Theo China News, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 3/11 thông báo, nước này ghi nhận thêm 109 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 16 ca nhập cảnh và 93 ca nhiễm trong nước.
Đợt dịch mới ở Trung Quốc được cho là liên quan tới đoàn du lịch nội địa xuất phát từ Thượng Hải, với chủng virus chính là biến thể Delta, hiện đã lây lan ra 16 tỉnh của nước này.
Mặc dù vậy, truyền thông Trung Quốc vẫn ca ngợi chiến lược "Không COVID" đã hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong do dịch bệnh là một thành công.
Trung Quốc hiện vẫn kiên trì với chiến lược "Không COVID" để kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: VCG
Trả lời phỏng vấn đài CGTN hôm 2/11, Viện sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, tin rằng với các biện pháp nhanh chóng và nghiêm ngặt, Trung Quốc sẽ kiểm soát được đợt dịch này trong vòng 1 tháng.
Ông Chung Nam Sơn cũng cho biết, Trung Quốc sẽ còn theo đuổi chiến lược "Không COVID" trong một thời gian nữa nhưng cụ thể bao lâu còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh của các nước khác.
"Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới, việc bùng phát các đợt dịch giống như hiện nay chắc chắn sẽ xảy ra khi nguy cơ du nhập nguồn lây từ nước ngoài là rất cao", ông Chung Nam Sơn cho hay.
Theo chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc này, virus SARS-CoV-2 nhân bản nhanh chóng và tỷ lệ tử vong do COVID-19 toàn cầu hiện này khoảng 2% là "vẫn quá cao và không thể chấp nhận được".
"Đó là lý do chiến lược 'Không COVID-19' được áp dụng. Đúng là chi phí tương đối cao nhưng sẽ là cao hơn nếu nới lỏng và sống chung với dịch", ông Chung Nam Sơn chia sẻ.
"Một số nước quyết định mở cửa hoàn toàn bất chấp vẫn còn ca nhiễm. Điều này dẫn đến số ca nhiễm tăng mạnh trở lại trong 2 tháng qua và họ buộc phải quyết định áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế. Chiến lược này không chỉ tốn kém hơn mà còn kéo theo những tác động tiêu cực về mặt tâm lý đối với người dân và xã hội", ông Chung Nam Sơn cho biết thêm.
Với các biện pháp kiểm soát dịch mạnh mẽ, số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Trung Quốc được đánh giá thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Nước này hiện ghi nhận tổng cộng 97.423 ca nhiễm và 4.636 trường hợp tử vong.