Mấy ngày gần đây, câu chuyện ông Phạm Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đích thân xuống đường để cùng với các lực lượng chức năng dẹp loạn vỉa hè đã tốn nhiều giấy mực của báo chí.
Còn ở thủ đô Hà Nội, ngày hôm qua, những lực lượng công an đầu tiên đã ra quân dẹp bỏ các hoạt động chiếm dụng vỉa hè của người đi bộ như các hàng, quán cóc ven đường.
Thực ra, theo Quyết định số 54/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc thu phí sử dụng hè, lề đường, lòng đường, bến, bãi, mặt nước trên địa bàn thành phố Hà Nội thì việc kinh doanh trên vỉa hè tại thủ đô thực ra là hoạt động hoàn toàn hợp pháp như việc tạm thời sử dụng các hè đường, lề đường, lòng đường để dành cho mục đích trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp.
Cụ thể, theo Điều 1 của quyết định này, các tổ chức, cá nhân nếu đủ điều kiện sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng hè đường, lòng đường, bến, bãi, mặt nước để trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô; kinh doanh; trung chuyển vật liệu xây dựng; làm bến đò; cắm biển quảng cáo; giải phân cách mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và quy định của Nhà nước…
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân này cũng sẽ phải nộp một mức phí cho chính quyền thành phố theo như Điều 2 của Quyết định. Điều này đúng với điều mà Thủ tướng đã truyền đạt thông qua Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mãi Tiến Dũng trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 vừa qua là: "vỉa hè là tài sản của Nhà nước".
Đáng chú ý, các mức biểu phí đã thể hiện ra rằng trong các khu vực nội thành Hà Nội, khu vực thu phí đắt nhất cho trông xe ô tô, xe máy, xe đạp phải kể đến khu Phố cổ và các khu vực lân cận.
Ở khu vực mang tên đô thị lõi (khu bảo tồn cấp I), nơi bao gồm các con phố “vàng” của thủ đô như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và hè đường các tuyến phố bao gồm phố cổ là Hai Bà Trưng, Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Giấy, Phủ Doãn, Quán Sứ, người kinh doanh trông xe ô tô sẽ phải trả mức phí là 80.000 đồng/m2/tháng.
Còn đối với dịch vụ trông giữ xe máy và xe đạp, phí thu tại quận Hoàn Kiếm, với một phần là tại các khu Phố cổ, cũng là cao nhất.
Theo đó, đối với 17 tuyến phố bao gồm Nguyễn Xí, Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Lý Thái Tổ, Hàng Bài, Phố Huế, Bà Triệu, Quán Sứ, Phủ Doãn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng, những người kinh doanh trông giữa xe máy sẽ phải nộp số tiền là 45.000 đồng cho mỗi m2 thuê.
Hoàn Kiếm là quận trung tâm Hà Nội, là nơi vừa có cả khu vực dân cư sinh sống, có văn phòng để các công ty làm việc và đặc biệt nhất là có khu vực Phố cổ - trung tâm du lịch của thủ đô với hàng loạt các nhà hàng, khách sạn, khu giải trí phục vụ cho hàng triệu lượt khách du lịch nước ngoài.
Vì thế, không khó hiểu khi đây là nơi có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn, dẫn đến nhu cầu cho những bãi gửi xe cũng rất lớn..
Theo những số liệu từ năm 2012, toàn quận có 227 điểm trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô được cấp phép cho 5 doanh nghiệp quản lý, với diện tích hơn 27.000 m2. Chia trung bình, mỗi bãi giữ xe sẽ có diện tích là vào khoảng 119 m2.
Như vậy, tạm chấp nhận với diện tích trung bình này, cứ chiểu theo hai mức phí nộp trên, có thể tính ra một hộ trông xe ở khu vực này hàng tháng đang phải trả đến từ 5,4 triệu đồng (tính theo mức phí trông xe máy) cho đến 9,5 triệu đồng (tính theo mức phí trông ô tô).
Ngoài ra, Quyết định số 64 cũng đề cập đến mức phí thu cho các hoạt động trông giữ xe tại các khu vực khác trên địa bàn Hà Nội.
Như vậy đất phố cổ kinh doanh có thể lên tới đắt xắt ra miếng nhưng để kinh doanh trông xe thực ra cũng không tốn kém và khá tiềm năng khi nhu cầu gửi xe ở đây khá lớn vào những dịp cuối tuần hoặc lễ hội.