Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh

Đại sứ Lương Thanh Nghị | Ảnh: Hoàng Trường - Đỗ Linh |

Trở về từ chuyến thăm Trường Sa, một kiều bào Mỹ đã lên tiếng nhắn nhủ tới bà con: "Hãy về Việt Nam, nhìn Việt Nam bằng hai mắt, nghe bằng hai tai, đừng đứng bên kia mà phán xét."

"Trường Sa yêu kiều bào", "Kiều bào yêu Trường Sa" là lời chia tay quen thuộc của mỗi chuyến tàu ra thăm các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trường Sa là một địa điểm mà mỗi người Việt Nam khi đặt chân đến đều có những cảm xúc đặc biệt, dù cho đã đi hết tất cả các nơi trên mảnh đất hình chữ S.

Trong 8 năm trở lại đây, các chuyến đi thăm Trường Sa được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Hải quân đều đặn tổ chức.

Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, người từng 2 lần đến Trường Sa dành riêng cho Trí Thức Trẻ/Tổ quốc bài viết về chuyến đi của mình cùng các kiều bào vào các năm 2018 và 2019. Trong nhiều bài viết và ảnh của mình, ông Nghị thường sử dụng bút danh Hoàng Trường, là ghép từ 2 tiếng đầu của Hoàng Sa - Trường Sa.

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 2.

Cùng với Hoàng Sa, Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi tầng san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của những thế hệ người con đất Việt.

Chính vì lẽ đó, ai cũng mơ ước một lần được đặt chân đến Trường Sa. Với bản thân tôi, thật may mắn khi đã hai lần đến với Trường Sa và nhà giàn DK1, được đặt chân lên 18 điểm đảo, đá của quần đảo Trường Sa.

Giữa tháng 4/2018, lần đầu tiên tôi cùng đoàn kiều bào đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Con tàu kiểm ngư hiện đại, do chính Việt Nam đóng mới, mang số hiệu KN491 rẽ sóng ra khơi mang theo 202 thành viên, tuy đến từ 25 quốc gia nhưng đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Từ năm 2012, Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Bộ tư lệnh Hải quân hàng năm tổ chức cho đồng bào đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài tới thăm và động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Do điều kiện hạn chế, mỗi năm chỉ khoảng 50 – 70 kiều bào đến từ khắp các châu lục được tham gia, bao gồm nhiều thành phần, thậm chí cả những người còn nghi kỵ, định kiến với trong nước. Mỗi chuyến thăm đều để lại những kỷ niệm sâu sắc, nhưng năm 2018 có nhiều điểm khác biệt.

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 3.

Trước đây, các đoàn đại biểu đều xuất phát từ cảng Cát Lái – TP HCM. Năm 2018 là lần đầu tiên đoàn khởi hành từ cảng quốc tế Cam Ranh. Ai cũng phải trầm trồ khi tận mắt chứng kiến quy mô của quân cảng, một địa danh đã đi vào lịch sử và cũng là căn cứ của Lữ đoàn tàu ngầm 189.

Lễ chào cờ vốn thường được tổ chức trên đảo Trường Sa, thế nhưng lần này đoàn được tham dự lễ chào cờ và duyệt đội ngũ hết sức trang nghiêm tại Song Tử Tây, đảo đầu tiên đoàn đặt chân đến trong hải trình thăm 10 đảo và nhà giàn DK1/18. Xúc động xen lẫn tự hào khi cùng nhau hát quốc ca dưới lá cờ Tổ quốc bên cạnh cột mốc chủ quyền và được nghe 10 lời thề của các chiến sĩ rền vang trên đảo.

Chuyến ra biển đảo năm 2018 với 70 kiều bào còn có ý nghĩa đặc biệt khi là lần đầu tiên và duy nhất cho đến nay các thành viên được tham gia Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng được tổ chức giữa trời biển Trường Sa đúng vào ngày 10/3 âm lịch (25/4/2018), nhắc nhở chúng ta lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước".

Giây phút mà đồng bào ta cả trong và ngoài nước cùng hướng về tổ tiên, tôi chợt nhớ lời của nhà thơ Hữu Thỉnh trong một lần đưa các nhà văn kiều bào đến thăm Đền Hùng: "Từ miền đất cội nguồn này, người Việt đã xây dựng cơ đồ trải mấy nghìn năm. Hậu duệ của các vua Hùng đến nay đã có mặt khắp năm châu bốn biển, sinh cơ lập nghiệp, thành đạt, thành danh và luôn mang trong mình dòng máu Lạc Hồng".

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 4.

Ảnh: Hoàng Trường

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 5.

Huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà, Việt Nam, có 3 đơn vị hành chính gồm Thị trấn Trường Sa và 2 xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn. Không chỉ là nơi phên dậu tiền tiêu của Tổ Quốc, Trường Sa còn là chỗ dựa cho các ngư dân, nhất là những khi biển động hay mưa bão. Ngoài các chiến sĩ đóng quân trên các đảo, cư dân ở đây gồm nhiều hộ dân, các nhà sư, cán bộ khí tượng, hải đăng, một số cán bộ hành chính cấp xã, thị trấn, giáo viên tiểu học. Trên các đảo nổi đều rợp bóng cây xanh, thậm chí có cả vườn hoa, hòn non bộ, những nhành phong lan bên cửa sổ như thách thức với nắng gió. Có một số đảo được trang bị xe bán tải và các chiến sĩ tự gắn biển số, như ở Phan Vinh có xe mang biển PV8888.

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 6.

Đời sống của quân và dân trên huyện đảo tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng đã được cải thiện rất nhiều. Cư dân đã có thể sử dụng điện thoại di động, xem TV và có các vật dụng thiết yếu khác.

Các điểm đảo đều được lắp đặt hệ thống điện gió, năng lượng mặt trời và các máy lọc nước biển thành nước ngọt để bổ sung cho nguồn nước mưa được các chiến sĩ tích trữ qua nhiều năm tháng.

Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa và bệnh xá Song Tử Tây được trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại, thậm chí sử dụng cả công nghệ Telemedicine, tức có thể khám chữa bệnh, thậm chí phẫu thuật qua cầu truyền hình.

Đời sống tâm linh, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở huyện đảo cũng được chú trọng. Ngoài tượng đài Trần Hưng Đạo, nhà tưởng niệm Bác Hồ, công viên Võ Nguyên Giáp, đền thờ Lý Thường Kiệt... hiện có 5 chùa trên quần đảo Trường Sa.

Các chùa ở đây đều mang lối kiến trúc chùa cổ, thuần Việt, đặc biệt các hoành phi câu đối đều viết bằng chữ quốc ngữ, cổng chùa đều làm bằng gỗ (trừ chùa Trường Sa) với thiết kế mái cong truyền thống và chính điện đều hướng về Thủ đô Hà Nội.

Những ngôi chùa hiện hữu trên huyện đảo Trường Sa không chỉ là cột mốc tâm linh - biểu hiện chủ quyền bền vững trong lịch sử và hiện tại mà còn thể hiện tâm nguyện và khát vọng cuộc sống yên lành, hòa bình, hữu nghị giữa biển Đông của người Việt.

Thầy Thích Tâm Tánh, trụ trì chùa Trường Sa, chia sẻ: "Ngôi chùa chính là điểm tựa tinh thần, là chốn tâm linh mà mọi người tìm đến để cầu mong sự chở che, cầu mong sóng yên, biển lặng, cầu mong hòa bình, an yên. Sự hiện hữu của chùa Trường Sa như khẳng định chủ quyền không thể chối cãi nơi tiền tiêu của Tổ quốc".

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 7.

Một góc chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca. Ảnh: Hoàng Trường

Những hộ dân sống trên các đảo được cán bộ chiến sĩ nơi đây gọi vui là những "tổ ấm" nơi đầu sóng. Ở Trường Sa, duy nhất chỉ có 21 "bóng hồng", nên đã có nhiều câu chuyện, giai thoại liên quan cười ra nước mắt.

Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái tâm sự rằng có những điều ở đất liền hoàn toàn bình thường nhưng ở đây lại là "bất thường", nhất là việc khám chữa bệnh cho các "bóng hồng" trên đảo. Đã có những công dân đầu tiên được sinh ra và lớn lên ở Trường Sa, các cháu đều ngoan, lễ phép, thể chất tốt, được học từ mầm non đến lớp 5.

Có lẽ duy nhất ở Trường Sa, học sinh các cấp học đều ngồi chung một lớp. Bài hát "nằm lòng" của các công dân nhí nơi đây là "Quê em ở Trường Sa" với những ca từ mộc mạc "Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển…"

Đến thăm các đảo, chúng tôi thực sự cảm phục ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và vượt qua khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa.

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 8.

Ảnh: Hoàng Trường

Những người lính trẻ, mặt sạm nắng gió, nhưng trong đôi mắt vẫn ngời sáng tinh thần lạc quan yêu đời. Khó có thể miêu tả được niềm vui của các chiến sĩ khi được nghe những lời thăm hỏi, động viên và nhận đồng hương của quân và dân từ đất liền, phần nào làm vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê của các anh.

Phút giây cảm động nhất là khi chúng tôi chia tay Trường Sa để đến với nhà giàn. Các chiến sĩ và người dân xếp thành nhiều hàng dọc theo cầu cảng. Những cái ôm, bắt tay xiết chặt, những lời căn dặn cứ níu kéo người ra đi và ở lại.

Dưới cầu cảng, các anh cùng hát vang những bài ca về biển đảo quê hương. Khi tàu rời bến, cất lên hồi còi chào đảo, màu áo trắng hải quân cứ xa dần, trong chúng tôi vẫn vang vọng những câu hát và tiếng hô vang "Trường Sa yêu kiều bào", "chúc hải lộ bình an".

Trên tàu, chúng tôi đồng thanh đáp lại "kiều bào yêu Trường Sa", "cả nước vì Trường Sa". Đâu đó trên boong tàu, những tiếng nấc nghẹn, những ánh mắt dõi theo ánh sáng xa dần của Trường Sa.

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 9.
Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 10.

Sau 10 ngày lênh đênh trên biển, thăm 10 đảo nơi tuyến đầu Tổ quốc và một nhà giàn, con tàu đã trở thành một gia đình đặc biệt, mang nặng tình dân tộc, nghĩa đồng bào.

Từ những giây phút bâng khuâng, hồi hộp ban đầu, để lại những lo toan nơi phố thị, các thành viên nhanh chóng đến với nhau bằng sự chân thành, sẻ chia và đồng cảm. Cuối tàu, các anh, các chị và cả các bác lớn tuổi thích thú ngồi câu cá. Trong bếp, các chị các em quấn quít bên nhau phụ giúp nhà tàu nhặt rau, rửa bát.

Ở một góc boong tàu, một nhóm các anh đang đăm chiêu bên bàn cờ tướng. Đâu đó văng vẳng những lời ca tiếng hát về biển đảo quê hương, về tình yêu và cuộc sống. Ngoài sân đỗ trực thăng, những động tác uốn dẻo, gập người của lớp học yoga trong ánh bình minh hay hoàng hôn đỏ rực mang lại cảm giác yên bình.

Khi ở đất liền, nếu tiếng "loa phường" gây cảm giác khó chịu thì những bản tin chiều của "Đài tiếng nói Trường Sa" phát thanh từ KN491 lại mang đến những cảm xúc thân thương kỳ lạ.

Đã về tới đất liền, nhưng thỉnh thoảng bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng loa phát đi những hiệu lệnh dứt khoát. "Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu". Cái chất giọng miền Trung của chàng thuyền trưởng có gì đó rất đặc biệt, nó cứ ngấm vào từng lớp da thớ thịt, làm cho nỗi nhớ Trường Sa thêm da diết.

Có lẽ không ai có thể tưởng tượng giữa biển trời bao la, nơi đầu sóng ngọn gió, trên con tàu này vẫn thấy thướt tha những tà áo dài, những mớ ba mớ bảy và nón quai thao, những vũ điệu Hawai cuồng nhiệt, những cái quàng vai nhau siết chặt trong giai điệu của bài hát Nối vòng tay lớn.

Và đâu đó trên con tàu, thỉnh thoảng lại vang lên giai điệu quen thuộc của bài hát "Đi để trở về" do các thuyền viên KN491 thể hiện.

Còn nhiều điều nữa không kể hết được, nhưng tôi tin rằng gia đình đặc biệt này sẽ mãi trong trái tim của các thành viên. Chỉ có Trường Sa mới mang đến điều kỳ diệu đó.

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 11.

Tám chuyến thăm Trường Sa, với sự tham gia của gần 500 lượt kiều bào từ khắp nơi trên thế giới đã tạo cơ hội cho bà con hiểu đúng và chính xác về tình hình biển Đông nói chung và công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc nói riêng.

Trở về từ chuyến thăm Trường Sa năm 2014, ông David Nguyễn, kiều bào ở Houston –Texas (Hoa Kỳ) đã thấy được thực tế về quần đảo Trường Sa và nỗ lực gìn giữ chủ quyền không ngưng nghỉ.

Để rồi từ một người có quan điểm bất đồng với nhà nước, ông đã lên tiếng chia sẻ, nhắn nhủ tới bà con: "Hãy về Việt Nam, nhìn Việt Nam bằng hai mắt, nghe bằng hai tai, đừng đứng bên kia mà phán xét."

Tình yêu với biển đảo Tổ quốc, hay cụ thể là hai tiếng Trường Sa đã đưa người Việt xa quê hương xích lại gần nhau thêm một bước, cùng góp chung tiếng nói bảo vệ cho toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Những chuyến thăm Trường Sa cũng là cơ hội để bà con tận mắt chứng kiến quyết tâm và ý chí của quân và dân đang ngày đêm canh giữ từng mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, để bà con hiểu hơn và chia sẻ những khó khăn.

Từ Cam Ranh đến Trường Sa: Chuyến đi chưa từng có, “loa phường” trên biển và chiếc xe mang biển “khủng” ở đảo Phan Vinh - Ảnh 12.

Qua nhiều chuyến đi, bà con đã tự nguyện quyên góp, hỗ trợ phần nào khó khăn cho người lính, người dân trên đảo. Mỗi chuyến đi như vậy, bà con đóng góp bằng tiền mặt và hiện vật lên tới hàng tỉ đồng. Trước đó, kiều bào ta ở nhiều nơi trên thế giới đã quyên góp, đóng được một chiếc xuồng chủ quyền trị giá 3 tỷ đồng tặng Trường Sa.

Nhiều tổ chức, cá nhân đã có nhiều dự án rất thiết thực, ví dụ như quỹ Vì biển đảo quê hương của Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc. Các bạn đã triển khai một số công trình như điện từ năng lượng mặt trời, máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy phát điện mini tại các đảo nhỏ (đảo chìm).

Đây là những hành động rất thiết thực và có ý nghĩa. Hay là cộng đồng người Việt tại Singapore, Đức, Ba Lan... đến nay đã trao tặng nhiều bộ tập thể dục đa năng cho các chiến sĩ, rất có giá trị đối với việc nâng cao sức khỏe, đồng thời cũng là hình thức giải trí những lúc rảnh rỗi.

Cộng đồng người Việt nói riêng và người dân Việt Nam nói chung vốn có truyền thống yêu nước, với tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc rất cao, thể hiện rất rõ trong lịch sử hàng nghìn năm.

Đối với cộng đồng người Việt, dù ra đi trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có ý kiến khác biệt về những vấn đề cụ thể của đất nước, nhưng mẫu số chung là tinh thần yêu nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Chị Lê Thị Hiệu (Hiệu Constant, nhà văn, kiều bào Pháp), thành viên đoàn thăm Trường Sa năm 2018, chia sẻ rằng nhiều năm sống xa Tổ quốc, kiều bào các chị luôn nhớ về cố hương:

"Sông dù lớn bao nhiêu cũng đổ về với biển, lá tươi tốt bao nhiêu khi già cũng rụng về cội rễ. Nước mắt nào cũng mặn, dòng máu nào cũng đỏ, người Việt mình cho dù sống ở bất kỳ phương trời nào, chính kiến ra sao, cuối cùng thì vẫn hướng về cội nguồn, về với quê hương Tổ quốc của mình".

Và Trường Sa dường như chính là nơi gắn kết, nơi khơi dậy và nhân lên gấp bội ân tình với đất nước của đồng bào, dù có ở xa quê hương cả ngàn dặm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại