Theo sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ 11.834 vụ, 17.680 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2016 tăng 1.808 vụ, 1.851 đối tượng), thu giữ 442kg heroin; 778,5kg + 347,991 viên ma túy tổng hợp (MTTH); 81,7kg thuốc phiện; 84,84kg cần sa khô; 5.600kg lá khát; 1,6kg cocain; 4,74kg “cỏ Mỹ”…
So với cùng kỳ năm trước, lượng heroin tăng 101%, ma túy tổng hợp (MTTH) tăng 88,1%.
Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) cho biết, sự nỗ lực chung của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phát huy cao vai trò chủ công, nòng cốt của lực lượng CSĐT tội phạm về ma tuý, hoạt động phạm tội về ma tuý ở nước ta đã được kiềm chế, ngăn chặn.
Tang vật một vụ án ma túy
Tuy nhiên, do áp lực rất lớn của hoạt động tội phạm ma túy tại các nước trên thế giới và khu vực, đặc biệt Việt Nam rất gần với khu vực “Tam giác vàng” (một nơi gọi là trung tâm lớn thứ hai về sản xuất heroin, mỗi năm sản xuất gần 70 tấn heroin nhưng lại là cơ sở sản xuất MTTH lớn nhất trên thế giới, mỗi năm 20 tấn ma túy đá và 500 triệu viên ma túy tổng hợp - PV).
Quy mô các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp.
Khối lượng các chất ma túy thẩm lậu vào trong nước bị các lực lượng chức năng thu giữ ngày càng nhiều hơn và đa dạng về thành phần, chủng loại.
Nguyễn Quốc Hùng và heroin đựng trong bình gas công nghiệp. |
Nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hàng trăm bánh heroin, hàng chục kilôgam ma túy tổng hợp. Đối tượng tham gia phạm tội về ma túy ngày càng đa dạng về thành phần, lứa tuổi và quốc tịch.
Tỷ lệ phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy các năm đều tăng càng thể hiện sự quyết tâm của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy trong việc ngăn chặn cái chết trắng.
Điểm lại những vụ án ma túy lớn mà lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã triệt phá, bắt giữ mới thấy việc mua bán, vận chuyển ma túy càng ngày gia tăng về số lượng.
Vào năm 1998, khi Cục C47 mới thành lập, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tám, thu 2 bánh heroin. Mở rộng điều tra vụ án, xử lý 100 đối tượng.
Tiếp đó, vào năm 2000 đến 2005, lực lượng chức năng bắt giữ hai vụ 180 bánh ở tỉnh Quảng Trị và 199 bánh ở cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình.
Đặc biệt, vào năm 2003, lực lượng chức năng đã xóa sổ một đường dây sản xuất heroin đầu tiên tại Việt Nam do Trịnh Nguyên Thuỷ, trú tại phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, cầm đầu.
Mặc dù khi bị phát hiện, lực lượng chức năng chỉ thu giữ 50 gam heroin và một lượng thuốc phiện, nhưng khi mở rộng vụ án làm rõ các đối tượng đã câu kết với nhau thành từng ổ nhóm sản xuất, mua bán ma túy đem tiêu thụ tại các tỉnh phía Bắc.
Các đối tượng Trịnh Nguyên Thủy, Lê Văn Tình, trú tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La và đồng bọn đã mua bán, sản xuất 44kg heroin; mua bán, vận chuyển tổng số 614 bánh; 27,5 cây heroin, tương đương 216 kg heroin và 199,5kg thuốc phiện.
Đối tượng và tang vật vụ vận chuyển 100 bánh heroin |
Năm 2013, lực lượng chức năng triệt phá chuyên án, bắt giữ Tàng Keangnam, trú tại huyện Mộc Châu, Sơn La, cùng Tráng A Nếnh (26 tuổi, em nuôi) và Giàng Thị Sua (33 tuổi, vợ) vận chuyển trái phép 265 bánh heroin lên Bắc Giang tiêu thụ.
Năm 2015, lực lượng chức năng bắt giữ Nguyễn Quốc Hùng và đồng bọn trong đường dây ma túy vận chuyển 490 bánh heroin được đựng trong bình gas công nghiệp.
Năm 2017, bắt giữ 300 bánh heroin ở tỉnh Phú Thọ, 100 bánh heroin ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) do đối tượng Lục Thanh Đồng vận chuyển và gần đây nhất là 150 bánh heroin ở tỉnh Bắc Ninh.
Có cung ắt có cầu, số lượng lớn ma túy này đổ đi đâu? Theo Đại tá Nguyễn Đức Thính, Trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh với tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép với chất ma túy (Phòng 3), Cục C47: “Việc vận chuyển ma túy có chiều hướng gia tăng ở chỗ là lượng tiêu thụ ở trong nước chỉ bằng 1/3 đến 1/4, còn khoảng 2/3 hoặc hơn 2/3 là đi ra nước ngoài.
Nói như vậy không có nghĩa là nước ta là nơi trung chuyển, nhưng qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, thấy rằng đối tượng vận chuyển từ nước ngoài, qua nước ta rồi đi sang nước thứ ba.
Theo đánh giá của chúng tôi, đây chính là lợi nhuận, siêu lợi nhuận về ma túy và các đối tượng lợi dụng chênh lệnh giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ để vận chuyển ma túy”.
Hiện nay, Việt Nam đang được coi là 1 trong 10 nước có hệ thống pháp luật hình sự liên quan đến tội phạm ma túy cứng rắn nhất trên thế giới.
Nếu như mua bán, vận chuyển tàng trữ 0,1g heroin hoặc các loại ma túy dạng rắn đã phải chịu khung hình phạt tù giam từ 2 cho đến 7 năm.
Theo khoản 4, Điều 194 BLHS, nếu tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt heroin hoặc cocain có trọng lượng từ 100 gam trở lên thì có thể bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, các đối tượng vẫn “lao như con thiêu thân” vào con đường này.
Lý giải về điều này, Đại tá Nguyễn Đức Thính cho biết: "Theo đánh giá của chúng tôi, đa số các đối tượng đều nhận thức được rằng 1 bánh cũng có thể bị tử hình mà 10 bánh cũng vẫn bị tử hình hay 100 bánh cũng vậy.
Do đó, bọn chúng sẵn sàng vận chuyển với số lượng rất lớn.
Ngoài ra, nếu vận chuyển 1 bánh hoặc 2 bánh thì lợi nhuận không cao nên việc vận chuyển với số lượng ma túy lớn, có chuyến "hàng" lên tới 10 tỷ đồng, bọn chúng đi 1 lần có thể nghỉ vài tháng hoặc thậm chí 1 năm là đã làm giàu được".
Cũng theo Đại tá Nguyễn Đức Thính, 1 bánh ở heroin ở nước Lào có giá khoảng 4 nghìn USD đến 4,5 nghìn USD nhưng khi về Việt Nam và bán ở khu vực biên giới ở một số địa phương có thể lên tới 7,5 nghìn USD - 8 nghìn USD, vận chuyển ra nước thứ ba có thể đội giá lên rất nhiều.
Vì siêu lợi nhuận như vậy nên khi phát hiện bị lực lượng chức năng truy bắt, các đối tượng với nhận thức "được ăn cả, ngã về không", sẵn sàng sử dụng vũ khí "nóng", vũ khí quân dụng, thậm chí đưa cả xe ra cản đường, chống trả quyết liệt đến cùng khi bị vây bắt.
Ngoài ra, quá trình tiếp xúc với đối tượng ma túy, theo Đại tá Nguyễn Đức Thính, một số đối tượng thường quen làm ăn theo kiểu "chộp giật".
Khi bị thua lỗ tiền từ những phi vụ buôn bán ma túy như bị lực lượng Công an bắt giữ hoặc thất thoát ma túy trong quá trình làm ăn, bọn chúng sẽ thay đổi phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, cất giấu ma túy trong quá trình vận chuyển với số lượng ma túy cũng lớn hơn trước rất nhiều.
Máu đổ giữa thời bình
Tội phạm ma túy còn câu kết chặt chẽ với tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự và các loại tội phạm khác để hoạt động phạm tội, rất manh động liều lĩnh.
Trước thực trạng như vậy, Cục C47 luôn đặt yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho CBCS lên trên hết.
Yêu cầu các đơn vị trước khi tham gia bắt giữ các đối tượng tội phạm ma túy phải làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, để từ đó xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh phù hợp, không để bị động, bất ngờ đảm bảo tuyệt đối an toàn về lực lượng.
Quá trình đấu tranh với các đường dây, tụ điểm ma túy tại các địa bàn "nóng" cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, bố trí lực lượng, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ cho phù hợp và mang tính áp đảo, khống chế tội phạm.
Bên cạnh đó, Cục C47 thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, quân sự võ thuật để nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ, tư duy chiến thuật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cho CBCS trong đơn vị.