Chuyên gia tâm lý học tội phạm: Nạn nhân trong vụ 3 người bị giết khó có cơ hội thoát thân

Xuân Phương |

Vụ thảm án khiến 3 người chết ở Bình Dương đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Vì sao kẻ thủ ác lại có thể ra tay tàn nhẫn đến mức như thế?

Ngày 24/4, Trần Trọng Luận (sinh năm 1985, ngụ tại khu phố 5, P.Thái Hòa, TX.Tân Uyên, Bình Dương) đã ra tay giết hại 3 người trong một gia đình ở khu phố Tân Ba (P.Thái Hoà, TX.Tân Uyên). 3 nạn nhân là bà Đào Thị Thu Cúc (SN 1965), Trần Thị Quỳnh Nhi (SN 2002, là con gái bà Cúc), Nguyễn Thị Bảo Trân (SN 2011, cháu ngoại bà Cúc).

Trí Thức Trẻ đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm lý học tội phạm, Tiến sĩ Trịnh Quang, Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, xoay quanh những hành vi tàn độc của kẻ sát nhân trong vụ thảm sát khiến dư luận phẫn nộ.

Chuyên gia tâm lý học tội phạm: Nạn nhân trong vụ 3 người bị giết khó có cơ hội thoát thân - Ảnh 1.

Nghi phạm gây ra vụ thảm sát khiến 3 người chết ở Bình Dương

"Không loại trừ khả năng hung thủ đã sử dụng ma túy trước khi ra tay"

Theo ông Quang, hung thủ vụ án này vì mâu thuẫn cá nhân với 1 trong số 3 nạn nhân nên đã lên sẵn kế hoạch, chuẩn bị tuốc nơ vít tự chế, mã tấu và dao Thái Lan, rồi cạy cửa mái tôn nhà để lẻn vào ra tay với những hành vi nhẫn tâm, man rợ.

"Luận đã có sẵn chủ đích là giết người trả thù cá nhân. Còn những nạn nhân hoàn toàn bị động. Khi phát hiện Luận đột nhập vào nhà thì không thể thoát thân. Hung thủ đã ra tay sát hại các nạn nhân với tổng cộng 47 nhát chém. Và khi hung thủ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có sẵn chủ đích như thế, nên vụ án thảm sát đã xảy ra.

Hiện cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm sáng tỏ vụ án. Điều này là cần thiết. Bởi không loại trừ khả năng hung thủ đã sử dụng ma túy trước khi ra tay. Bởi lẽ nếu sử dụng ma túy, thì sẽ khiến hung thủ không thể kiểm soát được ý thức của bản thân. Bị những tác động của ma túy sẽ khiến họ ra tay tàn độc, dã man, sát hại cả trẻ em", ông Quang phân tích.

Chuyên gia tâm lý học tội phạm: Nạn nhân trong vụ 3 người bị giết khó có cơ hội thoát thân - Ảnh 2.

Công an đang khám nghiệm hiện trường vụ án

"Những lời khai của Luận tại cơ quan công an cho rằng trả thù vì mâu thuẫn cá nhân là có nhiều khả năng xảy ra hơn việc giết người để trộm cắp tài sản. Vì sau khi bị giết, trên thi thể bà Cúc còn 1 bông tai, 1 nhẫn, còn trên thi thể Bảo Trân còn 1 dây chuyền bạc. Hiện trường đồ đạc trong nhà cũng không có sự lục soát.

Đấy là chưa kể theo chia sẻ của anh trai hung thủ, cũng như người dân ở gần khu vực xảy ra án mạng, thì hung thủ đã từng nhiều lần trộm cắp vặt. Thế nên với mục đích cướp tài sản, ăn cắp thì hung thủ sẽ không lựa chọn thời điểm đêm khuya như thế.

Và nếu với động cơ cướp tài sản, thì có thể hung thủ đã không mang theo hung khí. Khi cạy mái tôn để vào nhà, thấy bị phát hiện sẽ tẩu thoát ngay.

Quan trọng nhất là việc hung thủ đã bình tĩnh dùng dây kẽm cột cửa nhà nạn nhân cũng như 5 phòng trọ cạnh nhà nạn nhân. Đây là cách mà hung thủ cố tình nhằm khiến ít người có thể tiếp cận gia đình nạn nhân để cứu giúp", ông Quang chia sẻ thêm.

Chuyên gia tâm lý học tội phạm: Nạn nhân trong vụ 3 người bị giết khó có cơ hội thoát thân - Ảnh 3.

Hiện trường vụ thảm sát

Hung thủ thiếu kỹ năng sống

Theo ông Quang, với trình độ mới học lớp 6, không có công việc ổn định, nên dễ nhận ra nghi phạm (và có thể là hung thủ duy nhất trong vụ án này) là người không có trình độ học vấn cao. Chưa kể, đối tượng thường xuyên bài bạc, nghiện ma túy, nên đây là người thiếu trầm trọng những kỹ năng sống.

Nếu có kỹ năng sống, có trình độ học vấn cao, được giáo dục bài bản... có thể sẽ giúp nghi phạm có những cách để tháo gỡ những mâu thuẫn với nạn nhân. Nhưng không có những điều đó đã làm nghi phạm nảy sinh hành vi giết người.

Chưa kể, cuộc sống của nghi phạm chỉ tiếp xúc với toàn những môi trường không lành mạnh như không gian "phim đen" trên mạng, cờ bạc, ma túy...

"Có thể nói trong trường hợp này, các nạn nhân khó có cơ hội thoát thân. Các nạn nhân đang trong thời điểm ngủ, lại là phụ nữ và trẻ em. Chưa kể hung thủ đã có sự chuẩn bị và mục tiêu chính là giết để trả thù. Còn nghi phạm thì dồn hết sự bực tức cho kế hoạch trả thù của mình, lại trong thời điểm vừa chán nản sau khi thua bạc.

Nên trong trường hợp này, dù có cầu xin chúng tha mạng cũng vô ích vì động cơ giết người đã được kẻ sát nhân lập kế hoạch bài bản và chúng sẽ không dễ gì buông tha nạn nhân", ông Quang nói.

Chuyên gia tâm lý học tội phạm: Nạn nhân trong vụ 3 người bị giết khó có cơ hội thoát thân - Ảnh 4.

Người thân làm mai táng cùng lúc cho 3 nạn nhân

Nên có hệ thống báo động để cầu cứu khi gặp tình huống khẩn cấp

Ông Quang cho rằng, sau nhiều vụ kẻ sát nhân đột nhập vào nhà và gây ra những cái chết khiến dư luận phẫn nộ, có thể thấy ở mỗi vụ là mỗi tình huống bất ngờ xảy ra.

Vì thế, không có một "chiêu" thoát thân nào có thể áp dụng cho tất cả các tình huống hoàn cảnh.

Tuy nhiên, ông Quang khuyên, dù ở thành thị hay nông thôn, thì cũng cần nâng cao việc phòng ngừa người lạ đột nhập vào nhà.

Theo đó, nên chú trọng việc đảm bảo các hệ thống cổng, cửa, khóa thật kỹ lưỡng. Nên có hệ thống báo động nhằm có thể cầu cứu khi gặp tình huống khẩn cấp.

Về việc ngày càng có nhiều vụ thảm sát xảy ra, trước vụ giết 3 người trong một gia đình ở Bình Dương, có thể kể đến các vụ giết 4 người ở Nghệ An, vụ thảm sát ở Bình Phước làm 5 người chết. Hay vụ giết 4 người ở Yên Bái, vụ giết 4 người ở Gia Lai... Dễ nhận rõ một điều, là các hung thủ đều ra tay rất tàn độc.

"Để có thể hạn chế những câu chuyện đau lòng tương tự xảy ra, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt là chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật cho người dân.

Ngoài ra, các địa phương nên mời các chuyên gia về trang bị các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện tội phạm, kỹ năng xử lý khi đối mặt với tội phạm... cho người dân. Để mọi người có thể bảo vệ an toàn cho bản thân, người thân và góp phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm", ông Quang đề xuất.

Chuyên gia tâm lý học tội phạm: Nạn nhân trong vụ 3 người bị giết khó có cơ hội thoát thân - Ảnh 7.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại