'Thiên đường nhựa' ở Trung Quốc quay cuồng giữa làn sóng tái chế rác thải

Bảo Nam |

Khá oái oăm khi món hàng bán chạy nhất trong trào lưu tái chế rác thải lại là những chiếc thùng chứa rác làm bằng nhựa.


Bắt đầu từ mùa hè năm nay, Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới bước vào cuộc chạy đua phân loại và tái chế rác thải. Với hàng loạt chính sách gay gắt và nghiêm khắc được chính quyền nước này đưa ra, nhiều công ty nhựa dường như chuẩn bị phải đối mặt với một thời kỳ khủng hoảng, đầy gian nan thử thách. Nhưng, đối với công ty nhựa Jiuyuan Chiết Giang, việc kinh doanh lại chưa bao giờ tốt hơn lúc này.

Bởi Jiuyuan sản xuất thùng rác đúc bằng nhựa. Và doanh số bán hàng của công ty đã bùng nổ kể từ khi làn sóng tái chế rác thải bắt đầu. "Đây là năm kinh doanh tốt nhất từ ​​trước đến giờ", He Zhangqian, giám đốc bán hàng của công ty cho biết.

Các thành phố trên khắp Trung Quốc đang đưa ra các chính sách phân loại rác nghiêm ngặt, yêu cầu tất cả cư dân phải phân loại rác hữu cơ và rác có thể tái chế khi vứt bỏ. Mục đích là tăng tỷ lệ tái chế lên 35% - ngang bằng với Mỹ - và giảm ô nhiễm. Những yêu cầu này đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đặc biệt về các loại thùng tái chế được mã hóa màu.

Khi Thượng Hải chuẩn bị trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc giới thiệu việc phân loại rác bắt buộc vào ngày 1/7, các đơn đặt hàng thùng rác bắt đầu tràn vào cơ sở sản xuất của Jiuyuan ở Thai Châu, một thành phố công nghiệp cách đó 200 km về phía nam.

"Trước đây công ty đã nhận được đơn đặt hàng nhưng chỉ vài trăm chiếc mỗi lần. Nhưng đột nhiên chúng tôi được yêu cầu cung cấp hàng triệu thùng rác cho chính quyền địa phương", ông He cho biết. "Nhiều trường hợp, các quan chức thành phố đã đặt mua nhiều thùng rác mới trong mỗi dự án phát triển nhà ở trong phạm vi quyền hạn của họ, cộng thêm hàng ngàn chiếc trên vỉa hè và trong các cơ sở công cộng".

Thiên đường nhựa ở Trung Quốc quay cuồng giữa làn sóng tái chế rác thải - Ảnh 1.

Một người đàn ông ngồi sau dây chuyền sản xuất thùng rác bằng nhựa đúc tại cơ sở sản xuất của công ty Jiuyuan tại Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, ngày 29/7/2019.

Có hàng tá nhà sản xuất thùng rác ở Thai Châu, nhưng các công ty này vẫn phải vật lộn để đối phó với sự tăng đột biến trong các đơn đặt hàng. Một số công ty đã phải chấp nhận việc giao hàng chậm trễ tới hàng tuần, điều chưa từng xảy ra trước đó.

"Từ tháng 6 đến giờ, chúng tôi luôn vội vã trong việc tổ chức sản xuất và giao hàng", ông He nói.

Và con sốt thùng rác này chưa cho thấy sẽ có dấu hiệu chậm lại. Mặc dù nhu cầu từ Thượng Hải đang bắt đầu giảm, 45 thành phố khác sẽ ra mắt các hệ thống phân loại rác thải của riêng họ trước cuối năm tới. Jiuyuan đã nhận được các đơn đặt hàng lớn từ Bắc Kinh, Hàng Châu, Thiên Tân và một số thành phố lớn khác. "Chúng tôi hy vọng số lượng đơn đặt hàng sẽ tiếp tục tăng", vị giám đốc này tâm sự.

Thị trường thùng rác tái chế đã trở nên nóng đến mức làn sóng sản xuất lan rộng khắp Thai Châu, nơi có hơn 12.000 nhà sản xuất nhựa và thường được gọi dưới biệt danh "vương quốc nhựa" của Trung Quốc.

Wu Danping, phó thư ký Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Thai Châu, nói rằng ông thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại từ các doanh nhân, hỏi về cách tham gia lĩnh vực sản xuất thùng rác này.

"Một số người là giám đốc điều hành của công ty nhựa, những người muốn biết nhiều hơn về việc sản xuất các thùng phân loại rác thải", Wu nói. "Những người khác thậm chí không làm việc trong ngành nhựa nhưng có lẽ đang nghĩ đây là một cơ hội kinh doanh tốt".

Thiên đường nhựa ở Trung Quốc quay cuồng giữa làn sóng tái chế rác thải - Ảnh 2.

Nguyên liệu làm thùng rác nhựa đặt bên ngoài cơ sở của công ty nhựa Jiuyuan ở Thai Châu, tỉnh Chiết Giang.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, làn sóng mới này chưa có sự ảnh hưởng mạnh mẽ cho lắm. Ho Zhixuan, chủ tịch Hiệp hội Thermoforming Trung Quốc, một cơ quan trong ngành công nghiệp nhựa, đại diện cho một số công ty lớn, nói rằng các thành viên của ông lại lo ngại về tương lai nhiều hơn là cơ hội. (Thermoforming là công nghệ định dạng lại hình dáng của nguyên vật liệu nhựa mềm bằng cách tăng nhiệt độ của khuôn hút).

Bởi theo ông Ho, là nhà sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, các công ty trong hiệp hội là một trong những mục tiêu nhắm tới của chính sách chống lãng phí từ chính phủ. Vào tháng 7, Thượng Hải đã đưa ra các hạn chế đối với việc sử dụng nhựa dùng một lần của các nhà hàng và công ty cung cấp thực phẩm. Các thành phố khác đang xem xét thực hiện các quy tắc tương tự.

Trên thực tế, các biện pháp như vậy ít có tác động đến lợi nhuận của các công ty nhựa. Bởi vì chúng không áp dụng lên những người tiêu dùng lớn nhất của bao bì sử dụng một lần: siêu thị. "Doanh số bán hàng vẫn còn mạnh", ông Ho nói. "Nhu cầu của các siêu thị vẫn đang tăng hơn 20% mỗi năm".

Tuy nhiên, tình trạng này có thể không kéo dài lâu bởi chính quyền dường như đang xem xét đưa ra những hạn chế mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng nhựa. Hồi tháng 2, tỉnh Hải Nam đã công bố kế hoạch sẽ loại bỏ nhựa sử dụng một lần, nhựa không phân hủy sinh học vào năm 2025. Vài tháng sau, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp của Ủy ban Trung ương về cải cách tổng thể, trong đó các quan chức đã đồng ý hạn chế sản xuất, bán và sử dụng một số sản phẩm nhựa. Tất cả những điều này dẫn đến suy đoán rằng chính quyền trung ương Trung Quốc có thể khuyến khích các khu vực khác thực hiện hành động tương tự.

Theo ông Ho, một số thành viên trong hiệp hội của ông đã chuẩn bị phương án dự phòng bằng cách tái sử dụng dây chuyền sản xuất để làm bao bì giấy. "Giấy có thể được mọi người dễ chấp nhận hơn một chút", ông chia sẻ. "Hầu hết các thành viên đã ngừng đầu tư vào dây chuyền sản xuất nhựa".

Tuy nhiên, việc chuyển từ nhựa sang giấy không phải là chuyện dễ dàng và đây cũng có thể không phải đáp án chính xác. "Chính phủ muốn tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn cho ngành công nghiệp nhựa, nơi các nhà sản xuất tái sử dụng hoặc tái chế hầu hết các nguyên liệu thô của họ và chiến dịch phân loại chất thải được thiết kế để hỗ trợ việc này. Tuy nhiên, chính sách này chưa thực sự hoàn thiện", theo ông Ho.

Bởi theo ông ngay cả khi đã phân loại rác thải, bên trong các thùng "chất thải khô" (Dry Waste), vẫn có tất cả mọi thứ từ gỗ, thủy tinh, kim loại cho đến nhựa. Điều đó có nghĩa là đơn vị tái chế sẽ cần phải phân loại lại và do đó việc xử lý chất thải sẽ tốn kém hơn, thậm chí đắt gấp đôi giá nguyên liệu thô.

Hu Xinfu, người sáng lập Công ty TNHH nhựa Fuling Thai Châu, chuyên cung cấp bao bì cho các chuỗi thức ăn nhanh như McDonald và KFC, cũng đồng ý rằng việc phân loại rác cần phải triệt để hơn.

Thiên đường nhựa ở Trung Quốc quay cuồng giữa làn sóng tái chế rác thải - Ảnh 3.

Một phòng triển lãm trưng bày các sản phẩm bao bì nhựa tại cơ sở của công ty nhựa Fuling ở Thái Châu, tỉnh Chiết Giang.

"Tại các nhà hàng, thùng rác tái chế nên được chia thành giấy và nhựa và tất cả các sản phẩm nhựa nên được làm từ một loại vật liệu", Hu nói. "Bằng cách đó, tất cả các chất thải có thể được nhặt, rửa và nghiền nát để tái sử dụng".

Hu đã cố gắng thuyết phục các bên liên quan trong chuỗi cung ứng của Fuling để giới thiệu hệ thống này, nhưng các phản hồi không hề tích cực. Do đó, ông có kế hoạch đưa ra ý tưởng của mình cho các nhà hoạch định chính sách, thông qua các hiệp hội ngành công nghiệp và các cơ quan tư vấn của chính phủ.

Nếu đề xuất của Hu được chấp nhận, nó có thể mang lại một sự gián đoạn lớn cho ngành sản xuất nhựa. Nhưng dù chuyện gì có xảy ra, ít nhất một công ty chắc chắn sẽ có lợi. Bởi việc phân loại rác càng phát triển, nhu cầu về thùng rác của Jiuyuan sẽ lại càng lớn mạnh.

Tham khảo sixthtone

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại