Chuyện lạ về cô gái chạy “rơi não”, hai ngày quên cả cách mở điện thoại

ĐS |

Nguyễn Thị Đường nhỏ nhắn như chính biệt danh “Tiểu Đường” của mình nhưng sự bền bỉ và ý chí quyết tâm trên đường chạy lại vô cùng lớn!

Chạy dài theo những "người điên"

Những "người điên" ấy cô gặp trên đường leo Bạch Mộc Lương Tử. Họ kể cho cô nghe về Hội những người thích chạy đường dài. Họ vẫn thường xuyên tập luyện ở Hồ Tây. Nghe họ kể, cô nghĩ bụng: "Sao có thể chạy hết 1 vòng Hồ Tây? Họ bị điên rồi!". Về Hà Nội, cô ra Hồ Tây xem những "người điên" chạy. Cô chạy theo và cũng chạy hết 1 vòng Hồ Tây trong sự ngạc nhiên của chính mình. Từ buổi đó, cô đi theo những "người điên" chạy thêm nhiều bận. Năm 2016, cô chạy xuyên đêm ở Yên Sở và cũng trong năm này, cô lần đầu chạy hết cự ly marathon (42km) ở núi Hàm Lợn, Sóc Sơn.

"Lúc về đích thấy chân cẳng vẫn ổn, lại được một người chị tặng cho đôi giày chạy. Chị còn bảo: sắp tới có cuộc thi Vietnam Mountain Marathon, giải có nhiều người chạy nhưng hiếm có người Việt Nam được giải. Em về tập mà đi thi. Tôi nghe lời chị, cố tập để mang giải về cho Việt Nam. Lần đó khi về gần tới đích, tôi nắm tay chị Sophie - một nữ VĐV người Anh Quốc có bib sát nhau 4243 – 4242. Tại vạch đích, Sophie bất ngờ nhường tôi bước lên để có giải nhì chung cuộc".

Tấm HCB Vietnam Mountain Marathon cự ly 42km 3 năm trước đưa Đường lên hàng elite runner của làng chạy phong trào. Các bạn chạy nể phục cô mà đặt biệt danh "Tiểu Đường". Biệt danh ấy quá chuẩn, bởi Nguyễn Thị Đường chỉ cao 1m50, nặng 44kg.

Chuyện lạ về cô gái chạy “rơi não”, hai ngày quên cả cách mở điện thoại - Ảnh 1.

Và để có thể về nhất cuộc thi leo 72 tầng tòa nhà Keangnam; vô địch cuộc thi chạy 70km núi Hàm Lợn, Sóc Sơn (Hà Nội); giải nhì 42km VMM2016; giải nhì 42km marathon Hạ Long 2016; giải nhì cự ly 70km marathon Tam Đảo 2017; giải nhất thử thách chạy 15 giờ liên tục tại Sóc Sơn năm 2017; giải ba cự ly 100km VMM2017... không chỉ là những ngày khổ luyện quanh khu công nghiệp nơi cô làm việc mà còn là sự nỗ lực tột cùng và những giây phút tập trung cao độ trên đường đua.

"Năm 2016, tôi chạy giải Hạ Long. Chạy từ Bảo tàng Quảng Ninh vượt cầu Bãi Cháy sang Tuần Châu là 21km và quay đầu. Tôi nhớ, từ ngã ba quốc lộ 18 rẽ ra Tuần Châu rất gió, tôi phải xin chạy núp đằng sau một anh. Khi chạy về đến cầu Bãi Cháy tôi mệt lử, chân tay bủn rủn. Tới đích thì òa khóc. Khóc vì mệt. Đó là lần mệt nhất tôi từng thấy. Đó là lần thứ 2 tôi chạy full marathon với sự cố gắng đến tột độ", Tiểu Đường kể về lần chạy mà cô cho là đáng nhớ nhất. Đã hơn 1 năm rồi sau lời "thề thốt" ấy. Đường vẫn chạy và coi nó là niềm hạnh phúc, niềm tự hào, và cơ hội để kể thêm những câu chuyện đẹp đẽ về tinh thần của những cái nắm tay với bạn chạy trên vạch đích.

Chạy cần thời gian để ngấm, để yêu và say mê

Trong cuốn sách best-seller "Bức xúc không làm ta vô can", Tiến sỹ Đặng Hoàng Giang dành những trang viết thật hay về những người về đích cuối cùng. Ông gọi đó là những người thú vị, và nhận định rằng: "Động cơ để họ cắn răng lê bước tiếp không phải là những gửi gắm của một tập thể, chẳng phải là danh dự của một quốc gia, hay danh tiếng của bản thân mà họ cần phải bảo vệ. Họ đơn thuần bướng bỉnh và có thể hơi điên rồ. Họ tiếp tục chỉ vì bỏ cuộc không phải là lựa chọn của họ".

"Chúng ta hình dung nhé! Hôm qua tôi chạy LUT, đồng hồ phân tích mất 11 tiếng 40 phút, hết 2200 calo. Nhưng với những người chạy mất 16 đến 18 tiếng sẽ hết 4000 calo. Nhiều người bảo chạy nhanh là mệt. Điều này không đúng. Người chạy chậm mới mệt gấp đôi người chạy nhanh, ý chí cũng phải gấp đôi người chạy nhanh. Chạy là để chiến thắng bản thân và trân trọng, tự hào về bản thân mình. Mỗi người đến với chạy bộ đã là một niềm tự hào rồi. Tự hào khi dám đứng ở vạch xuất phát của cuộc đua và tự hào khi về đích. Chạy bộ là cuộc chơi dài nên đôi khi bạn có thể tự hào cả việc bạn biết chọn điểm dừng! Để nhận ra những điều trên cần phải có thời gian. Bởi thế chạy giống như một môn nghệ thuật và cần thời gian để ngấm, để yêu và say mê. Nó cũng là môn khoa học mà mỗi người chạy phải học cho tốt hơn. Tôi buồn cũng đi chạy, vui cũng chạy. Đó là cách giải tỏa stress trong cuộc sống, làm mọi thứ cân bằng hơn. Chạy làm cho tôi tìm thấy chính mình. Chạy rèn quyết tâm, cho tôi cách nhìn nhận những khó khăn trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn, bản lĩnh hơn. Chạy còn cho tôi thấy, không chỉ người về nhất mà cả những người chạy về sau cũng là những người ý chí tuyệt vời", Đường tâm sự.

Chạy để yêu Hà Nội

Tôi gặp Đường đúng ngày cô đang khăn gói chuẩn bị vào Nam tìm thử thách mới. Sau những giây phút chia sẻ đầy hồ hởi về chạy, là một chút lắng lại.

"Ngày mai đi Sài Gòn chắc nhớ nơi này lắm! Mình đang ở đây, quê hương mình ở đây, hàng ngày chạy cùng bạn bè ở đây. Giờ đi xa nhớ chứ! Nhớ mùi hoa sữa mỗi lần chạy xuyên đêm thơm nồng nàn. Cả những con đường gắn liền với ấu thơ, mùa hè đến chạy qua những gốc phượng đỏ, những cây điệp vàng. Thân thương vô cùng". Nghe Đường hoài niệm, tôi bảo: "Tháng 10 này có VPBank Hà Nội Marathon, chạy trên những cung đường xuyên phố cổ đầy huyền tích, đi qua những tuyến đường đẹp nhất của thủ đô 1000 năm tuổi. Về mà chạy thôi!".

Chuyện lạ về cô gái chạy “rơi não”, hai ngày quên cả cách mở điện thoại - Ảnh 2.

Mắt Đường bừng sáng trở lại. Cô khoe năm ngoái chạy giải này đạt thành tích 3 giờ 45 phút. Rồi cô khoe luôn cảm giác thân thương mỗi lần chạy ở Hà Nội. "Hà Nội sớm mùa thu se lạnh khi nhịp sống chưa bừng lên, chạy thấy yên bình, lắng đọng, mỗi bước chạy như cảm được hơi thở của phố. Tôi tự hào khi sinh ra ở Hà Nội, chạy ở Hà Nội. Và có lẽ như anh nói, chạy đi thật xa để trở về sẽ thấy yêu hơn!"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại