Chuyện Thủ tướng Lý Quang Diệu xử lý bán hàng rong, kinh tế vỉa hè đến bài học cho Việt Nam

N.Dương |

“Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau khi chúng tôi đã thuyết phục và lôi kéo được số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này đã khiến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn”, trích hồi ký cố Thủ tướng Lý Quang Diệu.

Đảo quốc Sư tử ngày nay được đánh giá là một đất nước xanh và văn minh. Nhưng nó cũng đã từng có thời “hàng nghìn người bán thức ăn trên lề đường không đếm xỉa đến giao thông” hay “rác tưởi, mùi hôi của thức ăn thối rữa, âm thanh hỗn loạn biến nhiều khu vực thành phố thành khu ổ chuột”… với nhiều điểm tương tự Việt Nam hiện tại. Sự thay da đổi thịt từ quá khứ đến hiện tại không tư nhiên mà có, nó nằm ở quyết tâm và ý chí con người.

Trong hồi ký, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cho biết ngay sau độc lập, ông đã chọn “Singapore xanh và sạch” làm sự khác biệt với các nước thuộc thế giới thứ 3 khác.

Mục đích của chiến lược này là làm Singapore trở thành một ốc đảo trong Đông Nam Á, vì nếu Singapore có những tiêu chuẩn của Thế giới Thứ nhất thì các thương gia và các khách du lịch sẽ chọn đây làm căn cứ cho việc kinh doanh của họ cũng như là một vùng du lịch.

Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu cũng nhanh chóng nhận ra, cơ sở hạ tầng cơ bản dễ cải tiến hơn “cung cách cộc vằn của người dân”. Bởi lẽ, dù đã đến sống trong những căn hộ hiện đại nhưng cách cư xử của họ vẫn như cũ, họ vẫn mang những nếp sống kém văn minh, thân thiện,…

“Chúng tôi đã phải làm việc cật lực để xóa bỏ việc vứt rác bừa bãi, những âm thanh ồn ào và thái độ thô lỗ, và hướng dẫn người dân trở nên ý tứ và lịch sự hơn”, ông Lý Quang Diệu cho biết.

Cấp phép cho những người bán hàng rong

Những năm 60 thế kỷ trước, Singapore là nước có nền tảng thấp với những hàng nghìn người tất nghiệp xếp hàng dài để xin giấy phép lái xe, bán hàng rong, bán thức ăn trong căng tin trường học.

“Hàng nghìn người bán thức ăn trên lề đường không đếm xỉa gì đến giao thông, sức khỏe và các lý do khác. Rác rưởi, mùi hôi của các thức ăn đã bị thối rữa và các âm thanh hỗn loạn đã khiến nhiều khu vực của thành phố biến thành những khu ổ chuột” hay những taxi vô tổ chức, gây nguy hiểm cho người dân…

Thời điểm đó, ông Lý Quang Diệu cho rằng không thể “làm sạch” thành phố bằng cách di dời những người bán hàng rong hay những taxi bất hợp pháp trong nhiều năm. Điều này chỉ xảy ra sau năm 1971, khi chính phủ tạo ra được nhiều việc làm, luật pháp mới có thể thi hành.

“Chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống nước, cống rãnh và chỗ đổ rác. Mãi đến đầu những năm 80, chúng tôi mới tái ổn định tất cả những người bán hàng rong”

Kết quả, một vài người trong số đó làm những món ăn tuyệt hảo hấp dẫn khách du lịch. Một vài trong số đó trở thành những nhà triệu phú đi làm bằng xe Mercedes–Benz và thuê người phục vụ.

“Đây là sự táo bạo, nỗ lực và tài năng của những người tạo nên Singapore. Những tài xế tắc xi bất hợp pháp đã bị trục xuất khỏi đường phố chỉ sau khi chúng tôi tái tổ chức lại hệ thống xe buýt phục vụ và tạo cho họ những việc làm khác”, ông viết trong hồi ký.

Tuy nhiên, sau 2 cuộc bạo động vào tháng 7 và tháng 9/1964 đã khiến thành phố bẩn thỉu trở lại buộc Chính phủ phải hành động.

Cứng rắn với những con bò được chăn trên phố

Đó là một buổi sáng tháng 11/1964, khi ông Lý Quang Diệu nhìn qua Padang từ cửa sổ phòng làm việc ở Tòa Thị chính và thấy một vài con bò đang ăn cỏ trên Esplanade. Một vài ngày sau đó, một luật sư đang lái xe chạy trên một đại lộ ngoài thành phố đụng phải một con bò và chết. Những người Ấn Độ chăn bò dắt bò của họ vào thành phố để thả ăn cỏ bên lề đường và trên Esplanade.

“Tôi triệu tập một cuộc họp với những nhân viên sức khoẻ cộng đồng và giải thích một kế hoạch hành động để giải quyết vấn đề này. Chúng tôi gia hạn cho những người chủ của những đàn bò và dê một khoảng thời gian đến ngày 31/1/1965.

Sau thời gian đó, tất cả những gia súc nào đi lang thang trên đường sẽ bị mang đến lò sát sinh và sau đó đem thịt tới cho các nhà làm phúc. Đến tháng 12/1965, chúng tôi đã bắt và giết 53 con bò. Rất nhanh sau đó, tất cả các súc vật đều bị nhốt lại trong chuồng”, trích hồi ký của ông Lý Quang Diệu.

Biện pháp cứng rắn, quyết liệt, của Chính phủ ông Lý Quang Diệu đã giúp đường phố Singapore có được sự trật tự. Bên cạnh đó, để đạt được những tiêu chuẩn cuả Thế giới Thứ nhất trong khu vực thuộc thế giới Thứ ba, Singapore đã biến đổi mình thành thành phố nhiệt đới thông qua việc trồng cây, làm kênh đào, tẩy uế cống rãnh, kênh mương… Trong vòng 1 năm, những nơi công cộng đã có sự thay đổi đáng kể.

Tự hào với "Nhà nước vú em"

“Tính kiên trì và sức chịu đựng là những đức tính cần thiết để đánh đổ các thói xấu cũ”, ông Lý Quang Diệu nhận xét. Bởi lẽ, không dễ dàng để thay đổi những thói quen, những tập quán cũ hay khiến cho người dân hiểu được những sự thay đổi đó.

Cũng có thời báo chí nước ngoài từng nhạo báng lệnh cấm ăn kẹo cao su để giữ sạch đường phố của Chính phủ Singapore và gọi đây là “nhà nước vú em”. Đáp lại bằng thái độ tự tin, ông Lý Hiển Long cho rằng nếu không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn Singapore sẽ là một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn, tục tĩu hơn.

“Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể. Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng.

Sau khi chúng tôi đã thuyết phục và lôi kéo được số đông, chúng tôi lập pháp để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này đã khiến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn. Nếu đây là một "nhà nước vú em” thì tôi tự hào vì đã được nuôi dưỡng nó”, ông viết trong hồi ký.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại