Con cháu chúng ta sẽ nghĩ thế nào khi "gia tài" cha ông chúng để lại chính là… nhựa?

Tâm An |

Cổ vật khảo cổ trong tương lai, khoảng một ngàn năm sau có khả năng cao sẽ là rác thải nhựa mà chúng ta đang xả ra ngày hôm nay.

Không cần nghĩ sâu xa, chúng ta có thể dễ dàng thấy được "di sản" con người đang để lại cho hậu thế trong Kỷ Nhân Sinh – thời đại bị chi phối bởi chính những tác động của con người lên hành tinh này: dời núi, thay đổi dòng chảy, biến đổi khí hậu, vật liệu hạt nhân xuất hiện trong hồ sơ địa chất.

Thêm vào đó là ô nhiễm nhựa, một mối đe dọa đang lớn dần trong lòng đại dương và len lỏi đến những ngóc ngách tận Bắc Cực.

Con cháu chúng ta sẽ nghĩ thế nào khi gia tài cha ông chúng để lại chính là… nhựa? - Ảnh 1.

Rác thải nhựa ngập tràn trên biển. Ảnh: Yuli Seperi/Getty Images.

Theo Science Advances, các nhà nghiên cứu ở Viện Hải dương học Scripps vừa đưa ra báo cáo về sự ô nhiễm nhựa. Trên một mẫu trầm tích lõi từ ngoài khơi Nam California, các nhà khoa học có thể quan sát cắt lớp sự thay đổi nồng độ nhựa lắng đọng theo thời gian. Họ phát hiện ra rằng từ những năm 1940, khi con người bắt đầu sản xuất nhựa, tốc độ lắng đọng vi nhựa đã tăng gấp đôi sau mỗi 15 năm. Phát hiện này tương quan với cả số liệu về sản xuất nhựa và sự gia tăng dân số ven biển California.

Nghiên cứu này đưa ra một kết luận rất đáng lo ngại: Khi các thành phố ven biển tiếp tục phát triển, lượng vi nhựa thải ra biển cũng sẽ tăng lên, gây ô nhiễm toàn bộ hệ sinh thái.

Những mẫu nghiên cứu này được thu thập từ "lõi hộp" - một máy cắt lớp khổng lồ cắt qua những lớp trầm tích dưới đáy biển. Sau đó chúng được sấy khô và chạy qua các bộ lọc để tách thành các hạt vật chất nhỏ có thể đếm được dưới kính hiển vi, cũng như làm các thí nghiệm hóa học để xác định sự đa dạng của nhựa.

Con cháu chúng ta sẽ nghĩ thế nào khi gia tài cha ông chúng để lại chính là… nhựa? - Ảnh 2.

Máy cắt lớp trầm tích đáy biển. Ảnh: William Jones.

Trong thí nghiệm này, hai phần ba số vật chất họ tìm thấy là sợi, chủ yếu đến từ những loại vải tổng hợp có thể bong ra khi giặt như quần áo tập yoga. Nước thải sinh hoạt sẽ được xử lý trong các nhà máy trước khi xả ra biển, nhưng cũng không đủ để loại bỏ hoàn toàn vi sợi. Chuyên gia hải dương học Jennifer Brandon của Viện Scripps, người chắp bút chính cho báo cáo này, cho biết những vi sợi này đang "tấn công" đại dương.

"Vi sợi với sinh vật phù du cũng giống như dây thừng đối với con người – chúng có thể bị vướng vào các sợi này, vô tình nuốt phải và mắc kẹt trong ruột hay bị cắt vào các chi.", bà nói.

Thêm vào đó, các loại nhựa lớn như túi nylon dùng một lần trôi ra biển và bị ánh mặt trời làm nóng lên rồi phân rã thành những phần tử nhỏ hơn, cuốn theo các cột nước. Sớm muộn gì cũng sẽ có sinh vật đại dương ăn phải chúng. Ví dụ như các loại ấu trùng khổng lồ dùng lưới chất nhầy để bắt con mồi và bắt luôn cả vi nhựa. Khi chúng thu lưới và chìm xuống đáy biển, vi nhựa cũng được mang theo. Và đó chỉ là một trong rất nhiều cách thức mà vi nhựa trôi trong các cột nước và chìm vào bùn dưới đáy biển.

Con cháu chúng ta sẽ nghĩ thế nào khi gia tài cha ông chúng để lại chính là… nhựa? - Ảnh 3.

Ấu trùng đại dương có thể bắt nhầm các hạt vi nhựa khi dùng lưới chất nhầy để săn mồi. Ảnh: Mbari.

Một yếu tố khác thường bị bỏ qua khi nghiên cứu về ô nhiễm nhựa là màu sắc. Mặc dù vi nhựa có vô vàn màu khác nhau, Barndon và đồng nghiệp của bà phát hiện rằng hầu hết hạt vật chất này có màu trắng. Nhiều loại động vật ăn thịt ở biển chọn con mồi dựa trên màu sắc và chúng có thể nhầm lẫn giữa vi nhựa trắng với một sinh vật phù du đang có trứng.

"Chuyện này vẫn đang diễn ra và chắc chắn chúng ta chưa bao giờ bàn đủ về nó.", Brandon cho biết.

Nồng độ vi nhựa trên bờ biển California, nơi viện Scripps thực hiện nghiên cứu, thậm chí có thể tương đối thấp so với những khu vực khác trên thế giới, nên việc quan sát ảnh hưởng của vi nhựa với sinh vật biển cũng khó hơn. Allen Burton - nhà nghiên cứu độc tính sinh thái của Đại học Michigan, cũng là một nhà nghiên cứu về vi nhựa – cho biết: "Nếu thực hiện thí nghiệm tương tự ở biển Hoàng Hải (Trung Quốc), nơi các con sông lớn như Dương Tử, Hoàng Hà đổ ra biển, nồng độ nhựa có thể rất lớn và gây ra những tác dụng phụ."

Con cháu chúng ta sẽ nghĩ thế nào khi gia tài cha ông chúng để lại chính là… nhựa? - Ảnh 4.

Các mẫu vật thử nghiệm trong nghiên cứu. Ảnh: Jennifer Brandon

Điều đặc biệt đáng lo ngại ở đây là khi dân số ven biển (dù là ở bất cứ đâu) tiếp tục tăng trưởng, nhựa sẽ tiếp tục chất đống trên biển do rác thải hay nước thải bị ô nhiễm. Cùng lúc đó, hoạt động sản xuất nhựa cũng đang tăng vọt – chúng ta đã làm ra 400 triệu tấn nhựa trong năm 2015. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong năm 2025.

Lượng nhựa này sẽ không phân hủy dễ dàng vì nhựa vốn được thiết kế rất bền. Burton cho biết chỗ nhựa này sẽ ở lại trong những lớp trầm tích và con cháu chúng ta sẽ khai quật chúng lên trong tương lai. "Chúng phân rã thành những mảnh nhỏ hơn nhưng vẫn là nhựa hóa học. Chúng sẽ được đào lên như chúng ta tìm thấy cổ vật hiện nay vậy", Burton nói thêm.

Với độ bền và khả năng chống chọi với môi trường, liệu nhựa có trở thành một "dấu ấn" của Kỷ Nhân Sinh – một kỷ nguyên mà con người can thiệp mạnh bạo vào thiên nhiên?

Khi đó, liệu bạn có tự hào khi nói rằng: "Đây là nhựa, di sản môi trường mà tôi để lại cho con cháu mình!"?

Theo Wired


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại