Đó là câu chuyện hy hữu đã và đang xảy ra tại Chàng Sơn, một xã có truyền thống làng nghề lâu đời của huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Người dân sinh sống ở đây đang ngày ngày ngóng chờ dự án cung cấp nước sinh hoạt đi vào thực tế.
14h30 ngày 13-6, con đường bê tông bỏng rát vì nắng nóng dẫn chúng tôi về xã Chàng Sơn, một xã có nhiều nghề truyền thống.
Năm 2008, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã công nhận nơi đây là một trong sáu làng nghề có nhiều nghề truyền thống nhất trên địa bàn Hà Nội với những nghề như: chế biến gỗ, mây tre đan, làm quạt giấy v.v…
Trong những năm qua, đời sống kinh tế của bà con nơi đây có những đổi thay đáng kể. Những ngôi nhà khang trang đua nhau mọc lên hai bên đường.
Kinh tế của bà con ngày một khấm khá, song nỗi lo về nguồn nước sinh hoạt thì thường trực.
Quê gốc ở Chàng Sơn, bác Chu Văn Trọng, 65 tuổi, nhà ở thôn 3 tỏ ra ngán ngẩm khi nói tới nguồn nước sinh hoạt phục vụ người dân trong xã.
Bác Trọng bảo, cảnh người dân thuê thợ về khoan giếng với độ sâu lên đến 20-30m rồi sau đó phải lắc đầu vì “không có nước ngầm” đã trở thành chuyện cơm bữa đối với đại đa số các hộ dân trên địa bàn.
Nhà bác Trọng cũng vậy, mấy năm trước, do thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, gia đình đã thuê thợ về khoan mấy mũi (độ sâu từ 25-35m) quanh nhà, nhưng không thấy nước.
Từ đó đến nay, gia đình bác đều phải mua nước sinh hoạt từ chủ kinh doanh ở các xã lân cận.
Câu chuyện của chúng tôi với bác Trọng bị xen ngang bởi tiếng còi của chiếc xe tải loại 1,25 tấn, phía sau chở theo một téc nước đi tới.
“Đấy xe bán nước đến rồi! Chú ra đấy mà tìm hiểu thêm, sẽ biết nỗi khổ của người dân chúng tôi ngay!”, bác Trọng nói.
Chiếc xe bán nước có biển kiểm soát 30P-129x này thực chất là một chiếc xe tải vốn được thiết kế để chở vật liệu xây dựng. Nhưng nay, phía sau thùng xe đã xuất hiện một téc nước có dung tích khoảng 4m³.
Anh Lê Đ, chủ nhân chiếc xe trên và cũng là một trong những ông chủ chuyên cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn xã Chàng Sơn cho hay, anh làm nghề này đến nay cũng đã ngót 10 năm.
Hằng ngày, anh phục vụ người dân sinh sống trên địa bàn từ 7-10 chuyến (tương đương trên dưới 40m³nước/ngày). Số chuyến cũng sẽ được tăng lên, nếu nhu cầu sử dụng nước của người dân gia tăng.
Cũng theo anh Lê Đ, do nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân Chàng Sơn lúc nào cũng có, nên “xưởng” cung cấp nước của anh chỉ đáp ứng cho… khách quen.
15h30, được anh Lê Đ dẫn vòi, bật máy tăng áp, đẩy nước vào bể ngầm trong nhà, bác Nguyễn Đình Thược, 70 tuổi, ở thôn 3 hồ hởi: “Tôi gọi mua nước từ 8h sáng, giờ anh ý mới rỗi, chở nước đến bán cho gia đình.
May là bể vẫn chưa cạn nước, chứ không lại phải sang nhà hàng xóm xin nước rồi!”.
Trò chuyện với bác Thược, chúng tôi được biết, bác phải bỏ ra 160 ngàn đồng để mua 4m³ khối nước trên.
Và bình quân hằng tháng, số tiền mà gia đình bác bỏ ra để mua nước từ các chủ kinh doanh ở các xã lân cận về để sử dụng lên đến 700-800 ngàn đồng.
Bác Thược bảo, cảnh gia đình phải đi mua nước đã tồn tại từ những năm 2004, 2005 rồi.
Chia sẻ về sự mong mỏi nguồn nước sinh hoạt của người dân, chị Nguyễn Thị Bảy, Trưởng thôn 1 – xã Chàng Sơn cho hay, thôn 1 có hơn 500 hộ với trên 2.000 nhân khẩu thì có tới trên 95% số hộ dân thường xuyên phải bỏ tiền mua nước sinh hoạt từ các xã khác.
Đời sống, hoạt động sản xuất làng nghề theo đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo chị Bảy, thông thường mỗi hộ gia đình gồm 4 nhân khẩu, nếu dùng tiết kiệm thì một tuần cũng phải bỏ ra khoảng 160 ngàn đồng để mua 4m³ nước.
Như vậy, bình quân hằng tháng, số tiền mà mỗi hộ gia đình bỏ ra để mua nước lên đến 700-800 ngàn đồng.
“Tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, huyện, người dân chúng tôi cũng đã nhiều lần phản ánh. Thế nhưng, đến nay đã hơn 10 năm, nguồn nước sinh hoạt vẫn chưa về tới bà con”, chị Bảy lắc đầu bảo.
Đem những tâm tư của người dân lên gặp đại diện chính quyền xã Chàng Sơn, ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Kim Toàn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết, toàn xã có 7 thôn với trên 2.800 hộ (hơn 10 ngàn nhân khẩu).
Mặc dù, hoạt động kinh doanh sản xuất làng nghề trên địa bàn trong những năm qua không ngừng phát triển, thế nhưng, hơn 10 năm nay, người dân vẫn phải đối mặt với cảnh khát nước.
Các hộ gia đình thường xuyên bỏ tiền mua nước sinh hoạt từ các hộ kinh doanh ở các xã lân cận như: Kim Quan, Bình Yên, Thạch Xá…
Khi được hỏi, “vậy nguồn nước sinh hoạt mà người dân hằng ngày mua và sử dụng có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?”, đại diện UBND xã Chàng Sơn cho rằng: “Người dân cứ thấy nước trong là mua và sử dụng thôi, chứ trong nước có thành phần gì, có tác động ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng hay không thì không ai biết”.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Phúc, từ năm 2014 đến nay, cũng đã có đại diện một số công ty cung cấp nước sạch về làm việc và cam kết sẽ đầu tư xây dựng nhà máy nước, cung cấp nước sạch cho người dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, đến nay, mọi dự án vẫn chỉ nằm… trên giấy. Người dân thì ngày ngày mong mỏi nguồn nước sạch sớm về làng. Cảnh chờ đợi, bỏ tiền mua nước từ các xã lân cận về sử dụng sẽ không còn nữa.
Có thể thấy rằng, sự phát triển kinh tế ở Chàng Sơn không ai có thể phủ nhận.
Vậy nhưng, những hệ lụy của ô nhiễm môi trường do quá trình phát triển làng nghề gây ra và nhất là sự khan hiếm nguồn nước sinh hoạt đã và đang trực tiếp đe dọa sức khỏe, cuộc sống của người dân nơi đây, nhất là theo như lời của đại diện UBND xã Chàng Sơn khi trao đổi với chúng tôi: “Trong thời gian qua, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, tử vong do ung thư ở xã đang có chiều hướng gia tăng”.