Chuyến thăm Moskva lịch sử của Quốc vương Saudi: Khi thế giới Ả Rập phải gọi tên Nga

Hải Võ |

Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia có chuyến công du chính thức đầu tiên tới Nga từ ngày hôm nay, 5/10/2017.

Phái đoàn của vua Salman sẽ tiếp xúc tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các quan chức cấp cao trong chính phủ Nga. Đây là lần đầu tiên một nhà vua Saudi Arabia thăm chính thức Moskva kể từ khi vương quốc này được thành lập.

Chuyến thăm của vua Salman đã bị trì hoãn vài lần, và đạt được bước tiến đáng kể nhờ thành công trong những chuyến công du tiền trạm của Thái tử Mohammad bin Salman Al Saud, sau khi ông được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng quốc phòng vào năm 2015. Thái tử Saudi đã gặp gỡ tổng thống Putin cùng nhiều quan chức cấp cao Nga.

Thăng trầm quan hệ Nga-Saudi

Khi lịch trình công du của nhà vua tới Moskva được xác nhận, Ngoại trưởng Saudi, ông Adel al-Jubair đã gọi đây là chuyến thăm mang ý nghĩa "lịch sử". Theo Al-Jazeera, mô tả của ông al-Jubair hoàn toàn chính xác, bởi quan hệ Nga-Saudi vốn ngập tràn thăng trầm và kịch tính.

Liên Xô là quốc gia đầu tiên công nhận nhà nước độc lập của quốc vương Abdulaziz và thiết lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Hejaz và Nejd (tên gọi của Saudi Arabia cho đến năm 1932) vào năm 1926.

Tuy nhiên, khi Moskva xử tử đặc sứ của mình tại Riyadh, ông Karim Khakimov - người bạn thân thiết của nhà vua Saudi - năm 1938, thì quan hệ song phương bắt đầu rạn nứt. Quan hệ này chỉ được Saudi tái lập với Liên bang Nga vào năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã.

Hệ quả của hơn 5 thập kỷ đình trệ là tình trạng ngoại giao nhạt nhòa và quá trình bình thường hóa diễn ra rất khó khăn. Chưa một quốc vương Saudi nào từng thăm Liên Xô hay Nga, cho đến hôm nay.

Mặc dù chính quốc Salman từng thăm Nga, nhưng ông đến khi còn là người đứng đầu hoàng gia Riyadh, chứ chưa phải nhà vua của hoàng gia Saudi.

Dù vậy, theo ông Leonid Issaev, giảng viên Trường cao học Kinh tế (Nga), dư luận chưa nên kỳ vọng vào bất kỳ quyết định "đột phá" hay thỏa thuận lớn nào đạt được qua chuyến công du "lịch sử" này.

Học giả người Nga cho rằng những hạn chế trong hợp tác giữa hai nước là hết sức rõ ràng, bởi song phương bất đồng quan điểm trong hàng loạt vấn đề cơ bản. Dù đã phát triển liên hệ về kinh tế trong vài thập kỷ qua, mối liên kết này chưa đủ mạnh để giúp chuyển hóa hạn chế hợp tác thành một quan hệ đối tác hay đồng minh.

Thêm vào đó, thị trường xuất khẩu của Nga và Saudi lại có nhiều điểm tương đồng, như dầu và khí đốt, gây khó khăn cho nỗ lực tăng quy mô thương mại song phương.

Chuyến thăm Moskva lịch sử của Quốc vương Saudi: Khi thế giới Ả Rập phải gọi tên Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp Phó thái tử Saudi Arabia, Mohammad bin Salman, tại thủ đô Moskva, ngày 30/5/2017 (Ảnh: Al-Arabiya)

Liệu có sự "xoay trục" sang Nga?

Tiến sĩ Shehab Al-Makahleh, Giám đốc Trung tâm truyền thông Địa chiến lược (GMC), phân tích trên trang Al-Arabiya (Saudi) cho rằng chuyến công du của quốc vương Salman cho thấy Riyadh đang cố gắng cân bằng quan hệ với hai siêu cường: Nga và Mỹ.

Tầm quan trọng của chuyến thăm đã được thể hiện trong phát biểu của ông Dmitry Peskov, thư ký báo chí của tổng thống Nga, rằng "Saudi Arabia là quốc gia đóng vai trò then chốt trong các sự vụ của Ả Rập. Họ là lãnh đạo trong thế giới Ả Rập. Ở Nga, chúng tôi tìm cách thúc đẩy đối thoại với Riyadh trên nhiều vấn đề quan tâm chung, bao gồm tình hình hiện nay ở Trung Đông và đặc biệt là ở Syria".

Về chính trị, Saudi là đồng minh của Mỹ và hậu thuẫn phe đối lập ở Syria chống chính quyền tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Nga hỗ trợ ông Assad.

Nhưng theo Al-Makahleh, cục diện này đã thay đổi gần đây khi chính phủ Saudi yêu cầu phe đối lập Syria suy nghĩ về phương án giải cứu đất nước này và bắt đầu lộ trình hòa giải với chính phủ.

Về phía Nga, họ tin rằng hậu thuẫn quân sự cho chính quyền Assad đã làm thay đổi cán cân sức mạnh trên thực địa và tạo ra 4 vùng giảm căng thẳng, giúp đẩy nhanh kết thúc xung đột.

Chuyến thăm [của vua Saudi] vào thời điểm trọng yếu này cho thấy Nga đã chứng tỏ được sự hiện diện của mình ở Trung Đông, đồng thời thể hiện được tầm quan trọng về vị thế chính trị và chiến lược của Riyadh trong quan hệ giữa Nga với thế giới Ả Rập.

Thành công của Nga được nhiều người Saudi coi là tín hiệu cho vị thế mới mà Nga sẽ thể hiện trong tương lai của Trung Đông, trong bối cảnh Mỹ bắt đầu giảm hiện diện cả về chính trị và quân sự.

Ngoài ra, ông Al-Makahleh phân tích, nhà vua Saudi sẽ tập trung vào các mối liên hệ giữa Moskva với Qatar và Iran, đặc biệt khi Riyadh cùng các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang tìm cách cô lập Qatar về ngoại giao.

Nga có thể không cân nhắc thay thế các đồng minh truyền thống, nhưng hoàn toàn có thể hợp tác với Saudi để tăng cường quan hệ về kinh tế. Từ giữa thập niên 1950, Moskva đã xây dựng các quan hệ đối tác/đồng minh chiến lược với các nước thuộc Thế giới thứ ba, mà đỉnh cao là chiến dịch hỗ trợ chính phủ Syria của tổng thống Assad hiện nay.

Về vấn đề Qatar, Nga từng tỏ thái độ sẽ hành động như một trung gian hòa giải, nhưng Saudi hy vọng Moskva nhận thấy lợi ích sẽ đạt được nhiều hơn khi Riyadh dẫn dắt những thay đổi quan trọng ở khu vực.

Tầm ảnh hưởng gia tăng của Iran trong khu vực Ả Rập, thậm chí lấn át Saudi trong các vấn đề ở Yemen, Iraq, Syria và Qatar. Vua Salman sẽ thảo luận với tổng thống Putin về chủ đề này, nhưng Saudi hiểu rằng Nga sẽ không thay đổi 180 độ lập trường về Tehran, nhất là sau khi hai nước đã trở thành đối tác chiến lược.

Chuyến thăm Moskva lịch sử của Quốc vương Saudi: Khi thế giới Ả Rập phải gọi tên Nga - Ảnh 2.

Quốc vương Saudi (phải) trao tặng tổng thống Mỹ Donald Trump Huân chương Quốc vương Abdulaziz, tước hiệu công dân cao quý nhất của Saudi Arabia, khi ông Trump công du Saudi lần đầu tiên vào tháng 5/2017 (Ảnh: REUTERS/Jonathan Ernst)

Kịch bản Syria

Với chuyến thăm lịch sử này, Nga chắc chắn muốn quốc vương Saudi tỏ thái độ rõ ràng hơn trong chiến lược và lập trường của chính phủ nước này đối với tình hình ở Iraq, Syria và Yemen.

Moskva tin rằng giải pháp tốt nhất cho Syria là thông qua một cơ chế chuyển tiếp bằng cách tiến tới nhận thức chung sau các hội nghị ở Geneva và Astana, và điều này chỉ có thể được thực hiện bởi chính người Syria - những người sẽ quyết định tương lai của nhà nước Syria và tổng thống Syria bằng các hình thức dân chủ. Đây là thông điệp mà các quan chức Nga muốn truyền đạt cho phía Saudi.

Trong hơn 2 năm qua, Nga đã trở thành "điểm đến chính trị" quan trọng của nhiều lãnh đạo Ả Rập, các quan chức chính quyền Libya, Yemen, Iraq, người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Phi. Họ tụ hội về Moskva để thảo luận phương án giải quyết các mối quan hệ ở Trung Đông.

Hợp tác kinh tế

Các mục tiêu của chuyến thăm được Ngoại trưởng Saudi giới thiệu bao gồm thúc đẩy gia tăng đầu tư tài chính vào nền kinh tế hai nước; nuôi dưỡng các quan hệ và hợp tác về văn hóa, giáo dục, khoa học; tăng cường trao đổi trong lĩnh vực an ninh để hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trong khu vực.

Trên bình diện kinh tế, một số bản ghi nhớ với các doanh nghiệp Nga sẽ được ký kết. Tập đoàn SABIC của Saudi Arabia sẽ ký bản ghi nhờ với CIBOR, công ty hóa dầu lớn nhất của Nga, và thảo luận cơ hội xây dựng các nhà máy hóa dầu ở hai nước.

Saudi và Nga là hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã hợp tác chặt chẽ với nhau trong vài năm qua để tiến tới một thỏa thuận giữa các thành viên thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nhà cung cấp ngoài OPEC, để cắt giảm sản lượng toàn cầu và nâng giá dầu lên cao.

Saudi Aramco, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ thuộc sở hữu của vương quốc Saudi Arabia, sẽ ký bản ghi nhớ với Novatech, nhà sản xuất khí đốt ngoài quốc doanh lớn nhất của Nga, và thảo luận cơ hội đầu tư ở lĩnh vực khí đốt.

Hai nước còn dự kiến có các dự án chung trong lĩnh vực công nghiệp hóa dầu và khí hóa lỏng, với kỳ vọng tập đoàn Rosneft của Nga sẽ ký được các hợp đồng lớn với Aramco.

Lãnh đạo Nga mong muốn gia tăng đòn bẩy chiến lược, nhằm cho phép Moskva kiềm chế bất kỳ cục diện phân cực nào ở Trung Đông, cho dù trong tương lai gần Nga khó có khả năng thay đổi lập trường thân phương Tây của nhiều nước Ả Rập.

[VIDEO] Chuyên cơ của Quốc vương Saudi Arabia đáp xuống Moskva tối 4/10/2017

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại