Ông Mike Chillit, chuyên gia toán học người Anh sau nhiều tính toán tin rằng chiếc Boeing 777 đang nằm lại tại lưu vực Perth tại Ấn Độ Dương thay vì khu vực cách thành phố Perth của Australia khoảng 1.600 km về phía Tây như các chuyên gia tính toán trước đây.
"Tôi nghi ngờ rằng nó đang nằm lại tại lưu vực Perth một phần vì các mảnh vỡ lớn của nó được tìm thấy trên đảo Pemba. Chưa có chiến dịch tìm kiếm nào được triển khai ở đó và nếu họ thử, chắc chắn họ sẽ tìm thấy nó", ông này cho hay.
Cho đến nay, có tổng cộng 5 mảnh vỡ được cho là của MH370 được tìm thấy bờ biển châu Phi, Đảo Reunion, Mozambique và Mauritius.
Theo ông Chillit, vị trí mà ông tin là nơi MH370 nằm lại cách vị trí mà đội tìm kiếm của Australia khoanh vùng 109 km và đội tìm kiếm của công ty thăm dò bờ biển của Mỹ Ocean Infinity 350km.
Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/3/2014 chở theo 239 người.
Theo dữ liệu radar quân sự thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.
Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 ở Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000 km2, tuy nhiên không tìm được bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200.