Chuyện hậu trường chuyên án triệt phá đường dây sản xuất ma túy “khủng”

Song Hiền |

Lần đầu tiên lãnh đạo Bộ Công an Việt Nam cho phép Cục Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy xác lập đấu tranh chuyên án chung giữa Việt Nam với nước ngoài để triệt phá toàn bộ đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia.

Chuyên án trên là thành tích đặc biệt xuất sắc, triệt phá đường dây sản xuất trái phép chất ma túy có quy mô, tính chất lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, thu giữ được toàn bộ dây chuyền sản xuất, bắt giữ được toàn bộ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu người nước ngoài; đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khi phá án.

Sử dụng visa du lịch để vào Việt Nam phạm tội

Tháng 11-2018, Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an Việt Nam và Cục Phòng chống ma túy, Bộ Công an Trung Quốc phát hiện thông tin nghi vấn đường dây sản xuất trái phép chất ma túy do các đối tượng người Trung Quốc cấu kết với một số đối tượng người Việt Nam thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Nhận được nguồn tin trên, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã khẩn trương phối hợp với Công an tỉnh Bình Định tập trung phối hợp xác minh, xác định đối tượng người Trung Quốc thuê nhà trong ngõ 665 và ngõ 767 đường Âu Cơ, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có nhiều biểu hiện nghi vấn. Các đối tượng này thuê nhà xưởng Công ty TNHH Hoàng Ngân Phát, địa chỉ phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) để xây dựng, sản xuất đá.

Quy luật của bọn chúng cầm chừng, thường xuyên khóa cửa nhà xưởng, toàn bộ công nhân trong nhà xưởng đều là người Trung Quốc sang Việt Nam xin visa du lịch.

Trước dấu hiệu của tội phạm nêu trên, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an cho xác lập chuyên án triệt phá đường dây sản xuất ma túy lớn tại Việt Nam để tập trung lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ biện pháp nghiệp vụ đấu tranh.

Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp với các Cục nghiệp vụ và Công an các đơn vị địa phương khẩn trương xác minh, thu thập tài liệu làm rõ được vai trò, vị trí của các đối tượng trong đường dây.

Chuyện hậu trường chuyên án triệt phá đường dây sản xuất ma túy “khủng” - Ảnh 1.

Đối tượng Thái Tự Lực chủ mưu cầm đầu.

Sau một thời gian xác minh, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã xác định phương thức thủ đoạn của đường dây sản xuất trái phép chất ma túy của đối tượng tên là Cai Zi Li (tên gọi khác là Thái Tự Lực, SN 1963, trú tại thôn Thủy Dầu, thị trấn An Hải, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).

Đây là đối tượng có nhiều tiền án tại Trung Quốc về ma túy, trong đó có 1 án chung thân, mới được đặc xá tha tù thì Thái Tự Lực lại tiếp tục sang Việt Nam phạm tội.

Do có tiền án tội phạm về ma túy nên Thái Tự Lực rất xảo quyệt, nhập cảnh vào Việt Nam nhiều lần nhưng chỉ đi đường tiểu ngạch và sử dụng đối tượng người Việt gốc Hoa để dẫn đường.

Sau đó, đi đến các địa phương ở xa trung tâm, tìm những doanh nghiệp có sẵn kho xưởng, có đường vào độc đạo, dễ che giấu việc sản xuất ma túy, lừa đảo doanh nghiệp bằng cách đặt vấn đề nhờ sản xuất thử nghiệm thuốc trừ sâu và thuốc diệt chuột, nếu thành công sẽ đầu tư số lượng tiền lớn vào doanh nghiệp và sản xuất thành công sẽ cho làm đại lý độc quyền.

Sau khi doanh nghiệp đồng ý, chúng sẽ tập trung sản xuất ma túy tổng hợp trong nửa tháng đến 20 ngày sau đó chấm dứt và chuyển sang địa điểm khác để tránh sự việc bị bại lộ.

Ngoài Thái Tự Lực, còn có Tống Kiến Hoàng, SN 1963, trú tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - là kỹ sư hoá và các đối tượng khác là chuyên gia sản xuất ma túy đều có quốc tịch Trung Quốc…

Bên cạnh việc thuê nhà xưởng của Công ty TNHH Hoàng Ngân Phát, các đối tượng còn liên hệ nhiều địa điểm khác ở TP Quy Nhơn. Từ ngày 28-4-2019, các đối tượng có dấu hiệu đi vào sản xuất trái phép chất ma túy.

Tuy nhiên, do sợ bị lộ và mâu thuẫn với nội bộ nên ngày 11-5, các đối tượng đã dừng hoạt động và vận chuyển toàn bộ thiết bị, máy móc tiền chất, hóa chất từ Công ty TNHH Hoàng Ngân Phát về cất giấu tại nhà kho ở phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP HCM và Công ty TNHH Hoa Việt Thắm, phường Tân Phước Khánh, Thị xã Tân Uyên, Bình Dương.

Ngày 14-5, phần lớn nhóm này xuất cảnh về nước, để 3 đối tượng người Trung Quốc ở lại.

Sau đó, từ ngày 12-6 đến 17-7, các đối tượng người Trung Quốc trong chuyên án nhiều lần sang Việt Nam để mua máy móc, thiết bị và khảo sát, tìm địa điểm để sản xuất ma túy tại các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Định, TP HCM.

Sau khi khảo sát nhiều nơi, các đối tượng quyết định thuê nhà xưởng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên, tổ dân 3B, khu làng nghề, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum để sản xuất trái phép chất ma túy dưới vỏ bọc là Phòng thí nghiệm sản xuất thuốc trừ sâu và phân bón vi sinh.

Nhà xưởng của Công ty Đồng An Viên được các đối tượng đầu tư xây dựng lại, quây kín bằng tôn và lắp đặt hệ thống điều hòa, thông gió, thoát nước, camera, gia cố đường bao quanh khuôn viên chắc chắn, lắp đặt hệ thống giám sát gara cảnh báo người lạ xâm nhập.

Từ ngày 29-7 đến 5-8, các đối tượng đi vào sản xuất trái phép chất ma túy tại xưởng Công ty Đồng An Viên.

Chuyện hậu trường chuyên án triệt phá đường dây sản xuất ma túy “khủng” - Ảnh 2.

Các thùng, bao… chứa tiền chất để sản xuất ma túy.


10 tổ công tác đồng loạt phá án

Được sự đồng ý của Bộ trưởng Tô Lâm, sáng 6-8, 10 tổ công tác đã thống nhất kế hoạch và triển khai phá án.

Điểm thứ nhất do Trung tướng Phạm văn Các chỉ huy cùng Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Trung, Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Văn Hải, Vụ trưởng vụ 4, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và đồng chí Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật hình sự có mặt tại thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum với gần 100 CBCS của các lực lượng trực tiếp đã bắt quả tang Thái Tự Lực đang cùng 6 đối tượng mang quốc tịch Trung Quốc sản xuất trái phép chất ma túy.

Vật chứng thu giữ 140 lít dung dịch dạng sệt, qua giám định nhanh có thành phần Methamphetamine (ma túy đá). Trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phi, can nhựa, thùng nhựa, chai, lọ thủy tinh, bao giấy… phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.

Khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy (hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy li tâm, máy sấy khô…).

Với lượng hóa chất, tiền chất nêu trên, nếu sản xuất trót lọt, ước tính các đối tượng sẽ sản xuất 1 tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”.

Ngay sau đó, Cục CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Công an các đơn vị địa phương đồng loạt triển khai 10 tổ công tác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành khám xét và triệu tập các đối tượng để lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ.

Cơ quan Công an cũng bắt giữ đối tượng người Việt gốc Hoa Sàn Khuấn Sáng (Tức Trần, SN 1976, trú tại quận Bình Tân, TP HCM).

Tại các địa điểm khám xét nêu trên, lực lượng chức năng thu giữ 157 thùng hóa chất các loại, 380 bao hóa chất dạng bột, 84 can hóa chất các loại sử dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp. Qua xét nghiệm đã xác định số hoá chất này đều chứa tiền chất để sản xuất ma túy tổng hợp.

Còn với 13 dây chuyển sản xuất, thì bước đầu Viện Khoa học hình sự đã giám định riêng 1 dây chuyền đã có trên 12kg ma túy đá thành phẩm. Như vậy, tổng số thu giữ khoảng gần 30 tấn tiền chất để sử dụng sản xuất ma túy.

Chuyện hậu trường chuyên án triệt phá đường dây sản xuất ma túy “khủng” - Ảnh 4.

Thiết bị máy móc sử dụng vào việc điều chế ma túy.


Cùng thời điểm này, Công an Trung Quốc cũng đã tiến hành triển khai bắt giữ 22 đối tượng, khám xét.

Hiện nay, Công an Trung Quốc đã tạm giam 18 đối tượng; Công an Việt Nam bắt tạm giam 8 đối tượng có tên nêu trên về tội sản xuất trái phép chất ma túy. Đến nay, các bị can đều khai nhận vai trò nhiệm vụ của mình trong quá trình làm việc tại xưởng.

Tài liệu điều tra ban đầu xác định, Thái Tự Lực là đối tượng chủ mưu cầm đầu vụ án sản xuất trái phép chất túy tại Bình Định và Kon Tum; giúp việc cho Thái Tự Lực để điều chế chất ma túy là Tống Kiến Hoàng, giữ vai trò trực tiếp pha trộn, điều chế hóa chất; các đối tượng còn lại gồm Dương Viễn Đức, Hoàng Sơn Nguyên, Lữ Dư Trọng, Trương Cần Thư, Thái Tư Viện giữ vai trò lắp đặt các loại thiết bị máy móc đảm bảo việc điều chế, giám sát quy trình sản xuất. Liên quan đến chuyên án này, hiện lực lượng chức năng hai nước vẫn tiếp tục phối hợp điều tra mở rộng.

Ngày 15-8, sau khi triệt phá thành công đường dây sản xuất ma túy tổng hợp tại Kon Tum, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư khen Ban chuyên án.

Trong thư Thủ tướng biểu dương chiến công, thành tích xuất sắc của Ban Chuyên án “Thành tích này thể hiện sự mưu trí, kiên quyết trấn công, trấn áp tội phạm, đánh đúng, đánh trúng các đường dây tội phạm ma túy lớn, xuyên quốc gia; thể hiện sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng nghiệp vụ của Bộ Công an và các địa phương, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 5/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới”.

Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo điều tra mở rộng chuyên án, củng cố chứng cứ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng tin tưởng trong thời gian tới, với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao độ của lực lượng Công an nhân dân và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, tội phạm ma túy sẽ bị đẩy lùi, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ghi nhận thành tích xuất sắc của các tập thể thuộc Cục C04, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và các đơn vị, địa phương trong đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất ma túy tổng hợp do người Trung Quốc cầm đầu ở Kon Tum, Bộ trưởng Bộ Công an có Quyết định thưởng cho 34 tập thể tham gia đấu tranh chuyên án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại