Palestines muốn Anh xin lỗi
Ngày 29/10/2017, Thủ tướng Palestine Rami Al-Hamdallah và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng thời ra tuyên bố nhắc lại một sự kiện lịch sử, một dấu mốc quan trọng trong việc bùng nổ cuộc xung đột trên vùng đất Palestine.
Ngày 2/11/2017 là tròn 100 năm Tuyên bố Balfour. Thủ tướng Rami Al-Hamdallah đòi Anh phải xin lỗi và sửa lỗi lầm và bất công lịch sử đối với Người Palestine. Ông nói rằng đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải hành động để chấm dứt sự bất công này đối với nhân dân Palestine.
Ông cho rằng việc kỷ niệm long trọng ngày này là một thách thức đối với công luận, đối với tất cả những ai ủng hộ công lý, tự do và quyền con người.
Trước đó, Tổ chức Giải phóng Palestine PLO cũng đã đòi chính phủ Anh thay vì tổ chức kỷ niệm sự kiện này phải xin lỗi về Tuyên bố Balfour, đồng thời cảnh báo nếu London cứ quyết chí cùng Israel kỷ niệm ngày này thì Palestine sẽ kiện chính phủ Anh lên Tòa án quốc tế.
Mặc dù chính quyền Palestine phản đối mạnh mẽ, Thủ tướng Anh Theresa May vẫn kiên quyết tổ chức kỷ niệm 100 năm Tuyên bố Balfour. Chính quyền Palestine coi hành động này của Thủ tướng Theresa May là "khơi lại một tội ác chính trị lớn nhất trong lịch sử nhân loại và trái với tất cả các tập quán ngoại giao".
Về phần mình, Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng bà tự hào về vai trò của Anh trong việc thành lập Nhà nước Israel và khẳng định sẽ tự hào tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Tuyên bố Balfour, đồng thời bà cũng thừa nhận "cần thiết phải hiểu được tình cảm của một số người do Tuyên bố Balfour gây ra" và nói thêm rằng "còn nhiều việc phải làm".
Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng ông sẽ lên đường sang London để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm Tuyên bố Balfour và ca ngợi văn kiện này cũng như vai trò của quốc tế trong việc thành lập Israel.
Ông cho rằng Tuyên bố Balfour đã thừa nhận đất của Israel là quê hương của người Do Thái và quốc gia Israel đã không thể tồn tại nếu không đưa người Do Thái về đây sinh sống, không có sự hy sinh và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nó, nhưng một điều hết sức rõ ràng là tất cả được bắt đầu bằng Tuyên bố Balfour.
Ông Arthur James Balfour (đeo kính đen) tới Jerusalem năm 1925. Ảnh: Hulton Archive/Getty
Vì tuyên bố lịch sử Balfour
Trở lại lịch sử, ngày 2/11/1917, Ngoại trưởng Anh Arthur James Balfour đã gửi một bức thư chính thức được gọi là Điều ước Balfour hay Tuyên bố Balfour cho Lord Rotshild, đại diện cộng đồng người Do Thái tại Anh chuyển cho Liên hiệp Sionist tại Vương quốc Anh.
Trong bức thư này, chính phủ Anh đã tuyên bố ủng hộ ước vọng của người Do Thái về việc thành lập một quê hương của họ tại Palestine.
Chính phủ Anh ra Tuyên bố Balfour lúc đó là xuất phát từ sự cảm thông với người Do Thái bị đàn áp, phiêu bạt trên khắp thế giới, đồng thời để trả ơn cho việc người Do Thái đã ủng hộ và giúp đỡ quân đội Anh và đồng minh trong thế chiến thứ nhất chống đế chế Ottoman.
Chaim Weizmann, thủ lĩnh của Phong trào phục quốc Do Thái Sionism cho rằng ước vọng về một quốc gia của người Do Thái chỉ có thể được thực hiện với thắng lợi của đồng minh trong chiến tranh.
Chỉ trong vòng ít ngày ông đã giúp Anh sáng chế ra chất Aceton sử dụng trong sản xuất đạn dược, một nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của Anh và đồng minh. Lord Rotshild cũng thành lập một lữ đoàn người Do Thái nằm trong biên chế của quân đội Anh. Năm 1948, khi Nhà nước Israel được thành lập, Chaim Weizmann trở thành Tổng thống đầu tiên của Israel.
Tuyên bố Balfour đã dành cho người Do Thái một tổ quốc vào lúc đó chỉ có khoảng 50 ngàn trong tổng số khoảng 12 triệu người Do Thái trên thế giới, trong khi có 650 ngàn người Ả rập sinh cơ lập nghiệp ở đây hàng ngàn năm rồi.
Tuyên bố Balfour đã không đề cập đến cộng đồng người Ả rập này, chỉ công nhận một số quyền dân sự, tôn giáo của họ và hoàn toàn không đề cập gì đến các quyền chính trị, kinh tế và hành chính của số người này. Người Ả rập và Palestine gọi Tuyên bố Balfour là " lời hứa của người không có gì trong tay cho người không xứng đáng được nhận".
Năm 1917, khi ra Tuyên bố Balfour Anh vẫn chưa có quyền gì tại vùng đất Palestine. Mãi đến năm 1919, Hội nghị hòa bình Versailles của phe đồng minh thắng trận mới trao cho Anh quyền ủy trị đối với Palestine và ngay sau đó một năm, chính phủ Anh đã cử ngay Herbert Samuel làm cao ủy, tức là trước hai năm Palestine được chính thức đặt dưới quyền ủy trị của Anh.
Về sau, Anh đã bắt tay với phong trào phục quốc Do thái Sionism thực hiện tuyên bố này mà không quan tâm tới quyền lợi của người Ả rập Palestine. Sau 100 năm kể từ khi Tuyên bố Balfour ra đời, Israel đã chiếm 2/3 lãnh thổ Palestine lịch sử, đồng thời liên tục xây dựng và mở rộng các khu định cư ở Bở Tây và Đông Jerusalem.
Cho đến tận bây giờ, người Do Thái đã có Tổ quốc của mình, còn người Palestine thì không. Tháng 9 vừa qua, phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã đòi chính phủ Anh phải chịu trách nhiệm lịch sử, pháp lý, chính trị, vật chất và của tinh thần về hậu quả của Tuyên bố Balfour.
Ông Mahmoud Abbas cũng đòi chính phủ Anh phải sửa chữa sai lầm này bằng việc công nhận Nhà nước Palestine với Thủ đô là Jerusalem.