Chuyện lạ về hai người từ thân phận ăn mày trở thành tiến sĩ Đại Việt!

Lê Thái Dũng |

Trong muôn vàn những chuyện lạ ở nước ta thì lạ lùng hơn cả là những người khốn cùng, khố rách áo ôm, từng làm nghề "bị gậy" mà học giỏi đỗ cao trở thành ông Tiến sĩ.

Khoa cử Nho học nước ta có nhiều điều kỳ thú, nhất là chuyện về những người vốn xuất thân bần hàn nghèo khó, mù chữ dốt nát, hoặc chỉ là cậu bé còn để chỏm hay là ông già đầu bạc nhưng nhờ sự nỗ lực không ngừng đã thi đỗ, thành danh. 

Hình mẫu chính trong tác phẩm Tống Trân - Cúc Hoa

Truyện thơ Nôm khuyết danh "Tống Trân - Cúc Hoa" là một tác phẩm nổi tiếng của nền văn học trung đại Việt Nam. Câu chuyện hư hư thực thực nhưng có bối cảnh ở làng An Cầu, huyện Phù Hoa (nay là xã Tống Chân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên). 

Trong làng có gia đình nghèo, chồng chết, người vợ phải cùng cậu con trai là Tống Trân, dắt nhau đi ăn mày.

Hai mẹ con đến xin ăn tại nhà ông trưởng giả, được con gái ông là Cúc Hoa đối đãi tử tế, thế nhưng trưởng giả cho rằng làm như vậy làm ô danh gia đình nên đuổi con gái đi. 

Cúc Hoa theo mẹ con Tống Trân rồi lấy chàng trai ăn mày làm chồng, từ đó nàng lo phụng dưỡng mẹ chồng, lại lo cho chồng ăn học. Đến kỳ thi, Tống Trân lên kinh ứng thí, đỗ Trạng nguyên, nhưng vì không chịu lấy con gái vua, phải đi sứ phương Bắc gần 10 năm… 

Chuyện lạ về hai người từ thân phận ăn mày trở thành tiến sĩ Đại Việt! - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở kịch Tống Trân - Cúc Hoa

Còn Cúc Hoa ở nhà bị cha ép lấy viên đình trưởng trong làng, trong cảnh quẫn bách muốn tự tử để thủ tiết với chồng ngay trong lễ cưỡng hôn; may mắn thay đúng lúc đó Tống Trân đi sứ trở về, vợ chồng được trùng phùng đoàn tụ.

Ít ai hay, cuộc đời của một ông Tiến sĩ triều Hậu Lê chính là hình mẫu ngoài đời thực của nhân vật Tống Trân. Ông Tiến sĩ đó Quản Phác quê ở làng Đại Hội, xã Tân Phong, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay là thôn Thụy Bình, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Quản Phác sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ mất sớm, ruộng đất không có, hai chị em ông phải dắt díu nhau đi xin ăn khắp nơi. 

Một hôm, hai chị em đến làng Mộ Trạch, huyện Đường Hào, xứ Hải Dương (nay là thôn Mộ Trạch, tỉnh Hải Dương), tình cờ gặp Tiến sĩ Vũ Đức Lâm, từng đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn (1448) làm quan đến chức Thượng thư đời Lê Thánh Tông, đến tuổi trí sĩ, ông về quê mở trường dạy học.

Cảm thương cho tình cảnh hai đứa trẻ ăn mày, Vũ Đức Lâm đưa chị em Quản Phác về nhận vào giúp việc tại gia. Nhớ ơn cưu mang của ân nhân, chị em Quản Phác rất chăm chỉ, siêng năng làm việc, đặc biệt là Quản Phác lại có tinh thần ham học.

Thấy cậu bé mặt mũi khôi ngô, sáng sủa, ngoan ngoãn nên Vũ Đức Lâm ngày càng yêu mến, về sau ông đã nhận Quản Phác làm con nuôi, đổi tên thành Vũ Dương (còn gọi là Vũ Giàng).

Không phụ công sức dạy dỗ của cha nuôi, Quản Phác học hành ngày càng tấn tới, đến tháng 2 năm Giáp Thìn (1484) triều đình mở khoa thi Hội cho sĩ nhân cả nước, Quản Phác ứng thí và là một trong 44 người đỗ. 

Tháng 3 năm đó vào thi Đình xét thứ bậc, ông đứng thứ 33 thuộc bậc Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Đồng thời với việc dựng bia khoa thi này, vua Lê Thánh Tông còn cho dựng 9 tấm bia khắc tên những người đỗ trong 9 khoa thi Hội trước đó được tổ chức kể từ khi nhà Hậu Lê được thành lập.

Sau khi thi đỗ, Quản Phác làm quan trải nhiều chức vụ, sau được bổ giữ chức Hiệu lý ở viện Hàn lâm, rồi thăng làm Hiến sát sứ Kinh Bắc chuyên lo việc án tụng. Các hình án được ông xét xử công khai, minh bạch, người đương thời khen là hiền đức, công minh.

Do thiếu thốn về nguồn tư liệu nên hiện chúng ta không được biết thêm các thông tin về sự nghiệp và hậu vận của Quản Phác - vị tiến sĩ xuất thân từ chốn bần hàn, cùng khổ.

Chuyện của người ăn mày thi đỗ làm quan rồi lại đi tu

Cũng có hoàn cảnh tương tự như Quản Phác, đó là chuyện đời của Bùi Tất Năng, quê ở làng Dục Linh (tên Nôm là làng Lầy) xã Dục Linh, tổng Địa Linh, huyện Phụ Dực, trấn Sơn Nam (nay thuộc xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Gia cảnh của Bùi Tất Năng rất nghèo, bố ông phải làm nghề quét chợ kiếm sống nuôi gia đình. Khi bố mất, một thầy địa lý vì thương cảm hoàn cảnh đã chọn cho một ngôi đất phát ở cánh đồng Mục để chôn cất. 

An táng chồng, cha xong, hai mẹ con Bùi Tất Năng dẫn nhau đi hành khất quanh vùng. Một ngày nọ, vào buổi chiều tà, mai mẹ con vì đói quá đánh bạo vào xin ăn ở nhà quan Tả thị lang bộ Lễ tên là Đỗ Nhân An ở làng An Bài (tên Nôm là làng Bệ) cùng tổng Địa Linh (nay thuộc thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Nhà họ Đỗ là một danh gia vọng tộc, mấy thế hệ đều đỗ đại khoa, nổi tiếng một vùng; bản thân Đỗ Nhân An từng đỗ Tiến sĩ năm Giáp Thìn (1544), ông rồi cha và con cháu Đỗ Nhân An đều đỗ Tiến sĩ. 

Tương truyền đêm hôm trước, ông mơ thấy thần hiện ra nói: "Ngày mai nhà có quan Nghè tới chơi". Hôm sau, Đỗ Nhân An sai gia nhân dọn dẹp nhà cửa chờ đợi, mãi đến gần tối mới thấy có người đến, lại là hai mẹ con nhà ăn mày vào xin ăn. 

Nhìn tướng mạo cậu bé ăn mày, ông cho là người sau này có thể thành đạt, lại nhớ đến giấc mộng, coi đó là điềm báo tốt lành vì thế ông đã nhận Bùi Tất Năng làm con nuôi khiến hai mẹ con người ăn mày cho đến vợ con, người hầu trong nhà đều ngỡ ngàng, bất ngờ.

Bùi Tất Năng được cha nuôi đổi tên là Đỗ Kính, quý mến như con đẻ, cho ăn học tử tế. 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết vào năm Tân Mùi (1571) niêu hiệu Sùng Khang thứ 6 đời vua Mạc Mục Tông (Mạc Mậu Hợp): "Họ Mạc mở khoa thi Hội, cho Nguyễn Miễn, Nguyễn Cung đỗ Tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Hoàng 2 người đỗ Tiến sĩ xuất thân; bọn Hoa Hữu Mô 12 người đỗ Đồng Tiến sĩ xuất thân".

Chuyện lạ về hai người từ thân phận ăn mày trở thành tiến sĩ Đại Việt! - Ảnh 2.

Vinh quy bái tổ. (Tranh dân gian Đông Hồ - Nguồn: vanhoaviet)

Trước đó tại kỳ thi Hội, Bùi Tất Năng đỗ đầu, đoạt danh hiệu Hội nguyên, khi đó ông tròn 36 tuổi; vào thi Đình ông xếp 15/17 người đỗ, thuộc bậc Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Khi Bùi Tất Năng nhận áo mão vinh quy bái tổ về quê, chức sắc làng Lầy khinh ông nhà nghèo đã không đón tiếp tử tế lại còn lấy bùn đổ lên đường cản bước ngựa của tân khoa tiến sĩ. 

Giận quá, ông bỏ sang cư trú tại làng Tò, xã Tô Xuyên, tổng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực (nay thuộc xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Về con đường quan lộ, theo các sách như Lịch triều đăng khoa, Lịch đại đăng khoa… thì Bùi Tất Năng làm quan đến chức Thừa chính sứ, rồi được thăng làm Thượng thư; ông cũng từng đi sứ sang nhà Minh ở phương Bắc.

Do chán với cảnh triều chính nhà Mạc suy vi, vua tồi quan tối, sau này Bùi Tất Năng từ quan bỏ đi tu ở Lạng Sơn và mất tại đó (không rõ năm). Từ chuyện này mà dân gian có câu ca: "Làng Tò có quan Thượng thư, cắt tóc đi tu xin làm hòa thượng".

Lời bàn:

Thời xưa, việc thi đỗ và giành được học vị cao trong các kỳ thi là niềm mơ ước của biết bao người theo đòi bút nghiên, đèn sách những mong có ngày hiển đạt. 

Không ít người học từ nhỏ cho đến lúc đầu bạc, tham dự hết khoa thi này đến khoa thi khác mà vẫn không đỗ đạt gì, nhưng cũng có người như Quản Phác, Bùi Tất Năng xuất thân thấp kém, so với đồng trang lứa họ làm quen với sách bút có phần muộn hơn, thế mà không lâu sau học lực chẳng mấy ai sánh kịp, đi thi đỗ ngay đại khoa.

Điểm chung của họ là ý chí quyết tâm cao, tinh thần và nghị lực phi thường, chăm chỉ chịu khó vượt lên hoàn cảnh để thành công, họ chính là hai nhân vật tiêu biểu, là tấm gương sáng rất đáng để người đời ngưỡng phục, học tập.

Tài liệu tham khảo:

1. Các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa qua các triều đại phong kiến Việt Nam – NXB Văn hóa thông tin, 2006

2. Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn hóa thông tin, 2006

3. Giáo dục và khoa cử Nho học thời Lê ở Việt Nam qua tài liệu Hán Nôm – NXB Khoa học xã hội, 2009

4. Những làng văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc tỉnh Thái Bình – NXB Văn hóa thông tin, 2014

5. Thi cử học vị học hàm dưới các triều đại phong kiến Việt Nam – NXB Lao động, 2011

6. Việt Nam trung hiếu nghĩa tình – NXB Thanh niên, 2007

7. Việt Nam phong tình cổ lục – NXB Văn hóa thông tin, 2009.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại