Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Hôm nay (2/5), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới châu Âu. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay của Thủ tướng Modi cho thấy, phía Ấn Độ coi trọng quan hệ hợp tác với châu Âu. Dự kiến trong chuyến thăm châu Âu lần này, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ gặp các nhà lãnh đạo cấp cao của Đức, Pháp và Đan Mạch cũng như tham dự các phiên họp của Hội đồng tham vấn liên chính phủ hay các sự kiện về hợp tác kinh doanh.
Chuyến thăm tới châu Âu lần này của Thủ tướng Ấn Độ Modi diễn ra ngay sau một loạt chuyến thăm của các nhà lãnh đạo châu Âu tới Ấn Độ như chuyến thăm của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, và mới đây nhất là chuyến thăm của Ngoại trưởng Ba Lan.
Điểm đến trong chuyến công du
Chuyến công du tới 3 nước châu Âu là Đức, Đan Mạch và Pháp là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Ấn Độ trong năm nay. Mở đầu 3 ngày làm việc tại châu Âu, ông Modi sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, và cùng dự cuộc họp Tham vấn Liên Chính phủ Ấn Độ - Đức lần thứ 6 tại thủ đô Berlin. Ngay sau cuộc làm việc này, hai thủ tướng Ấn – Đức sẽ có cuộc họp bàn tròn với lãnh đạo doanh nghiệp hai nước. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng sẽ gặp gỡ và phát biểu với cộng đồng Ấn kiều đang sinh sống tại Đức. Trong một tuyên bố trước chuyến đi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định rằng chuyến thăm Đức lần này là cơ hội để trao đổi với nhà lãnh đạo mới của nước Đức chi tiết của mối quan hệ song phương, các ưu tiên trong trung và dài hạn của cả 2 bên.
Tại điểm đến thứ hai là Đan Mạch, Thủ tướng Ấn Độ sẽ có các cuộc làm việc song phương với lãnh đạo chủ nhà và dự Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ - Bắc Âu lần thứ 2 với lãnh đạo của 5 nước là Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển tại Copenhagen. Ấn Độ là quốc gia thứ hai sau Mỹ, xác lập được cơ chế Thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo Bắc Âu, cho thấy những kỳ vọng hợp tác giữa đôi bên. Hiện trao đổi giữa Ấn Độ và 5 nước Bắc Âu dựa trên các nền tảng như an ninh toàn cầu, tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và biến đổi khí hậu.
Người ta cho rằng, Ấn Độ hiện đang là điểm đến hấp dẫn với các đối tác Bắc Âu. Nước này hiện là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với quy mô 9.000 tỷ USD tính theo sức mua tương đương. Đây cũng là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm là 7,4% trong giai đoạn 2022- 2023. Các nước Bắc Âu nhìn thấy ở Ấn Độ cơ hội hợp tác với một nền kinh tế rộng lớn và dân số trẻ. Ngoài ra, một số sáng kiến trên phạm vi rộng đã được Ấn Độ thực hiện trong những năm gần đây, bao gồm thuế hàng hóa và dịch vụ,..., đã làm tăng đáng kể sức hấp dẫn của nước này như một điểm đến đầu tư và kinh doanh.
Bên cạnh các chủ đề hợp tác song phương, chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng sẽ bàn thảo các vấn đề an ninh, chính trị toàn cầu như cuộc chiến tại Ukraine, ổn định và hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương –Thái Bình Dương.
Đằng sau sự gia tăng tương tác giữa Ấn Độ và châu Âu
Các chuyến thăm viếng song phương giữa lãnh đạo các nước châu Âu tới Ấn Độ và chuyến công du 3 nước châu Âu của Thủ tướng Narendra Modi diễn ra đúng thời điểm quan trọng. Thế giới đang trên đà thoát ra khỏi đại dịch Covid-19. Trong hai năm vừa qua, các hoạt động giao lưu hợp tác ở cấp cao bị đình trệ khiến nhu cầu thăm viếng gia tăng vào thời điểm này. Thực tế, có tiếp xúc trực tiếp cả Ấn Độ và châu Âu mới có được các hoạt động hợp tác, trao đổi hiệu quả hơn. Một điều đáng chú ý là châu Âu và Ấn Độ đang có nhiều mốc hợp tác đáng chú ý trong năm nay, khi hai bên kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Bên cạnh đó, nhu cầu hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia châu Âu là rất lớn và theo cả hai chiều. Ví dụ, trong chuyến thăm New Delhi vừa qua của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, hai bên tỏ rõ quyết tâm tập trung vào biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, chuyển đổi năng lượng và kỹ thuật số, kết nối, an ninh, quốc phòng và hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chuyến thăm của bà von der Layen diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa Ấn Độ và các nhà lãnh đạo EU vào tháng 5 năm ngoái, thúc đẩy hai bên nối lại các cuộc đàm phán thương mại và ra mắt quan hệ Đối tác Kết nối Ấn Độ - EU đầy tham vọng. Ngay cả khi có những sự khác biệt về quan điểm trong vấn đề Ukraine, mối quan hệ đối tác giữa châu Âu và Ấn Độ cũng không vì thế mà chệch hướng.
Châu Âu và Ấn Độ còn quá nhiều lợi ích để hợp tác. Các nước châu Âu thậm chí còn gia tăng tiếp xúc, củng cố quan hệ lên mức cao nhất, qua đó lôi kéo Ấn Độ khỏi mối quan hệ với Nga, nâng tầm quan hệ Ấn Độ lên để cân bằng với ảnh hưởng đang gia tăng toàn cầu của Trung Quốc.
Xây dựng mối quan hệ bền vững và lâu dài với phương Tây
Chuyến thăm 3 nước châu Âu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine đang khiến trật tự thế giới bị đảo lộn và có thể toàn cầu hóa hay hợp tác quốc tế sẽ được vẽ lại theo một mô hình khác. Tuy nhiên, với chuyến công du này, Ấn Độ đang muốn chứng minh mình đang chủ động can dự với phương Tây bất kể có những khác biệt trong những vấn đề nóng của thế giới.
Ấn Độ không hề phòng ngự trong chính sách ngoại giao mà chủ động bảo vệ các lợi ích của mình, thậm chí còn gia tăng hợp tác với phương Tây. Ấn Độ muốn tạo ra một tiền lệ rõ ràng là: Nếu phương Tây muốn gắn kết, hợp tác với nước này, họ phải là những đối tác có thể mang lại những giải pháp dài hạn cho các thách thức mà Ấn Độ gặp phải. Đó là sự hợp tác trong các vấn đề nóng bỏng hiện nay không chỉ của riêng Ấn Độ như chuyển đổi số, năng lượng và phát triển bền vững, biến đổi khí hậu…
Còn trong các vấn đề an ninh, chính trị, nếu như phương Tây muốn cân bằng quan hệ giữa Ấn Độ và Nga, họ cũng cần đưa ra những đảm bảo chắc chắn của phương Tây, mà cụ thể ở đây là các nước thành viên châu Âu về sự can dự thường xuyên tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi mà Ấn Độ có những lợi ích an ninh sát sườn.
Có thể nhận thấy một trong những mục tiêu nổi bật nhất trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm vừa qua là xây dựng mối quan hệ bền vững và lâu dài với phương Tây. New Delhi đã dành nhiều vốn liếng ngoại giao để theo đuổi mục tiêu này. Kết quả đã được chứng minh và đáng hứa hẹn. Và hiển nhiên, phương Tây cũng phải chấp nhận những mong muốn của Ấn Độ và thực tế địa chính trị đang phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương./.