Người mẹ nuôi con bại não đỗ đại học Harvard
Ding sinh năm 1988, nhưng từ khi sinh ra cậu đã gần như ngộp thở do biến chứng khi sinh và bị bại não.
Các bác sĩ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thậm chí cả cha Dinh, người thân đều gợi ý bà Hongyan là mẹ của Ding nên từ bỏ đứa trẻ.
Họ nói rằng nếu sống sót, Ding chắc chắn sẽ lớn lên với những khuyết tật, trí tuệ kém và trở thành gánh nặng cho gia đình suốt cuộc đời.
Nhưng bà Hongyan vẫn kiên quyết cứu sống đứa con của mình mặc dù phải ly hôn.
Bà Hongyan đã làm thêm rất nhiều để nuôi gia đình cũng như nuôi Ding. Ngoài công việc toàn thời gian ở trường cao đẳng Vũ Hán, bà còn làm các công việc bán thời gian như lễ tân, đào tạo, bán bảo hiểm.
Bà Hongyan cũng sắp xếp thời gian để đưa con trai tới các buổi trị liệu, phục hồi chức năng bất kể thời tiết mưa hay nắng, hướng dẫn con chơi các trò giải câu đố để nâng cao trí thông minh.
Câu chuyện của mẹ con Ding chứng minh rằng chẳng ai có thể ngăn cản được ước mơ của bạn nếu bạn quyết tâm thực hiện nó.
Bà Hongyan tâm sự: "Nếu Ding là người duy nhất không thể dùng đũa trên bàn ăn, những người khác sẽ tò mò và rồi Ding sẽ phải giải thích về tình trạng bại não, khuyết tật của bản thân.
Tôi không muốn Ding xấu hổ vì những vấn đề thể chất này. Vì vậy tôi đặt tiêu chuẩn cho con trai cao hơn, tôi đã rất nghiêm khắc rèn luyện để Ding khắc phục khó khăn và bắt kịp người khác".
Ding cũng nói rằng chưa bao giờ dám nộp đơn vào Đại học Harvard, nhưng mẹ đã khuyến khích cậu thử sức. Bất cứ khi nào Ding do dự, mẹ luôn là người động viên, hướng dẫn.
Năm 2011, Ding tốt nghiệp cử nhân trường Đại học Khoa học môi trường và kỹ thuật Bắc Kin. Sau đó, anh đăng ký học Thạc sĩ tại trường Luật Quốc tế và tốt nghiệp năm 2015.
Dinh bắt đầu chương trình học nâng cao hơn tại Đại học Harvard vào năm 2017.
Bà mẹ có 6 con thành tiến sĩ Đại học Harvard và Đại học Yale
Gần đây, xuất hiện một bà mẹ Hàn được New York Times so sánh là "một gia đình xứng tầm với gia đình nổi tiếng của tổng thống Kennedy trong lịch sử Mỹ".
Phương pháp giáo dục 6 người con của bà mẹ Hàn Quốc Hesung Chun Koh đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.
Gia đình của họ cũng được Bộ giáo dục Mỹ bầu chọn là "Đối tượng nghiên cứu giáo dục gia đình người Mỹ gốc Á".
6 người con của bà Hesung Chun Koh đều là tiến sĩ tại Đại học Harvard và Đại học Yale, trở thành giảng viên, hiệu trưởng và chủ tịch của các trường đại học danh tiếng.
Bà Hesung Chun Koh và 6 người con thạc sĩ, tiến sĩ Harvard, Yale của mình.
Bà Hesung Chun là cựu sinh viên khoa tiếng Anh, Đại học nữ sinh Ewha tại Hàn Quốc. Sau đó bà nhận được học bổng sang Mỹ học tiến sĩ chuyên ngành Nhân học xã hội tại Đại học Boston khi là sinh viên năm 2.
Trong thời gian giảng dạy tại Đại học Yale, bà đã gặp và kết hôn với chồng mình là tiến sĩ Kwang Lim Koh.
Cặp vợ chồng này được xác nhận là những giáo sư châu Á đầu tiên giảng dạy tại Đại học Yale. Sau này, chồng bà đã có cơ hội trở thành đại sứ Hàn Quốc tại Mỹ trong những năm 1960.
Chân dung người phụ nữ phi thường Hesung Chun Koh.
Dưới đây là những triết lý giáo dục của bà Hesung Chun Koh:
- Khi mang thai con đầu lòng, tôi không biết mình sẽ phải chăm sóc và nuôi dạy con như thế nào cho đúng cách và có ích cho xã hội.
Tôi đã nghĩ về cách bố mẹ mình đã dạy mình. Họ là tấm gương tiêu biểu cho việc bố mẹ không nhất thiết hi sinh vô điều kiện vì con cái nhưng con cái vẫn luôn đạt được những thành tựu và sống có ích.
Bố mẹ tôi luôn cố gắng học tập, mở rộng con đường sự nghiệp, làm giàu vốn sống của bản thân dù ở độ tuổi nào.
Chính điều này đã thúc đẩy chúng tôi rất nhiều sau này. Tôi cũng đã áp dụng cách giáo dục này khi dạy các con mình. Tôi không cho chúng tất cả mà chỉ cho những gì thuộc khả năng của mình.
- Khi con vào trung học, tôi phải đối mặt với lựa chọn hoặc tiếp tục đi làm hoặc ở nhà làm nội trợ. Cuối cùng, tôi vẫn chọn công việc.
Nhưng, ở thời điểm đó, lựa chọn công việc đồng nghĩa với việc tôi phải cố gắng 200%. Tôi luôn phải sắp xếp thời gian khéo léo để không vì công việc mà bỏ quên con cái.
Ở độ tuổi ấy, con trẻ cần tới những lời khuyên của bố mẹ hơn cả. Vì thế, khi con gặp các vấn đề ở trường và cần trò chuyện, tôi chọn ở bên cạnh con.
- Khi chúng tôi mới cưới, gia đình chỉ có duy nhất một chiếc bàn học nhưng kích thước quá nhỏ, chỉ đủ cho một người làm việc trên đó.
Vì điều kiện kinh tế lúc đó vẫn còn khó khăn, căn hộ chúng tôi còn đi thuê nên chưa có điều kiện mua thêm bàn học.
Bất cứ khi nào rảnh, chồng tôi lại tới cửa hàng đồ cũ để tìm và sau cùng, anh ấy cũng mua được một chiếc vừa ý.
Bàn học có ý nghĩa quan trọng trong gia đình tôi. Chúng tôi luôn đặt học tập là một ưu tiên lớn trong cuộc sống nên nếu bố mẹ ngồi vào học, con cái cũng sẽ có thói quen đó.
Bà Hesung Chun Koh rất tự hào vì con cái bà sau này ngoài thành đạt trong công việc thì đều tham gia rất nhiều hoạt động vì cộng đồng: gây quỹ cho các gia đình là nạn nhân sóng thần, hỗ trợ bệnh nhân AIDS, xây nhà cho người nghèo, tư vấn pháp lý cho những nhóm yếu thế...
(Nguồn tham khảo: New York Times, SCMP)