Chúng ta biết đến diễn viên Việt Trinh đã khắc họa thành công nhân vật Bạch Cúc trong phim "Người đẹp Tây Đô", nhưng không mấy ai biết đến nhân vật Bạch Cúc ngoài đời thực.
Nữ diễn viên Việt Trinh đã khắc họa thành công vai diễn "Người đẹp Tây Đô"
Bộ phim nổi tiếng này được xây dựng trên cuộc đời của bà Lâm Thị Elise, hay còn được gọi là Lâm Thị Phấn (1918-2010), người con gái xuất sắc của dòng họ Lâm danh giá ở Cần Thơ thời bấy giờ.
Cha bà là Lâm Văn Phận, hiệu trưởng trường Taberd, nay là trường Châu Văn Liêm. Theo nhiều tài liệu sử ghi lại, bà Lâm Thị Phấn nổi tiếng là người con gái tài sắc vẹn toàn, được người dân vùng đất Tây Đô gọi bằng cái tên trìu mến "Người đẹp Tây Đô".
Bà Lâm Thị Phấn, người đẹp xứ Tây Nam Bộ năm 1935
Cuộc sống làm dâu tủi khổ của người đẹp Tây Đô
Năm 17 tuổi, bà được gả cho người anh con cô cậu ruột với công tử Bạc Liêu, đồng thời là cháu đích tôn của bá hộ, người được mệnh danh là Vua lúa gạo Nam Kỳ bấy giờ. Chồng bà nổi tiếng là một công tử giàu có, thường xuyên mải mê ăn chơi.
Việc gia đình công tử Bạc Liêu nhắm tới Lâm Thị Phấn làm con dâu nhằm mục đích mong muốn một người đẹp và sắc sảo như bà sẽ kìm bớt tính chơi bời của chồng và lo toan được việc nhà.
Mặc dù bà rất giỏi giang và khéo léo quán xuyến mọi việc trong gia đình khi về làm dâu, nhưng tính ăn chơi và chỉ biết hưởng thụ của chồng bà không thay đổi.
Kể từ khi cha chồng giao ngân sách cho bà quản lý, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bà Phấn ngày càng gia tăng do chồng bà thường xuyên bòn rút tiền của gia đình để chơi bời.
Dù có với nhau hai đứa con trai nhưng tình cảm giữa vợ chồng bà ngày càng xa cách. Để giữ trọn nghĩa vợ chồng và đạo hiếu, bà phải cắn răng chịu đựng những trận đòn và lời đay nghiến của chồng mỗi khi hai người xảy ra mâu thuẫn.
Tự giải phóng bản thân và trở thành nữ anh hùng cách mạng
Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, bà Lâm Thị Phấn từ nhỏ đã mang trong mình tư tưởng tiên tiến của phương Tây.
Việc bà đồng ý kết hôn năm 17 tuổi chỉ để vừa lòng cha mẹ. Mặc dù ông giáo Phận hiểu rõ con gái mình là người có chí hướng và tư tưởng tự do mà phải sống trong một gia đình địa chủ cổ hủ như vậy rất khổ, nhưng ông không có lựa chọn nào khác.
Kể từ khi gánh vác những trọng trách quan trọng trong thu chi của gia đình và đảm nhiệm công việc thu thuế, bà Phấn bắt đầu nhận ra những cơ cực của người nông dân trong vùng, đặc biệt là phụ nữ.
Nỗi thống khổ của họ và mâu thuẫn vợ chồng ngày càng gia tăng đã thôi thúc bà đấu tranh cho những người cùng khổ.
Bà quyết định thoát ly ra khỏi gia đình chồng và tham gia hoạt động phong trào cho Hội Phụ nữ Cứu Quốc.
Năm 1950, bà được kết nạp vào Đảng. Sau đó, bà trở thành nữ tình báo nổi tiếng trong suốt hai cuộc Cách mạng chống Pháp và chống Mỹ của nước nhà.
Bà Lâm Thị Phấn và đồng đội
Với tấm bằng tú tài Pháp cùng ngoại hình đẹp, bà được giao nhiệm vụ vô cùng đặc biệt ngay trong lòng địch: xây dựng đội ngũ điệp báo miền Tây ngay tại Cần Thơ (nơi địch đóng quân).
Chính trong thời gian này, bà đã tìm được tình yêu đích thực của đời mình là ông Trần Hiến.
Ông là con lai Pháp, được người Pháp rất tin tưởng và giao trọng trách làm quan phiên dịch cho quân đội Pháp. Bà Phấn chính là người đã cảm hóa lòng yêu nước Việt trong ông.
Cuối cùng, ông Trần Hiến quyết động tham gia Cách mạng. Họ nên duyên vợ chồng.
Tình cảm đó đã hỗ trợ rất nhiều cho công việc. Họ cùng nhau lập nên những chiến công thầm lặng cho tổ tình báo miền Tây, góp phần vào thành công của Cách mạng Việt Nam. Bà được quân đội Pháp ưu ái đặt cho cái tên "Thần Vệ Nữ phương Đông".
Cuối năm 1954, hai vợ chồng bà Phấn tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tại đây, bà đã hạ sinh một cô con gái xinh xắn là Trần Hồng Hạnh.
Tháng 10/1962, bà trở lại miền Nam hoạt động tình báo và gửi cô con gái cho ông Phận chăm sóc.
Sau khi miền Nam giải phóng, bà được điều về Quân khu 9 công tác và về hưu năm 1984. Tháng 4/2010, người đẹp Tây Đô qua đời ở độ tuổi 92 tại căn nhà nơi bà sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ.
Bà Lâm Thị Phấn, người đẹp Tây Đô đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam tự giải phóng bản thân với phương châm: "Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được".