Hiện nay, 10/13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bị nhiễm mặn và công bố tình trạng thiên tai. Đồng ruộng không thể xuống giống mà nước sinh hoạt nay đã trở thành nước muối.
Sáng 5/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson cùng nếm thử nước tại Bến Tre và cả 2 cùng phải thốt lên: mặn quá.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng nguồn nước dùng để cấp cho người dân nơi đây còn mặn hơn nước muối bán ngoài tiệm thuốc tây. Kết quả đo độ mặn nguồn nước tại đây lên đến 3,2‰.
Phóng viên Nguyễn Ngân của chúng tôi- người vừa có chuyến công tác dài ngày tại tâm điểm vùng hạn mặn – đã kể lại câu chuyện cuộc sống của người dân ĐBSCL trong tình cảnh nước sinh hoạt mà còn mặn hơn cả nước muối.
Phóng viên Nguyễn Ngân cho biết: “Ngay tại trung tâm thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, người dân thức đến 2,3 giờ sáng để lấy nguồn nước trong các giếng khoan. Nguồn nước sinh hoạt từ các nhà máy cấp nước giờ không có, nhà máy duy trì lượng nước cầm chừng.
Các vùng mặn ngiêm trọng như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, mặn xâm nhập toàn bộ diện tích. Hàng trăm ngàn hộ dân, trường học, bệnh viện thiếu nước sinh hoạt và phải sử dụng những nguồn nước đã nhiễm mặn, có nơi độ mặn gấp 10 lần cho phép.
“Người dân nói với chúng tôi rằng, nguồn nước xung quanh giờ mặn hơn nước mắt, mặn hơn giọt mồ hôi của người nông dân đổ xuống cánh đồng. Bà con nói ‘có tiền cũng không mua được nước những ngày này’" - phóng viên Nguyễn Ngân chia sẻ.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, chỉ riêng hai tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng đã có hơn 40.000 người bỏ quê đi làm ăn xa trong điều kiện túng quẫn.
Từng có mặt tại các địa phương này, phóng viên Nguyễn Ngân đánh giá: “Tôi nghĩ đó là tất yếu và chúng ta có thể hiểu được phần nào từ tình cảnh người dân những ngày này.
Người dân không còn thu nhập, bà con nhiều vùng chịu thiệt hại chồng, vụ lúa mất trắng, vụ tôm sau đó cũng thiệt hại, nhiều diện tích cây trái bắt đầu chết, nước ngọt phải mua từng can, trong khi người dân chưa tiếp tục sản xuất vì độ mặn vẫn cao.
Nếu tiếp tục ở lại, họ thực sự không có cách nào xoay sở nổi. Những ngày qua, chúng tôi có mặt tại 3 tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, và Kiên Giang.
Tình trạng chung, nhiều ấp, xóm rất vắng vẻ. Chính quyền địa phương cho biết, phần đông lao động chủ lực, thanh niên đã rời làng, đi tìm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên”.
ĐBSCL đang cần nước ngọt hơn bao giờ hết. Việc Trung Quốc hay Lào xả nước ở thượng nguồn cũng chỉ như muối bỏ biển so với những hậu quả to lớn của nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu.
ĐBSCL lúc này đang cần những giải pháp cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Đến thời điểm này, từ chính quyền cho đến người dân, họ vẫn đang loay hoay với quyết định sẽ ngọt hóa hay là mặn hóa mảnh ruộng của mình.
Và dù với quyết định nào đi chăng nữa, vựa lúa của cả nước - nơi chiếm đến 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam - đang đứng trước mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử của vùng đất này.