Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, "thần chết" chịu thua bác sĩ

Phạm An |

Phòng cấp cứu đang yên lặng bỗng những bước chân vội vã, những hiệu lệnh của bác sĩ hô vang, tiếng máy móc dồn dập. Đó là thời khắc y, bác sĩ lao vào chiến đấu với "thần chết".

LTS: Phòng cấp cứu, nơi xảy ra những câu chuyện chứa đầy kịch tính, mà một ca trực gồm 35 y, bác sĩ phải đối mặt. Trong những câu chuyện đó, hài hước có, đau khổ có, nhưng trên hết đó là áp lực khủng khiếp mà mỗi thành viên trong ca trực phải vượt qua để cứu người. Có những nhân viên cấp cứu do không chịu được áp lực đã bỏ nghề. Chúng tôi đã trực tiếp có mặt ở phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để ghi lại tất cả những câu chuyện ấy.

Kỳ 1: Chuyện ở phòng cấp cứu: "Ma men" chửi, đánh y tá, nôn thốc nôn tháo lên người bác sĩ
Kỳ 2: Chuyện ở phòng cấp cứu: Bệnh nhân tung cửa, ôm bụng chạy vào đòi được cấp cứu gấp
Kỳ 3: Chuyện ở phòng cấp cứu: Áp lực đến phải bỏ nghề...

Kỳ 4: 

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, "thần chết" chịu thua bác sĩ

"Sinh-lão-bệnh-tử" là vòng quay của một kiếp người. Ở thời điểm phải có mặt trong phòng cấp cứu vì bất cứ nguyên do nào thì có những cuộc đời được tiếp tục, nhưng cũng có những sinh mệnh vĩnh viễn ra đi. Khi bác sĩ phòng cấp cứu ra hiệu, hoặc là tiếng than khóc đồng loạt vang lên, hoặc là những nụ cười vỡ òa hạnh phúc.

Thời khắc bác sĩ chiến đấu với "thần chết"

Hơn 18h, tiếng xe cấp cứu dồn dập phía xa báo hiệu một cuộc chiến mới bắt đầu, các y, bác sĩ tại phòng cấp cứu của BV Chợ Rẫy đã sẵn sàng nhận bệnh. Từ trên xe, các y bác sĩ đưa xuống một phụ nữ khoảng 50 tuổi, nằm bất động trên băng ca của bệnh viện tuyến dưới.

Qua thăm khám ban đầu, bác sĩ xác định đây là ca nặng, ông tức tốc ra lệnh cho ê-kíp của mình chuẩn bị máy móc tại phòng hồi sức cấp cứu. Điều dưỡng, y tá vội vã đẩy băng ca đi, cổng phòng cấp cứu đóng lại, 5 người nhà đi theo tựa người vào cánh cửa khóc ròng.

Người nhớ lại tình huống bệnh nhân bị co giật, người trách móc anh trai không đưa mẹ mình vào viện sớm hơn...

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 1.

Bất kỳ ai chứng kiến những giờ phút sinh tử của người bệnh ở phòng cấp cứu cũng sẽ biết trân trọng cuộc sống mình đang có, biết quý tiếc thời gian bên người thân.

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 2.

Một ê-kíp cấp cứu đang nỗ lực cứu nam thanh niên 28 tuổi, anh ta giận vợ, dùng xăng để tự thiêu.

Khi những thiết bị y tế được nối vào người, bệnh nhân đã tái tím, không còn mạch, thở hắt vài cơn rồi im bật, không bỏ cuộc, bác sĩ Trần Ngọc Ẩn (phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy) gấp rút nhồi tim, anh cùng hai đồng nghiệp tích cực cấp cứu. 5 phút… 10 phút… 20 phút trôi qua cả ê-kíp vẫn chưa dừng lại.

Cách vài lần nhồi tim, bác sĩ Ẩn lại nhìn qua máy điện tim tìm kiếm một hy vọng cho bệnh nhân của mình. Hiệu lệnh cấp cứu liên tiếp vang lên, ê-kíp phối hợp nhịp nhàng để cùng nhau chiến đấu với thần chết. Những giọt mồ hôi rơi dài trên gương mặt đầy quyết tâm của các bác sĩ.

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 3.

Bác sĩ Trần Ngọc Ẩn đang tích cực chiến đấu với tử thần để giành lại mạng sống cho bệnh nhân.

30 phút trôi qua, trên màn hình, những đường thẳng bỗng nhấp nhô trở lại, các bác sĩ nhìn nhau thở phào nhẹ nhõm. Một lần nữa, thần chết phải chịu thua bác sĩ.

Cửa phòng cấp cứu bật mở, bác sĩ thông báo cho người nhà, những gương mặt căng thẳng, đầy hy vọng vỡ òa những nụ cười hạnh phúc, họ ôm lấy nhau khóc ròng và nói "mẹ đã được cứu rồi".

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 4.

Những đường nhấp nhô trong thiết bị y tế quay trở lại báo hiệu một con người đang dần được tái sinh.

Nhìn theo nụ cười hạnh phúc của những thân nhân người bệnh vừa qua cơn nguy kịch, anh Nguyễn Trường Vũ vừa bóp bóng thở cho mẹ vợ mình vừa không thôi hy vọng. Mẹ vợ anh hơn 60 tuổi, đang khỏe mạnh bình thường bỗng nhiên bị tai biến mạch máu não, anh cùng vợ lập tức chuyển bà vào bệnh viện A.B.

Đến 16h bà được chuyển qua BV Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê sâu, vợ anh Vũ đang mất bình tĩnh ở phía ngoài, anh xin bác sĩ vào phòng cấp cứu chăm sóc mẹ.

"Vừa đưa mẹ vợ vào đây, các bác sĩ đã thăm khám nhiệt tình, nhưng vì tai biến nặng quá nên hiện tại bà vẫn chưa tỉnh. Thật sự vào bệnh viện này tôi yên tâm hơn, nhưng tôi không nghĩ trong này đông như thế, mọi người cũng đã làm việc hết sức mình. Chỉ cầu mong ông trời thương tụi tôi mà để mẹ tỉnh lại", anh Vũ buồn rầu.

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 5.

Anh Vũ hy vọng mẹ vợ mình có thể tỉnh lại.

Trong lúc anh Vũ nói, một bệnh nhân khác cũng được giành lại mạng sống, người thân lại vui mừng phối hợp với bác sĩ làm các xét nghiệm, kiểm tra để có phương pháp điều trị kịp thời.

Bên cạnh những nụ cười hạnh phúc, phòng cấp cứu cũng không tránh khỏi những giọt nước mắt xót xa, khi ngọn đèn bên cạnh vụt tắt, hay tiếng nấc của người nhà bệnh nhân khi phải chấp nhận ký vào hồ sơ chuẩn bị để tháo chi người bệnh.

Những tiếng nấc nghẹn ngào

Hơn 19h, phòng cấp cứu của BV Chợ Rẫy lại tiếp nhận thêm một bệnh nhân nữ hơn 60 tuổi. Mặt bệnh nhân đỏ ửng, mắt nhắm hờ không phản xạ, cô con gái liên tục khóc gọi mẹ, họ ôm chầm lấy người bệnh. 

Lúc này, một bác sĩ nam bước ra, quát hai cô con gái để họ dừng lại, bị quát bất ngờ hai cô này buông mẹ mình ra và bắt đầu la lối bác sĩ đã vô tâm.

Trong khi hai cô gái la mắng bác sĩ, nhân viên ca trực đã đưa được người mẹ vào phòng. Bác sĩ nàybgiữ vẻ lạnh lùng trên khuôn mặt và nói: "Các cô không được vào trong, cứ đứng bên ngoài đợi gọi tên, anh này là con trai phải không, vào đây với bệnh nhân đi".

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 6.

Hơn 2h sáng, xe cấp cứu nối đuôi nhau không dứt. Vừa đưa người thân từ Tiền Giang lên BV Chợ Rẫy, anh Nguyễn Văn Phai (38 tuổi) liên tục gọi điện thoại cho người thân để thông báo tình hình.

Sau đó, nam bác sĩ vội vã đưa bệnh nhân vào phòng hồi sức cấp cứu và nhanh chóng cùng đồng nghiệp cứu bệnh. Nhưng vì bệnh nhân bị xuất huyết não quá nặng nên không thể qua khỏi. Người con gái vừa nghe bác sĩ thông báo đã òa khóc rồi la mắng vị bác sĩ trên không tiếc lời.

Đợi cô gái làm xong thủ tục đi ra, bác sĩ quay lại nói: "Vừa nhìn bệnh nhân tôi đã có tiên lượng xấu, nên phải làm ra vẻ lạnh lùng thì người nhà bệnh nhân mới để mình cấp cứu. Sinh mạng của bệnh nhân bị xuất huyết não được tính bằng giây, ôm khư khư như thế thì làm được gì, phải làm mọi cách để cấp cứu họ càng sớm càng tốt.

Trường hợp cấp cứu thành công mình sẽ giải thích, nhưng thất bại thì…".

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 7.

Khi một kiếp người dừng lại, người nhà bệnh nhân hiểu thì im lặng làm thủ tục đưa về, còn không, họ dùng vũ lực hoặc chửi rủa thì bác sĩ cũng phải chấp nhận.

Bỏ lửng câu nói, vị bác sĩ vội vã thăm khám cho những bệnh nhân khác, anh không có thời gian để giải thích về hành động của mình, gần 100 bệnh nhân trong phòng cấp cứu này đang rất cần anh.

Ở giữa phòng cấp cứu, người đàn ông hơn 30 tuổi (quê Đồng Tháp) đứng chết lặng khi nghe bác sĩ Lê Thanh Điền (BS phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy) thông báo em trai mình có thể phải cắt đi chân trái mới giữ được tính mạng.

Anh buồn rầu nói: "Nó (bệnh nhân) đang đi giao hàng thì bị mấy người đua xe tông phải, chân trái gãy nát chảy rất nhiều máu. Nó chỉ vừa hơn 20 tuổi. Thế mà giờ đây phải sống tàn phế".

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 8.

Các bác sĩ đang hội ý để cố gắng tìm ra phương pháp giữa lại chân cho nam thanh niên ở Đồng Tháp.

Người đàn ông vừa nói, vừa lấy điện thoại thông báo cho gia đình trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Bác sĩ Điền nói thêm: "Chúng tôi sẽ cố gắng để cứu chân của cậu ấy. Những trường hợp gãy chi và có vết thương hở, thì giờ vàng để cứu chi tổn thương là trong 6 tiếng từ khi bị tai nạn. Tiếc là cậu thanh niên này bị tai nạn đã hơn 10 tiếng thì quá muộn".

Chuyện ở phòng cấp cứu (4): Thời khắc bệnh nhân tím tái, thần chết chịu thua bác sĩ - Ảnh 9.

Phía bên trong cửa phòng cấp cứu, mọi áp lực, mệt mỏi, không gian làm việc căng thẳng tột độ mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Một ca bệnh được đưa vào, rất nhiều câu chuyện xảy ra. Nhưng trên hết, các bác sĩ cấp cứu đã giành giật mạng sống cho mọi người bằng mọi giá

Không riêng gì bác sĩ Điền, trong hơn 20 năm làm bác sĩ cấp cứu, bác sĩ Trần Tuấn Khương – Quyền Phó ca trực phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy cũng không ít những lần tiếc nuối vì bệnh nhân không qua khỏi.

"Có rất nhiều trường hợp khi bệnh được đưa vào đây đã quá giờ vàng, hoặc bệnh nhân còn có thể cứu được thì người nhà một mực đòi đưa về, chúng tôi giải thích, khuyên can thế nào cũng không được. 

Ai cũng có quyền sống, gặp những trường hợp như thế chúng tôi không khỏi tiếc nuối và đau lòng", bác sĩ Khương chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại