loại họ thành hai nhóm: lao động khổ sai, hoặc hành quyết ngay lập tức.

Tất cả tù nhân đều bị cạo đầu và tịch thu tư trang, sau đó họ phải khoác lên người những bộ quần áo tù nhân rách rưới, rồi xếp hàng để chờ xăm mã số.

_99467282_1920-full-btec2y

Những tù nhân trẻ em ở trại tập trung Auschwitz và cánh tay xăm mã số.

Chỉ những tù nhân gốc Đức và những người bị đưa thẳng đến buồng khí gas là không phải xăm mã số.

Tiến sĩ Piotr Setkiewicz, giám đốc trung tâm nghiên cứu tại Bảo tàng Auschwitz-Birkenau, nhận định: "Đó là bước cuối cùng trong quá trình ghi danh 'tàn độc', một trong rất nhiều hành động làm nhục, phi nhân tính tại những trại tập trung này."

"Việc xăm mã số trước tiên vô cùng đau đớn, nhưng đau đớn hơn là khi họ đánh mất tên mình. Kể từ giây phút bị xăm mã số, những tù nhân phải dùng con số thay cho tên thật," tiến sĩ Setkiewicz nói.

Tù nhân số 34902

Tháng 7/1942, Lale được trao một mảnh giấy với 5 chữ số : 3 4 9 0 2.

Lale đã quen xăm mã số cho những tù nhân nam, nhưng lần này, khi nắm lấy cánh tay nhỏ nhắn, yếu đuối của cô gái trẻ, ông chợt thấy hoảng sợ.

Lale vẫn chưa được chính thức công nhận là thợ xăm. Pepan luôn nhắc nhở Lale phải làm đúng nhiệm vụ được giao. Nếu không, ông sẽ tự rước lấy cái chết.

Nhưng thiếu nữ trẻ với đôi mắt sáng này thực sự đặc biệt. Ở tuổi bát tuần, Lale vẫn còn nhớ như in: khi ông cầm kim xăm những con số lên cánh tay trái của cô thiếu nữ, thì chính nàng cũng đã "xăm" dòng số ấy trong trái tim ông.

Tên thật của nữ tù nhân mang mã số 34902 là Gita Fuhrmannova, thuộc trại tập trung tù nhân nữ Birkenau.

Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù - Ảnh 7.

Bà Gita Fuhrmannova. Ảnh: BBC.

Với sự giúp đỡ của người giám sát, Lale lén gửi thư cho Gita, sau đó họ bắt đầu bí mật gặp gỡ ngoài khu trại của bà.

Lale cố gắng chăm sóc Gita, ông thường lén mang cho bà một phần suất ăn của mình, và thậm chí còn giúp bà chuyển sang một trạm làm việc tốt hơn. Ông luôn cố gắng đem đến cho bà hy vọng.

Lale biết mình là một trong những người may mắn, nên ông luôn cố gắng tận dụng vai trò thợ xăm của mình để giúp đỡ những tù nhân đồng cảnh. Ông đã chia sẻ suất ăn của mình cho người bạn cùng khám, bạn của Gita, và một gia đình đến từ Rome.

Sau đó ông bắt đầu đổi trang sức và tiền mà những tù nhân khác trao gửi với những dân làng làm việc gần khu trại, để có thêm đồ ăn thức uống cho những người khó khăn nhất.

Chia rẽ và đoàn tụ

Năm 1945, phát xít Đức bắt đầu chuyển tù nhân khỏi khu trại trước khi quân giải phóng Liên Xô tấn công tới đây. Gita cũng nằm trong danh sách những tù nhân nữ được chọn để rời trại Auschwitz.

Ngoài tên họ của người yêu, Lale hoàn toàn không biết cô đến từ đâu, cũng không biết cô bị đưa đến đâu.

Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù - Ảnh 8.

Những nữ tù nhân trước khi trại tập trung được quân Liên Xô giải phóng. Ảnh: BBC.

Không lâu sau, Lale đã trốn thoát khỏi trại Auschwitz và tìm đường trở về quê hương Tiệp Khắc. Với hành trang là số trang sức trộm được từ Đức Quốc xã, cuối cùng Lale cũng trở về đoàn tụ với người chị gái còn sống sót tại ngôi nhà cũ.

Điều quan trọng duy nhất đối với ông lúc này là tìm ra tung tích của Gita.

Với chiếc xe ngựa, Lale bắt đầu khởi hành đến thành phố Bratislava (nay là thủ đô của Slovakia), điểm đến của nhiều người sống sót trở về nhà ở Tiệp Khắc. Lale đã chờ đợi ở ga xe lửa hàng tuần, cho đến khi quản lý nhà ga khuyên ông nên thử đến trụ sở Hội Chữ thập Đỏ.

Trên đường đến đó, số phận đã mỉm cười với Lale. Một thiếu nữ trẻ bước xuống đường ngay trước xe ngựa của ông. Đó là khuôn mặt, là đôi mắt sáng thân thuộc. Và không ai khác, đó chính là Gita.

Lale và Gita đã kết hôn vào tháng 10/1945, và hai người đổi họ thành Sokolov để phù hợp với bối cảnh Tiệp Khắc khi ấy.

Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù - Ảnh 9.

Đôi vợ chồng Lale - Gita cùng con trai Gary. Ảnh: BBC.

Trải qua nhiều sóng gió, bôn ba qua nhiều thành phố châu Âu như Vienna, Paris, cặp vợ chồng đã quyết định dừng chân tại Sydney, Australia. Ông Lale mở cửa hàng vải, còn bà Gita thiết kế các mẫu quần áo.

Tình yêu của ông bà đã kết trái năm 1961, với đứa con trai được đặt tên là Gary.

Trong suốt quãng đời còn lại, ông Lale không hề quay lại cố hương. Tuy nhiên bà Gita từng về thăm lại châu Âu vài lần trước khi qua đời năm 2003.

Chỉ những người bạn thân thiết biết chuyện tình bí mật của Lale và Gita, và luôn nhắc về họ với lòng cảm phục: "Tôi từng gặp gỡ vài người bạn của Lale, và họ thường hỏi tôi ngay khi vừa gặp gỡ, "cô biết Lale và Gita gặp nhau trong trại tập trung Auschwitz chưa? Sao họ có thể yêu nhau trong trại tập trung được nhỉ?" - Morris kể trong cuốn sách của mình.

Thậm chí ngay cả Gary, con trai của hai ông bà cũng không biết tường tận về quá khứ của bố mẹ trong trại tập trung. Anh chỉ biết đến câu chuyện đó khi cha mình quyết định mở lòng chia sẻ với nhà văn Heather Morris.

Chuyện tình thế kỷ ở trại Auschwitz: Khi tình yêu và lòng can đảm chiến thắng ngục tù - Ảnh 10.

Hình ảnh đôi vợ chồng Lale - Gita được chụp trước khi bà Gita qua đời năm 2003. Ảnh: BBC.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại