Hồi cuối tháng 10 vừa qua, anh Chyslain Wattrelos, một người đàn ông Pháp mất vợ và hai con trên chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, đã tiết lộ những điểm nghi vấn mới trong cuộc điều tra độc lập của các chuyên gia Pháp.
Cụ thể, theo Wattrelos, các điều tra viên người Pháp đã phát hiện 5 vị hành khách có lý lịch và động thái đáng ngờ trên chuyến bay, đồng thời đặt ra giả thiết rằng có thể chiếc MH370 đã bị một trong số những hành khách này xâm nhập từ phía trong.
Bên cạnh nghi vấn về các vị hành khách đáng ngờ, các điều tra viên Pháp còn nghi ngờ sự liên quan của một "tổ chức thứ 3" được cho là đang sở hữu các dữ liệu mật, theo Wattrelos.
Trước tuyên bố mới của Wattrelos, vừa qua, anh Jeff Wise, một phi công người Mỹ - kiêm tác giả chuyên viết về các vấn đề hàng không và kĩ thuật, đã gọi các phát hiện trên là "bước tiến bộ thú vị", bởi anh ta cũng tin rằng chiếc máy bay MH370 đã bị chiếm quyền điều khiển và có thể đang bị Nga giấu tại Kazakhstan.
Wise thường xuyên xuất hiện trong các cuộc phỏng vấn của đài CNN để bàn về những giả thuyết xung quanh vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 trên hành trình định mệnh hồi năm 2014. Anh cho rằng chiếc máy bay này hiện đang được giấu tại Baikonur Cosmodrome, một sân bay vũ trụ tại Kazakhstan đã được Nga thuê lại.
Sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome. Ảnh: Dr.Vadim P.Lukashevich.
Nga đang giấu máy bay MH370?
Giả thuyết của Wise dựa vào việc chiếc Boeing 777-200 đột ngột biến mất khỏi màn hình radar khi chuyển từ kiểm soát không lưu Malaysia sang Việt Nam; nhưng sau đó một vệ tinh Inmarsat lại nhận được một loạt tín hiệu từ chiếc máy bay này.
Ngoài ra, Wise càng tin vào giả thiết của mình hơn khi vụ chiếc máy bay MH17 được cho là bị tên lửa phòng không do Nga sản xuất bắn rơi chỉ vài tháng sau khi chiếc MH370 mất tích, cùng với đó là sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.
Ban đầu, dựa theo loạt tín hiệu mà vệ tinh Inmarsat nhận được, các nhà điều tra đã khoanh vùng vị trí của chiếc MH370 tại khu vực Ấn Độ Dương ở phía Tây Australia.
Tuy nhiên, anh Wise cho rằng các dữ liệu trên có thể đã bị làm giả, và đưa ra một giả thiết hoàn toàn trái ngược với nhóm điều tra: Máy bay MH370 có thể đã không bay về phía Nam mà di chuyển về phía Bắc và hiện đang nằm trong sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome của Kazakhstan.
Địa điểm này nằm cách thủ đô Moskva của Nga khoảng 2.100 km về phía Đông Nam. Đây là nơi vệ tinh Sputnik 1 - vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Trái đất - được phóng vào quỹ đạo.
Theo NASA, sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome sở hữu hai tổ hợp khởi động Proton, trong đó một tổ hợp phục vụ cho mục đích quân sự của Nga. Chiếc tên lửa đưa nhà du hành Yuri Gagarin vào vũ trụ và làm nên lịch sử cũng được phóng từ địa điểm này.
Vậy tại sao anh Wise cho rằng chiếc máy bay MH370 đang được giấu tại Baikonur Cosmodrome?
Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí New York, anh này từng nhận định rằng trên thế giới không có nhiều địa điểm đủ lớn để giấu được một chiếc Boeing 777; tuy nhiên, trong số những địa điểm gần nơi vệ tinh Inmarsat nhận được tín hiệu của chiếc MH370, thì Baikonur Cosmodrome là nơi đáp ứng được điều kiện đó.
"Kazakhstan đã cho Nga thuê sân bay Baikonur. Ở đó có một đường băng dài tên là Yubileyniy, được xây dựng riêng cho tàu con thoi của Nga", Wise nói.
Sân bay vũ trụ Baikonur Cosmodrome. Ảnh: AP.
Các điều tra viên đã tiến hành tìm kiếm dấu vết của máy bay MH370 trong 4 năm qua, nhưng không thu được kết quả khả quan. Chiến dịch tìm kiếm chính thức của chính phủ Malaysia, Trung Quốc và Australia đã khép lại vào ngày 29/5 vừa qua, với rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Trước ngày kết thúc chiến dịch, các điều tra viên đã tìm được một số mảnh vỡ nghi là của chiếc MH370 trôi dạt trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên Wise nghi ngờ rằng các mảnh vỡ đó có thể chỉ là vật ngụy tạo.
Cụ thể, anh này cho biết các mảnh vỡ đã trôi dạt trên biển khoảng 2 năm, nhưng những sinh vật biển bám trên đó chỉ mới khoảng 1 tháng tuổi.
Không chỉ riêng Wise, mà ông Jason Hall-Spencer, giáo sư ngành Sinh vật biển tại Đại học Plymouth, cũng cho rằng lẽ ra lượng sinh vật biển bám trên các mảnh vỡ phải nhiều hơn.
Hai thảm kịch MH370 và MH17 có liên quan đến nhau?
Wise đặc biệt lưu ý rằng thảm họa hàng không MH370 có thể liên quan tới sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm 2014.
"Động cơ [của Nga] là gì? Tôi xin nhấn mạnh rằng [vụ máy bay MH370 mất tích] đã xảy ra khi nước Nga đang phải chịu rất nhiều chỉ trích nặng nề về bán đảo Crimea.
Tôi đã theo dõi rất sát sao các tin tức trên kênh CNN, nhưng lúc đó họ không nói về Crimea nữa, mà chỉ đưa tin về MH370. Bởi vậy nên tôi cho rằng đó rất có thể là chiêu thức đánh lạc hướng", Wise nói.
Ngoài ra, Wise còn đề cập tới vụ chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ trong không phận Ukraine gần biên giới Nga không lâu sau vụ MH370. Kết quả của các nhà điều tra cho thấy chiếc MH17 đã bị tên lửa phòng không BUK do Nga sản xuất bắn hạ.
Phía Nga đã bác bỏ cáo buộc liên quan tới vụ việc, và chỉ ra loại tên lửa này thuộc sở hữu của Ukraine.
Tuy nhiên, Wise cho rằng không thể loại trừ khả năng hai thảm kịch hàng không này có liên quan đến nhau và có dính dáng tới Nga.
Các nhà điều tra dựng lại phần đầu của máy bay MH17. Ảnh: Reuters.