LTS: Phòng cấp cứu, nơi xảy ra những câu chuyện chứa đầy kịch tính, mà một ca trực gồm 35 y, bác sĩ phải đối mặt. Trong những câu chuyện đó, hài hước có, đau khổ có, nhưng trên hết đó là áp lực khủng khiếp mà mỗi thành viên trong ca trực phải vượt qua để cứu người. Có những nhân viên cấp cứu do không chịu được áp lực đã bỏ nghề. Chúng tôi đã trực tiếp có mặt ở phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để ghi lại tất cả những câu chuyện ấy.
Kỳ 1: Chuyện ở phòng cấp cứu: "Ma men" chửi, đánh y tá, nôn thốc nôn tháo lên người bác sĩ
Kỳ 2:
Chuyện ở phòng cấp cứu: Bệnh nhân tung cửa, ôm bụng chạy vào đòi được cấp cứu gấp
Đòi bác sĩ khám gấp vì sợ... sắp chết
16h20 phút, chiếc xe taxi vừa dừng lại, ông H.V.T. (53 tuổi, ngụ Q.5, TPHCM) tung cửa, ôm bụng chạy nhanh vào phòng cấp cứu, y tá đẩy xe lăn chạy theo, người nhà đuổi cũng không kịp.
Chỉ khi nằm yên trên băng ca bệnh bên trong phòng cấp cứu, ông T. mới yên tâm nói: "Chắc tôi bị ung thư gan rồi, mấy ngày nay đau bụng lắm! Cứ uống một hai ly là sáng hôm sau bụng lại đau, mà đau kỳ lắm, cứ quặn từng cơn mà đưa vô bệnh viện nào người ta cũng không chịu cấp cứu.
Tôi sắp chết tới nơi rồi mà bả (vợ ông T. - PV) không chịu đưa vô bệnh viện, lần này tôi phải tự chạy vào đây".
Ngồi ngoài cửa sau của phòng cấp cứu, bà Liên (47 tuổi, vợ ông T.) thở dài nói: "Thực ra, do ông ấy uống rượu nhiều quá, mỗi lần nhậu là rủ hết người này đến người khác, nhậu từ chiều đến tối rồi ngủ đến trưa hôm sau. Nhậu nhiều, bỏ bữa nên bị đau bao tử thôi, mà bác sĩ nào khám nói ông ấy đau bao tử là ông chửi.
Ông ấy cứ nói người ta khám sai rồi đi bệnh viện khác, chạy vô phòng cấp cứu của biết bao nhiêu bệnh viện, ông ấy cũng khăng khăng mình bị xơ gan rồi đòi thuốc gan, chứ thuốc đau bao tử thì không chịu uống".
Những bệnh nhân tuy vào phòng cấp cứu nhưng vẫn... còn sức để nhìn theo y bác sĩ làm việc.
Những trường hợp như ông T. không ít, nhiều người vừa vào đến cửa phòng cấp cứu đã bật khóc trăn trối.
Người bình tĩnh hơn thì mượn điện thoại người thân gọi cho bà con, hàng xóm để… nói lời vĩnh biệt. Người thì buồn u uất nằm im không nói rồi ngủ quên lúc nào không hay, khi bác sĩ đến khám thì thức dậy và xin về vì… ngủ xong một giấc tự nhiên không còn chóng mặt nữa.
Sau khi xem xét bệnh tình, bác sĩ phải giải thích với họ rằng, họ chỉ đang gặp những căn bệnh thường gặp như đau bao tử, căng thẳng thần kinh, nhức đầu thông thường… chỉ cần nghỉ ngơi, uống thuốc theo đơn là khỏi, rồi xin phép đi cứu các bệnh nhân đang ngàn cân treo sợi tóc phía trong phòng hồi sức.
Thế nhưng, những người này cứ nằm trên giường bệnh la lối, năn nỉ bác sĩ phải khám trước cho mình với lý do: "Tao sắp chết rồi!".
Một cậu bé khoảng 9 tuổi đang kể cho bác sĩ Ngô Lê Đại - Quyền trưởng ca cấp cứu BV Chợ Rẫy quá trình... nhức đầu do va chạm trong lúc đùa với bạn.
Có cậu bé đi chơi với bạn, lỡ va chạm vào vật cứng u đầu, về khóc với mẹ. Vì cậu là con một, lại vừa khóc vừa than đau đầu nên người nhà tức tốc đưa con đến bệnh viện.
Khi bác sĩ trong ca trực đến khám cậu bé hồn nhiên kể: "Con đi chơi công viên nước với bạn, lúc đó tụi con giỡn, cười nhiều nên con quay đầu qua trúng vào máng trượt, giờ chỗ đó đau lắm".
Bác sĩ sờ tay vào phía trán bệnh nhân nhí, nhấn nhấn vào cục u, cậu bé than đau, hỏi còn đau ở đâu không, thấy chóng mặt hay nhức đầu nhiều không, cậu khẳng định chỉ đau ở cục u. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn cho cậu đi làm các xét nghiệm đầu để mẹ bé yên tâm đưa cậu về nhà.
Người bệnh tự tử la hét đòi được cấp cứu trước
23h, xe cấp cứu của bệnh viện tuyến dưới chuyển bệnh nhân N.V.N (28 tuổi) - người tự thiêu bằng xăng, bị bỏng khá nặng lên phòng cấp cứu của BV Chợ Rẫy. Thân thể anh này đen sì, da bong tróc, rơi rớt trên cả lối đi.
Tuy bị bỏng nặng nhưng anh N. còn khá tỉnh táo, liên tục la lối lúc đòi thở oxy, đòi bác sĩ phải cấp cứu mình ngay. Tuy oxy đã được gắn để trợ thở nhưng anh cứ cầu xin bác sĩ cho mình thêm một chút nữa.
Ở phía ngoài, chị T. (làm công nhân, vợ anh N.) buồn rầu kể: "Đang tăng ca tối, nghe hàng xóm báo tin tôi hoảng hồn chạy lên bệnh viện, do tôi xin tăng ca nhiều nên anh ấy hay ghen, rồi đổ xăng tự thiêu, may mà người ta cứu kịp. Nhưng giờ không biết lấy tiền đâu mà chữa trị cho anh ấy đây".
Trong khi anh N. la hét đòi phải được cấp cứu, đòi thở oxy thì phía bên cạnh, một bệnh nhân khác cũng bắt đầu bật dậy khiến việc cứu chữa rất khó khăn.
Anh N. vừa ngủ say, thì thêm 4 thanh niên đi 2 xe máy chạy thẳng vào trước cửa phòng cấp cứu, hai người kéo mạnh một thanh niên đi cùng, người còn lại đẩy rầm cánh cửa. Y tá Thảo ra tiếp bệnh, người thanh niên tầm hơn 20 tuổi gạt mạnh tay nữ y tá, giật xe lăn ấn thanh niên kia ngồi xuống, rồi đẩy xe băng băng vào, kéo bác sĩ lại bắt buộc khám ngay cho bạn mình.
Người thanh niên bị vết rách dài trên mặt cũng không vừa. Anh không thèm ngồi xe lăn mà đi quanh quẩn khắp phòng bệnh, người dìu anh này liên tục trừng mắt, chửi thề yêu cầu bác sĩ phải khám ngay, rồi gọi điện thoại cho ai đó vừa chửi thề vừa bảo "nó không cấp cứu, đến đây ngay đi", khiến không khí trong phòng trở nên căng thẳng.
Đối với các bác sĩ tại đây, mỗi bệnh nhân đều có quyền được cứu chữa, nên dù gặp tình huống dở khóc dở cười các y bác sĩ cũng phải làm việc với trách nhiệm cao của người thầy thuốc.
Bác sĩ Trần Tuấn Khương – quyền phó ca trực của BV Chợ Rẫy phải ra giải thích về cách điều trị cho bệnh nhân và người đi cùng.
Tuy thanh niên này chấp nhận nhưng phút sau lại kéo người bệnh về nhà. Hỏi ra mới biết, họ là hai anh em ruột, rượu vào lời ra dẫn đến mâu thuẫn, người anh đánh người em rách mặt. Thấy em mình chảy máu nhiều nên đưa vào bệnh viện rồi làm căng với bác sĩ.
"Bác sĩ phải đặt sinh mệnh của bệnh nhân lên trên, khi cửa xe cấp cứu được mở ra, tức là một người nữa đang cần được chữa trị. Trông bệnh nhân còn nói, còn la hét thế nhưng có thể tính mạng của họ đang thực sự bị đe dọa, vì vậy không nên để mặc họ", một bác sĩ cho biết.
Tuy nhiên, những trường hợp trên chỉ là một phần trong vô số hiểm nguy, mệt mỏi mà tập thể y bác sĩ tại phòng cấp cứu BV Chợ Rẫy gặp phải.
Bác sĩ Khương cho biết: "Phần lớn người nhà và bệnh nhân đe dọa, chửi bới, chứ ít khi xảy ra hành hung. Chúng tôi đã quen với điều đó, vì họ xót người thân nên không kiềm chế được.
Đau xót nhất là trường hợp chúng tôi có thể cứu người, nhưng người nhà một mực đòi mang về với nhiều lý do khác nhau.
Có trường hợp chúng tôi giải thích, khuyên can hết lời mà họ vẫn đưa người thân về với lý do về nhà mới chọn được giờ tốt để... chết. Nhìn bệnh nhân của mình lên xe về nhà trong khi họ còn quyền được sống, mà chúng tôi không khỏi ngậm ngùi".
(Còn nữa)