Cùng tâm trạng chung với chị Thu, anh Hải Sơn (Lê Chân, Hải Phòng) cũng đang lo lắng bởi số điện thoại 11 số của anh đang sử dụng liên quan đến nhiều vấn đề trong công việc bởi có rất nhiều khách hàng đã biết tới số của anh.
Trong đó, có những người thi thoảng mới liên lạc và đặc biệt anh Minh cũng sử dụng các tài khoản ngân hàng liên quan đến số điện thoại này. Chỉ tính riêng việc phải đi đến từng ngân hàng để cập nhật cũng đã rất mất thời gian.
Bên cạnh đó, các giao dịch của anh Minh hàng ngày hiện tại cũng chưa biết phải có phương án như thế nào khi nằm trong thời gian chuyển đổi chưa xong (!?).
Nhiều người dùng đang lo lắng cảnh phải đi xếp hàng đăng ký bổ sung thông tin tại các ngân hàng cho đầu số 11 số nằm trong diện chuyển đổi khi chính thức chuyển đổi sang 10 số.
Thực tế, theo thông tin từ phía một số ngân hàng thương mại, các đơn vị này trước đó cũng đã dự kiến phương án tự động dùng phần mềm cập nhật thông tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra đó là Ngân hàng Nhà nước thông tin cần phải nghiên cứu và cân nhắc kỹ với đề xuất này. Nguyên nhân được đưa ra là bởi việc này liên quan đến vấn đề pháp lý có một số vấn đề.
Nhận định về phương án dùng phần mềm của các ngân hàng để chuyển đổi thông tin cho khách hàng sử dụng SIM 11 số, các chuyên gia viễn thông cho rằng, người tiêu dùng bên cạnh việc lo lắng cũng nên hiểu rằng, số điện thoại là một trong những thông tin mang tính pháp lý trong các giao dịch ngân hàng.
Cụ thể đó là khi khách hàng mở tài khoản, đăng ký những dịch vụ như SMS Banking, Internet Banking...
Như vậy, số điện thoại này đã được người dùng cam kết trong điều khoản giao dịch với ngân hàng bằng văn bản. Chính vì vậy, khi thay đổi thì ngân hàng không thể “đơn phương” thay đổi thông tin của khách hàng.
Việc này bắt buộc khách hàng phải chủ động đi đăng ký chuyển đổi bổ sung để đảm bảo quyền lợi cũng như tính chất pháp lý khi xảy ra sự cố.
Trước thông tin này, nhiều người dùng cho rằng, vấn đề cập nhật có thể giải quyết bằng các phần mềm được phát hành từ các ngân hàng là đảm bảo tính chất pháp lý cho cả hai phía nếu áp dụng thêm một số biện pháp kèm theo.
“Tôi nghĩ việc sử dụng phần mềm của từng ngân hàng để hỗ trợ hơn 60 triệu thuê bao trong việc chuyển đổi, cập nhật bổ sung thông tin cho thuê bao 11 số là giải pháp căn cơ hơn cả để làm hài hoà tất cả các bên. Chúng tôi ở góc độ người dùng cũng hoàn toàn có thể chủ động hơn rất nhiều khi thực hiện bổ sung thông tin chuyển đổi.
Trong khi đó, các ngân hàng cũng không bị quá tải giống như đợt đăng ký thông tin chính chủ của các nhà mạng thời gian qua.
Còn hiện tại, những gì chúng tôi cảm thấy đó chính là sự lo lắng trước những phiền phức sắp tới sẽ xảy ra với số điện thoại của mình có liên quan đến các giao dịch ngân hàng”, anh Lê Quốc Doanh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhận định.
Cảnh chầu chực đi bổ sung thông tin chính chủ cho thuê bao thời gian qua khiến nhiều người dùng SIM 11 số trong diện chuyển đổi "toát mồ hôi".
Trước đó, theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có khoảng 60 triệu thuê bao 11 số sẽ chịu sự tác động của kế hoạch thay đổi mã mạng. Kế hoạch chuyển đổi mã mạng thuê bao 11 số về 10 số sẽ bắt đầu từ 0h ngày 15/9/2018 với ba giai đoạn và hoàn tất sau ngày 30/6/2019.
Theo đó, các thuê bao 11 số của Viettel được chuyển từ 016x sang 03x; Vinaphone chuyển từ 012x sang 08x và MobiFone chuyển từ 012x sang 07x.
Cho tới thời điểm hiện tại, Viettel là đơn vị cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị cả về yếu tố hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân lực và điều kiện khách quan. Viettel cũng đã thử nghiệm thành công việc chuyển đổi thuê bao 11 số về thuê bao 10 số và thực hiện các cuộc gọi liên mạng giữa các nhà mạng.
Một nhà mạng khác là MobiFone cũng đã tiến hành thử nghiệm kỹ thuật nội bộ. Nhà mạng này đã lên phương án chuyển đổi và hoàn thành công tác khai báo đầu số mới trên hệ thống kỹ thuật (mạng lõi, hệ thống CNTT, VAS, điện thoại cố định…).