Sự tăng trưởng ngoạn mục của iPhone tại thị trường Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông phương Tây.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu nhận định, thành công này không chỉ đến từ chiến lược kinh doanh của Apple mà còn phản ánh sự năng động của thị trường tiêu dùng cao cấp tại Trung Quốc. Doanh số iPhone tại quốc gia tỷ dân phần nào đã trở thành "phong vũ biểu", cho thấy sức hấp dẫn và tiềm năng to lớn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thực tế, thị trường tiêu dùng Trung Quốc sở hữu nội lực mạnh mẽ để duy trì đà tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Nhìn lại chặng đường phát triển của Apple tại thị trường này, có thể thấy rõ sự chuyển dịch mạnh mẽ của ngành sản xuất Trung Quốc từ "Made in China" sang "Created in China".
Quốc gia tỷ dân không còn đơn thuần là nơi lắp ráp sản phẩm cho Apple. Ngày càng có nhiều nhà cung ứng Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của Apple, từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D) cho đến sản xuất linh kiện. Điển hình như các công ty BOE, Lixun Precision đã trở thành những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.
Sự tăng trưởng ấn tượng của Apple chỉ là một phần trong bức tranh toàn cảnh về thị trường smartphone Trung Quốc.
Theo số liệu mới nhất từ Viện Hàn lâm Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc, lượng xuất xưởng điện thoại di động mang thương hiệu nước ngoài tại Trung Quốc đã tăng từ 2,301 triệu chiếc trong tháng 4/2023 lên 3,495 triệu chiếc trong tháng 4/2024. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời, nó cũng thể hiện rõ nét hơn sự cởi mở của thị trường Trung Quốc cũng như bước tiến vượt bậc trong cải thiện cơ cấu và trình độ công nghiệp hóa của quốc gia này.
Chính phủ Trung Quốc cam kết xây dựng môi trường thị trường công bằng, minh bạch, giảm thiểu rào cản gia nhập thị trường, tối ưu hóa luật pháp về đầu tư nước ngoài và các biện pháp chính sách khác. Mục tiêu là nhằm đảm bảo doanh nghiệp trong và ngoài nước cạnh tranh bình đẳng theo luật chơi chung. Thị phần smartphone cao cấp của Apple và các hãng khác phần lớn đến từ việc nắm bắt chính xác nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc cũng như nỗ lực không ngừng trong việc bản địa hóa dịch vụ và quản lý chuỗi cung ứng.
Thành công của Apple tại Trung Quốc không chỉ mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn đa dạng và chất lượng cao hơn mà còn thúc đẩy giao lưu, hiểu biết lẫn nhau về công nghệ và văn hóa giữa Trung Quốc và thế giới. Sự hiện diện của Apple cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển và lớn lên của các thương hiệu smartphone Trung Quốc, tiêu biểu là Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo.
Doanh số smartphone Apple tăng vọt ở Trung Quốc phản ánh sự hợp tác sâu rộng và phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trung Quốc với lợi thế về hiệu quả sản xuất và khả năng kiểm soát chi phí đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà Apple không thể dễ dàng từ bỏ. Thành công của Apple không chỉ đến từ hoạt động hiệu quả của chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn nhờ sự công nhận của người tiêu dùng Trung Quốc.
Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong thị trường tiêu dùng cao cấp, từ các công ty đa quốc gia đến các ngành công nghiệp toàn cầu và thị trường thế giới, là minh chứng sống động cho mô hình "cùng có lợi - đôi bên cùng có lợi". Mô hình này vượt ra khỏi khuôn khổ trao đổi hàng hóa đơn thuần, vươn lên tầm chiến lược về trao đổi công nghệ, chia sẻ thị trường và hợp tác chia sẻ rủi ro, từ đó tạo động lực mới cho sự ổn định và phát triển của kinh tế toàn cầu.
Với việc các thương hiệu điện thoại di động Trung Quốc tích hợp các công nghệ cốt lõi như 5G, màn hình gập, công nghệ sạc nhanh, hệ thống hình ảnh, cấu trúc công nghiệp của Trung Quốc đã được tối ưu hóa và nâng cấp. Điều này mang đến năng lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn và hỗ trợ chuỗi cung ứng ổn định hơn cho các công ty đa quốc gia như Apple.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của iPhone tại thị trường Trung Quốc không chỉ là thành công về mặt thương mại mà còn là minh chứng rõ nét cho chính sách mở cửa, nâng cấp công nghiệp và hợp tác chuỗi giá trị toàn cầu của Trung Quốc.
Đồng thời, đây cũng là kết quả tất yếu của quá trình chuyển đổi, nâng cấp của các doanh nghiệp nội địa và bước nhảy vọt về sức mạnh công nghệ. Mô hình hợp tác "cùng có lợi" giữa Trung Quốc và Mỹ cho thấy môi trường thị trường cởi mở, bao trùm, nâng cấp công nghiệp liên tục và hợp tác hiệu quả trên phạm vi toàn cầu là những yếu tố then chốt để thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế sâu rộng hơn và đạt được kết quả cùng có lợi.
Trong tương lai, khi Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh cải cách và mở cửa, không gian hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và thương mại sẽ ngày càng rộng mở hơn.