LTS: Ngày 29/4 đánh dấu tròn 100 ngày Tổng thống Donald Trump nắm quyền tại Mỹ. Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết của tác giả Đinh Đông, nhà bình luận thời sự có tiếng ở Trung Quốc, từng làm quan sát viên trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2012, viết cho Báo điện tử Trí thức trẻ, đánh giá về "cột mốc" quan trọng của ông Trump.
---
Sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống, chính sách của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương đã phát sinh một số thay đổi nhất định.
Chính quyền của ông không còn nhấn mạnh "xoay trục", hay "tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", hơn nữa là chấm dứt sự tham gia của Mỹ trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay buổi đầu nắm quyền.
Những thay đổi này so với chính quyền tiền nhiệm của ông Barack Obama mà nói là một dạng "đảo ngược" và điều chỉnh, nhưng không có nghĩa là thay đổi về thực chất.
Tầm quan trọng của châu Á-Thái Bình Dương đối với ván cờ ngoại giao của Mỹ là về dài hạn. Sự chuyển dịch trọng tâm chính sách đối ngoại cũng như bố trí quân lực của Mỹ từ Âu sang Á là xu thế tất yếu.
Châu Á-Thái Bình Dương hiện là khu vực giàu sức sống nhất trên thế giới, tụ hội những thế lực kinh tế và quân sự hàng đầu. 3 nền kinh tế (Mỹ-Trung Quốc-Nhật Bản) và cường quốc quân sự (Mỹ-Nga-Trung Quốc) đứng đầu thế giới, nếu so về tiềm lực quân sự thì còn Nhật đứng thứ tư, đều ở châu Á-Thái Bình Dương.
Do đó, cùng với trọng tâm sức mạnh chuyển từ khu vực châu Âu truyền thống sang châu Á, trọng điểm chính sách cũng chuyển dịch là hiển nhiên.
Ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP (Ảnh: Reuters)
Các đồng minh truyền thống của Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương, cũng như hệ thống liên minh có phần lỏng lẻo ở châu Á-Thái Bình Dương, đã không thể thích ứng được với tình thế thay đổi này. Mỹ bắt buộc phải phát triển mạng lưới liên minh của mình trên cơ sở như vậy, nhằm bảo đảm an ninh và lợi ích của Mỹ/đồng minh trong các mối quan hệ địa chính trị đầy phức tạp, và tiếp tục giữ vị thế lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu.
Vậy nên dù ông Trump không còn sử dụng cụm từ "xoay trục châu Á" như thời Obama, hay rút Mỹ khỏi TPP, thì cũng không đồng nghĩa Mỹ rút khỏi khu vực. Thậm chí chính quyền Trump sẽ còn tăng cường hơn nữa hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương so với tiền nhiệm, và tìm ra các phương án thay thế những "sản phẩm" tương tự mà Obama đã đưa ra.
Mặt khác, các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực bao gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản thì đang trỗi dậy và hy vọng Mỹ đóng vai trò lớn hơn. Thực tế này cũng thúc đẩy Mỹ tập trung nhiều lực lượng, bỏ nhiều nỗ lực hơn vào Trung Quốc.
Nỗ lực cải thiện với Nga của Trump thất bại
Chính quyền Trump chắc chắn xem Trung Quốc như một thách thức về lâu dài, còn Triều Tiên là mối đe dọa hàng đầu trước mắt. Vì thế nên trước khi nhậm chức, ông Trump đã nhấn mạnh cải thiện quan hệ với Nga và dùng vấn đề Triều Tiên để gây sức ép với Bắc Kinh.
Mục đích của Trump là cân bằng quan hệ tam giác chiến lược Mỹ-Nga-Trung vốn trước đó có phần mất cân đối, chia rẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc, từ đó duy trì thế chủ động.
Tuy nhiên, các vụ bê bối liên hệ với Nga của các nhân vật thân cận với Trump bị truyền thông Mỹ "khui" ra sau ngày nhậm chức đã làm hỏng ý định của Tổng thống. Đồng thời, các nghị trình trong nước của ông (như lệnh hạn chế nhập cảnh hay dự thảo luật thay thế Obamacare) liên tiếp gặp trở ngại, làm dấy lên nghi ngờ trong dư luận Mỹ về khả năng của Trump.
Tình thế rất khó khăn đó đã tiếp cho Trump động lực rất mạnh để chuyển dịch sự tập trung từ các chính sách trong nước sang đối ngoại, bao gồm nỗ lực xây dựng quan hệ với Trung Quốc, tìm cách loại bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, để chứng minh chính quyền của ông đang phục vụ hiệu quả cho lợi ích quốc gia.
Trump đang dốc sức xây dựng quan hệ với Trung Quốc
Mỹ phát triển quan hệ như thế nào với Trung Quốc phụ thuộc lớn vào việc Trung Quốc phát triển thành một quốc gia như thế nào, và vận dụng tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của mình ra sao, cũng như thực thi chính sách đối ngoại nào.
Nhìn vào tiến triển hiện nay, ông Trump đang có thái độ tích cực và tầm nhìn xa đối với quan hệ Mỹ-Trung. Ông hy vọng Trung Quốc hỗ trợ được trong các nghị trình trong nước và vấn đề Triều Tiên. Trong bối cảnh như vậy, quan hệ giữa hai nước đang trở lại quỹ đạo truyền thống là "tiếp xúc mang tính xây dựng", và sẽ tiếp tục tìm ra hướng đi.
Theo ông Đinh Đông, mục tiêu ban đầu của Trump là xích lại gần Nga đã không thành, buộc ông quay sang cải thiện quan hệ với Trung Quốc (Ảnh: Ria Novosti)
Nếu Trung Quốc thúc đẩy cải cách mở cửa, lấy phát triển làm mục tiêu, áp dụng chính sách hữu hảo với láng giềng, không tìm cách liên minh với Nga để thay đổi trật tự quốc tế và thách thức vị thế của Mỹ, không theo đuổi chính sách bành trướng ra bên ngoài và đe dọa bằng vũ lực... thì quan hệ Mỹ-trung có triển vọng được nâng lên tầm cao mang tính chất toàn cầu và chiến lược nhiều hơn.
Mỹ cần dựa vào hệ thống quốc tế hiện có để phát huy vai trò lãnh đạo, duy trì cân bằng và phát triển cho cục diện thế giới đang thay đổi, tránh các xung đột mang tính hủy diệt như hai cuộc Thế chiến trong thế kỷ XX, giải quyết các thách thức toàn cầu liên tục xuất hiện.
Vì thế Mỹ không thể né tránh phát triển quan hệ hợp tác, hòa hảo với nền kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc, quốc gia vẫn đang trên đà phát triển. Và Mỹ không thể cố ý đẩy Trung Quốc vào vị thế đối địch. Đây chính là động lực để ông Trump thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc hướng đến 50 năm tiếp theo.
Chính sách Triều Tiên của Trump
Cốt lõi trong chính sách về Triều Tiên của chính quyền Trump là thể hiện vai trò lãnh đạo, điều phối lợi ích của các bên liên quan, đặc biệt là Nga và Trung Quốc - hai nước mà Mỹ tin là có ảnh hưởng quan trọng lên Bình Nhưỡng.
Trump dựa vào thực lực quân sự hùng mạnh và tư duy không loại trừ bất kỳ lựa chọn nào, bao gồm tấn công quân sự, để gây áp lực toàn diện với Triều Tiên, buộc nước này tuân theo một kế hoạch từ bỏ hạt nhân có thể kiểm chứng, đồng thời hướng đến một hiệp ước hòa bình trên bán đảo.
Nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump chính là tại Hội nghị Ngoại trưởng trưởng Hội đồng bảo an LHQ, khi Mỹ kêu gọi các bên đạt được phương án mạnh tay hơn với Triều Tiên nhằm gia tăng sức ép.
Nhưng ảnh hưởng của Nga-Trung với Bình Nhưỡng có thể không lớn như Mỹ tưởng tượng, thứ hai là nhà lãnh đạo Kim Jong Un rõ ràng tin rằng sức mạnh hạt nhân, hơn là sự bảo đảm từ các chính phủ nước ngoài, mới là sự bảo hiểm tốt nhất cho chính quyền. Trừ trường hợp biến động nội bộ tác động đến sự lãnh đạo của chính quyền ông Kim, bằng không khả năng Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân là rất thấp.
Tác giả Đinh Đông
Trong tình hình như vậy, nội bộ chính phủ Mỹ cần xác định một kỳ hạn (đối với Triều Tiên), hoặc cân nhắc tình trạng khả năng hạt nhân của nước này để đưa ra giải pháp có sức nặng cuối cùng.
Nếu sự tham gia tích cực bằng biện pháp hòa bình của Trung Quốc đến cuối cùng bị chứng minh và vô tác dụng, hoặc Triều Tiên lại tiến hành thử nghiệm hạt nhân quy mô lớn, phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ và thành công, thì ý định phát động chiến tranh của Mỹ có thể lại bùng lên. Tỷ lệ Washington tiến hành một chiến dịch tấn công chính xác nhằm vào một số mục tiêu ở Triều Tiên cũng tăng đáng kể.
Nếu ở giai đoạn "sau 100 ngày", chính quyền ông Trump vẫn không thể đảo ngược những khó khăn ở mảng chính sách trong nước thì rủi ro Washington có bước đi mạo hiểm về quân sự cũng tăng lên, kéo theo khả năng "động binh" với Triều Tiên.
Giải quyết vấn đề bằng vũ lực là điều không thể xảy ra trong chính quyền Obama, nhưng đến thời ông Trump thì đã trở thành một lựa chọn thiết thực được đưa vào chương trình nghị sự.