Đây là một trong những chuyên án được ghi nhận là chiến công xuất sắc, góp phần ngăn chặn tội phạm nước ngoài âm mưu biến Việt Nam trở thành điểm sản xuất ma túy tổng hợp cung cấp cho thế giới.
Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng người Trung Quốc
Đường dây này do Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng (cùng SN 1976, quốc tịch Trung Quốc) chủ mưu cầm đầu. Trong đó, Thái Tự Lực là đối tượng có tiền án chung thân về tội sản xuất trái phép chất ma túy tại Trung Quốc, mới được ra tù.
Còn Tống Kiến Hoàng là người có trình độ và kinh nghiệm trong việc sản xuất ma túy tổng hợp.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, các đối tượng trong đường dây này nhập cảnh vào Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau như visa du lịch, núp dưới “vỏ bọc” thương gia, hoặc nhập cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch.
Nhóm người này giả là các thương gia tìm những khu nhà xưởng để thuê làm nơi sản xuất hàng hóa... Trong đó, các kho xưởng được các đối tượng chọn nằm ở những nơi hẻo lánh, biệt lập, xa trung tâm thành phố, có đường độc đạo, vắng người qua lại.
Tội phạm tiếp cận các chủ kho xưởng, đặt vấn đề thuê mặt bằng với giá cao để sản xuất thử nghiệm thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột... Nếu thành công sẽ đầu tư số lượng lớn tiền vào doanh nghiệp và cho các chủ kho xưởng này là đại lý độc quyền.
Sau khi chủ kho xưởng đồng ý, tội phạm tập trung sản xuất ma túy tổng hợp trong 20 ngày, rồi chấm dứt hợp đồng và chuyển sang địa điểm khác để tránh bị phát hiện.
"Đây là thủ đoạn rất mới và cực kỳ tinh vi, thâm hiểm của tội phạm người Trung Quốc" - Lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết.
Đặc biệt, trong đường dây này, các đối tượng hoàn toàn là người Trung Quốc, không tin sử dụng và không để một người Việt Nam nào “đột nhập” vào khu xưởng.
Nhóm người này thường đóng chặt cửa, tiến hành sản xuất ma túy vào ban đêm, không giao du với bên ngoài, mọi sinh hoạt đều khép kín trong khu xưởng.
Kể cả những chủ kho xưởng người Việt Nam cũng không được phép đến gần, hay vào bên trong “căn cứ” của tội phạm người Trung Quốc.
Thái Tự Lực và Tống Kiến Hoàng chỉ tin dùng người Trung Quốc do chúng đưa sang và một số người Việt gốc Hoa.
Tuy nhiên, đối tượng người Việt gốc Hoa này cũng chỉ phụ trách việc vận chuyển máy móc, mua một số tiền chất, hóa chất, không tham gia trực tiếp vào việc điều chế, sản xuất ma túy.
30 tấn tiền chất ma túy được thu giữ
Quá trình đột kích vào “căn cứ” sản xuất ma túy của các đối tượng tại khu nhà xưởng của Công ty TNHH xuất, nhập khẩu Đồng An Viên, thuộc Khu làng nghề thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, lực lượng công an đã bắt giữ 7 đối tượng người Trung Quốc.
Bên trong kho xưởng sản xuất ma túy tổng hợp của người Trung Quốc
Tại chỗ, lực lượng công an đã thu giữ 140 lít dung dịch dạng sệt, qua giám định nhanh có thành phần Methamphetamine (ma túy đá).
Trên 13 tấn hóa chất, tiền chất các loại được đựng trong các thùng phuy, can nhựa, thùng nhựa, chai, lọ thủy tinh, bao giấy... phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.
Khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền đang sản xuất trái phép chất ma túy (hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy li tâm, máy sấy khô...).
Với lượng hóa chất, tiền chất nêu trên, nếu sản xuất trót lọt, ước tính các đối tượng sẽ sản xuất 1 tấn ma túy tổng hợp dạng “đá”.
Ngay sau khi bắt quả tang 7 đối tượng người Trung Quốc đang sản xuất ma túy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Công an các địa phương đồng loạt triển khai 10 tổ công tác tại các tỉnh, thành phố tiến hành khảm xét và triệu tập các đối tượng liên quan để lấy lời khai, xác minh, thu thập chứng cứ.
Tại các địa điểm khám xét nêu trên, lực lượng chức năng thu giữ 157 thùng hóa chất các loại, 380 bao hóa chất dạng bột, 84 can hóa chất các loại sử dụng vào sản xuất ma túy tổng hợp. Ước tính tổng số tiền chất tại các điểm nhà kho lên đến khoảng 30 tấn.
Theo Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, nếu chạy hết công suất, trong một tuần, hệ thống máy móc của các đối tượng này sẽ cho "ra lò" vài tạ ma túy đá.
Số ma túy thành phẩm, ngoài cung cấp ở Việt Nam, phần lớn sẽ được tội phạm vận chuyển sang Campuchia và chuyển đi các nước khác tiêu thụ.
Về nguồn gốc 30 tấn nguyên liệu tiền chất ma túy bị thu giữ trong nhà kho của nhóm nghi phạm người Trung Quốc, Trung tướng Phạm Văn Các cũng cho biết một phần chuyển đến từ Trung Quốc song đa số mua ở Việt Nam.
Bởi lẽ, có nhiều tiền chất sản xuất ma tuý được bán ở thị trường do pháp luật không cấm. Đây là lỗ hổng lớn, để tội phạm nước ngoài lợi dụng sản xuất ma túy tổng hợp tại nước ta.
Xem bài gốc Tại Đây