Chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: Đã có nhân hòa, địa lợi, chỉ thiếu thiên thời

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo thực hiện chuyến đi Nga lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức cách đây một năm.

Chuyến thăm quan trọng

Ông còn là đại diện đầu tiên của chính phủ Mỹ tới Nga kể từ sau cuộc gặp giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Donald Trump ở thủ đô Helsinki của Phần Lan hồi tháng 7 năm ngoái.

Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để cho thấy cuộc hội đàm của ông Pompeo với bộ trưởng ngoại giao Nga Lavrov và cuộc gặp ông Putin ở Sochi có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Nga.

Mục tiêu được hai bên đề ra không chỉ có là khởi động lại mối quan hệ song phương mà còn là "khôi phục hoàn toàn mối quan hệ ấy", hàm ý đưa mối quan hệ song phương này được lại như ở thời trước khi có chính biến ở Ucraine và Nga tiếp nhận Crimea.

Ở cả hai phía đều thấy không thiếu thiện chí và cả quyết tâm cũng đã được xác định, một vài cơ hội đã được tận dụng, nhưng bước chuyển quyết định cho đến nay hai bên vẫn chưa có được.

Nguyên do là tình hình chính trị nội bộ ở Mỹ thời gian qua đặc biệt và tế nhị đến mức độ làm cho ông Trump không thể cải thiện và thúc đẩy quan hệ của Mỹ với Nga. Chừng nào cuộc điều tra của điều tra viên đặc biệt Robert Mueller về những cáo buộc ông Trump và cộng sự đã có liên hệ với Nga để Nga hậu thuẫn giúp ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016 chưa kết thúc thì mọi bước đi của ông Trump với Nga đều không chỉ rất nhạy cảm mà còn có thể trở thành rủi ro chính trị nguy hại đối với ông Trump ở Mỹ.

Bây giờ, cuộc điều tra ấy đã kết thúc, báo cáo kết quả điều tra và những kết luận đã được công bố. Ông Trump coi đấy như sự minh oan và phía Nga coi đấy là sự xác nhận rằng mọi cáo buộc kia đều không có cơ sở. Trở ngại về chính trị nội bộ ở Mỹ đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa Mỹ và Nga đã được khắc phục.

Có nhân hòa, địa lợi, thiếu thiên thời

Nếu đơn giản chỉ có như vậy thì chuyến công du Nga này của ông Pompeo chắc chắn rất thành công. Cứ coi sự giải toả về chính trị nội bộ kia ở Mỹ là yếu tố nhân hoà, thiện chí và quyết tâm của chính phủ Mỹ và chính phủ Nga về khôi phục hoàn toàn quan hệ song phương là địa lợi thì hai bên vẫn còn thiếu nhân tố thiên thời, đấy là sự cọ xát và xung khắc lợi ích chiến lược cơ bản trên nhiều vấn đề, trong nhiều nội dung dai dẳng đã khá lâu nay mà không biết đến khi nào hai bên mới có thể khắc phục nổi.

Chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: Đã có nhân hòa, địa lợi, chỉ thiếu thiên thời - Ảnh 2.

Những bài viết cùng tác giả

Mỹ vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt Nga về việc Nga tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe ly khai chính phủ ở Ucraine. Vì sẽ không có chuyện Nga từ bỏ Crimea nên khúc mắc này sẽ còn dai dẳng dài dài nữa.

Liên quan đến Venezuela, Nga ủng hộ tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro và chính thể hiện tại trong khi Mỹ đứng hẳn về phia phe chống đối chính phủ và tìm cách lật đổ ông Maduro.

Mỹ rút khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran trong khi Nga muốn duy trì thoả thuận này. Mỹ đang điều binh dàn trận ở vùng Vịnh để sẵn sàng đối địch Iran về quân sự trong khi Nga có lợi ích chiến lược thiết thực và lâu dài ở Iran.

Ở Syria, Mỹ và Nga cũng cọ sát chiến lược nhiều hơn là hợp tác chiến lược. Ở châu Âu, Mỹ không trực tiếp nhưng đứng phía sau Nato đe doạ an ninh của Nga. Cả hai còn đều đã rút ra khỏi thoả thuận giải trừ vũ khí hạt nhân quan trọng nhất và sẵn sàng cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.

Trong tất cả những chủ đề nội dung ấy, chuyến đi Nga này của ông Pompeo làm sao có thể đưa lại được sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động. Chỉ có trình bày và giải thích thôi. Chỉ có nhắc nhở và cảnh báo lẫn nhau thôi, để bên này không làm tổn hại đến lợi ích của bên kia khi đơn phương hành động.

Nhưng suy cho cùng thì như thế cũng đâu đến nỗi vô nghĩa. Nó vẫn có được giá trị đáng kể của nó. Đồng thuận quan điểm chỉ thấy có được ở ý định lôi kéo cả Trung Quốc vào quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân trong thời gian tới, ở quyết tâm không để Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và trong chừng mực nhất định ở phối hợp hành động cũng như tăng cường trao đổi thông tin ở Syria.

Chuyến đi này của ông Pompeo không được thành công nhưng cũng không hẳn không đạt được kết quả gì. Nó chưa giúp hai bên tới được gần hơn mục tiêu lớn, nhưng nó đủ để làm cho mối quan hệ song phương này không tồi tệ thêm đi trong thời gian tới. Như thế cũng tích cực, có ý nghĩa và đáng được khích lệ.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại