Nhân dịp Việt Nam là nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017, phóng viên TTXVN thường trú tại Singapore đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sỹ Alan Bollard - Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Singapore.
Ông Bollard nhận định với vai trò chủ nhà, Việt Nam đang góp phần dẫn dắt tương lai APEC.
Tiến sĩ Bollard cho rằng trong vai trò chủ nhà năm nay, Việt Nam đã đặt ra chủ đề cũng như những ưu tiên trong hoạt động của năm để có được những kết quả tốt nhất và những sáng kiến của Việt Nam đều nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế.
Tuy nhiên, sự nổi lên của quan điểm chống toàn cầu hóa khiến đây trở thành năm sôi động và nhiều phức tạp.
Đánh giá về sáng kiến tăng trưởng bao trùm của Việt Nam, Tiến sỹ Bollard cho rằng đây là sáng kiến mà các thành viên APEC đều mong muốn sau khi nhận thấy nhiều lợi ích về tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua việc thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Để hướng tới mục tiêu tăng trưởng bao trùm, Việt Nam đã khởi động một số vòng đối thoại và đưa ra một số sáng kiến để tìm hiểu về tính bao trùm trong phát triển kinh tế, cách thức để thương mại có thể giúp phát triển kinh tế, tính bao trùm trong tài chính, đối tượng được hưởng lợi trong những đầu tư nhất định, tính bao trùm trong xã hội, cũng như những tác động đến cộng đồng và cách thức xử lý của chính phủ liên quan đến những tác động đó.
Về vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn cũng như việc tổ chức các hội nghị APEC, ông Bollard khẳng định Việt Nam sẽ là nước đi đầu trong tiến trình phát triển với việc phải xác định những mục tiêu khả thi và bất khả thi cũng như những mục tiêu nào sẽ cần phải nhiều năm mới thực hiện được.
Việt Nam cũng sẽ khởi động nhiều chương trình để cho các nước chủ nhà APEC tiếp theo tiếp quản như Papua New Guinea vào năm 2018, Chile năm 2019.
Hiện Việt Nam đã và đang thảo luận với các quốc gia này về việc làm sao đảm bảo những chương trình khởi động từ Việt Nam sẽ tiếp tục được phát triển, đặc biệt là trong chủ đề phát triển bao trùm.
Trong bối cảnh Mục tiêu Bogor 2020 đang tới gần, Tiến sỹ Bollard nhận định hầu như các nền kinh tế đã đạt đến khả năng thiết lập nền thương mại tự do và mở cửa vào năm 2020.
Theo ông, trong vài năm trở lại đây, những tiến bộ ở khu vực biên giới đang giảm tốc dần, song việc xây dựng các thiết chế pháp luật cũng như sự tự do hóa thương mại nội địa ở các nước phát triển lại đạt được tiến bộ nhất định.
Ông dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục là trọng tâm trong 2 năm tới, do đó khi dự án kết thúc vào năm 2020 thì các nền kinh tế thành viên cần phải vạch hướng quy hoạch APEC trong thời gian sau đó.
Tiến sĩ Bollard cho biết để ứng phó với thách thức này, các thành viên đã thống nhất về một cơ chế thành lập một nhóm công tác để nghiên cứu về những vấn đề này và báo cáo lại với APEC để giúp xác định rõ làm sao để đạt được các mục tiêu Bogor tốt, trong đó nhiều khả năng là sẽ tập trung nhiều hơn vào thương mại điện tử cũng như thương mại truyền thống.
Ông cũng đề ra một số hướng phát triển như tập trung hơn vào các thỏa thuận thương mại đã và đang hiện hữu trong khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới, Liên minh Thái Bình Dương (AP), Hiệp định Thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); hoặc hướng đến mục tiêu phát triển bao trùm và xem xét khả năng tham gia của mọi thành phần xã hội vào trong mỗi nền kinh tế.
Ông đánh giá với tư cách là chủ nhà APEC, Việt Nam đang góp phần dẫn dắt tương lai APEC./.