Gần đây, dư luận xã hội nói khá nhiều về những bất cập trong thu hút vốn đầu tư hạ tầng giao thông qua hình thức BOT. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kinh tế nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng vô cùng lớn, ngân sách nhà nước không thể kham nổi, kể cả vay ODA hay vay vốn tín dụng ưu đãi cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn đầu tư.
Vì vậy, phải huy động vốn ngoài xã hội, trong đó có hình thức huy động thông qua BOT để đầu tư.
Gần đây, không chỉ người dân, doanh nghiệp, mà nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, hình thức đầu tư BOT có nhiều bất cập, đặc biệt là phí giao thông tăng liên tục.
Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể mà các dự án BOT giao thông mang lại cho nền kinh tế và xã hội.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, ngành giao thông đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển hạ tầng giao thông đường bộ 186.660 tỷ đồng, chiếm trên 92% tổng vốn huy động, nhờ đó, chúng ta đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo khoảng 4.400 km đường bộ, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, phải tiếp tục huy động vốn cho hạ tầng giao thông thông qua hình thức BOT, thưa ông?
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, ách tắc giao thông mỗi năm gây thiệt hại cho Thái Lan 4,9% GDP.
Ở Việt Nam, hiện chưa có con số chính thức, nhưng chắc chắn ách tắc giao thông gây thiệt hại không dưới 5% GDP. Năm 2015, GDP của Việt Nam đạt 204 tỷ USD, tính ra, chúng ta đã mất đi ít nhất 10 tỷ USD do ách tắc giao thông.
Vì vậy, cần phải huy động mọi nguồn vốn khác nhau, trong đó có hình thức BOT để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trước đây, Hạ Long, Vũng Tàu, Khánh Hòa… sử dụng hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Giải pháp này được đánh giá là cũng có hiệu quả nhất định?
Đất đai là tài nguyên vô giá, quyền sử dụng đất có giá trị rất lớn, trong khi ngân sách không có tiền, một số địa phương đã huy động vốn bằng cách giao cho nhà đầu tư một khu đất nào đó, bù lại, nhà đầu tư phải bỏ tiền xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Việc được gọi nôm na là “đổi đất lấy hạ tầng”.
Trước đây, hình thức huy động vốn này đã phát huy được những mặt tích cực, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vì đây là hình thức mua bán không minh bạch, nên người dân hay hỏi tại sao lại đổi đất cho nhà đầu tư này mà không phải là nhà đầu tư khác, giá trị đất đem đổi và giá trị hạ tầng nhận lại có tương xứng với nhau không hay là có sự khuất tất, vì thế không thể tiếp tục trong cơ chế thị trường.
Trong cơ chế thị trường không thể đổi cái nọ lấy cái kia, mà tất cả phải đem ra thị trường, Nhà nước muốn bán hay mua kết cấu hạ tầng đều phải tổ chức đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch. Đây là cách bắt kết cấu hạ tầng đẻ ra tiền để đầu tư trở lại cho kết cấu hạ tầng, hay gọi một cách dân dã là lấy “mỡ nó rán nó”.
“Mỡ nó rán nó” hiểu thế nào, thưa ông?
Phí giao thông dự án BOT cao chủ yếu do suất đầu tư cao, nhưng trong quá trình triển khai xây dựng, các cơ quan quản lý nhà nước không quản lý được.
Vì vậy, bên cạnh việc vẫn thực hiện hình thức BOT, Nhà nước sẽ bỏ tiền ra đầu tư công trình giao thông, sau khi hoàn tất, quyết toán công trình, tổ chức đấu thầu quyền khai thác, lấy tiền đầu tư vào công trình khác và lại tiếp tục đấu thầu quyền khai thác…
Không chỉ có lĩnh vực giao thông đường bộ mới thực hiện huy động vốn qua hình thức lấy “mỡ nó rán nó”, mà lĩnh vực giao thông hàng không, hàng hải cũng có thể làm được.
Ví dụ như tổ chức đấu thầu quyền khai thác các sân bay Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, thì ngay lập tức, Nhà nước có một khoản tiền rất lớn để đầu tư xây dựng mới hay cải tạo, nâng cấp các sân bay khác hoặc đầu tư vào cơ sở hạ tầng khác sau đó lại đem đấu thầu quyền khai thác, lấy tiền đầu tư tiếp.
Muốn lấy hạ tầng nuôi hạ tầng, đòi hỏi phải có sơ sở pháp lý chắc chắn, minh bạch.
Ngoài những lĩnh vực như ông vừa nói thì còn lĩnh vực nào khác có thể sử dụng biện pháp “mỡ nó rán nó” không?
Rất nhiều lĩnh vực có thể áp dụng giải pháp này. Đơn cử, trụ sở làm việc của các bộ, ban, ngành ở đều nằm ở vị trí vàng, trong đó có rất nhiều trụ sở chật hẹp, không đáp ứng yêu cầu làm việc và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong khi ngân sách không có tiền để đầu tư, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc hiện tại, thì có thể tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, lấy tiền xây dựng trụ sở mới to đẹp hơn, đàng hoàng hơn ở nơi khác.
Giá trị đất đai ở Hoàn Kiếm, Ba Đình… đắt gấp nhiều lần ở Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, trong khi làm việc ở Hoàn Kiếm, Ba Đình cũng không khác gì làm việc ở Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, vậy tại sao không hoán đổi vị trí làm việc.
Sử dụng những khu đất vàng vào khai thác thương mại không những ngân sách có được khoản tiền vô cùng lớn để đầu tư, mà hàng năm còn tăng thu ngân sách vì đất ở vị trí vàng là con gà đẻ trứng vàng.