Chuyên gia Pháp: Yếu kém khoản này, lãnh đạo phương Tây "đừng mơ" đuổi kịp được ông Putin

Hồng Anh |

Điều giúp ông Putin có tầm nhìn và chiến lược vượt trội hơn hẳn so với các nhà lãnh đạo phương Tây tuy giản đơn, nhưng không phải ai cũng có thể làm được...

Trong một bài xã luận được đăng tải trên tờ Le Figaro (Pháp), tác giả Laurent Chalard đã bình luận về lí do khiến Tổng thống Vladimir Putin và nước Nga liên tục gặt hái thành công trong nhiều cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới trong những năm gần đây.

Cụ thể, tác giả này cho rằng chính sự uyên thâm của ông Putin trong lĩnh vực địa lý, kiến thức về bản đồ chính trị thế giới và sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm của mỗi quốc gia và dân tộc đã đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của nước Nga trên trường quốc tế.

Để chứng minh cho luận điểm của mình, tác giả Chalard đã đưa ra ví dụ về sự việc diễn ra hồi tháng 10/2017, khi Tổng thống Putin đột ngột ngắt lời Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Alexander Tkachov khi ông này đang phát biểu về vấn đề xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Indonesia.

Sau đó, vị Tổng thống Nga đã nhanh chóng chỉ ra lỗi sai của Bộ trưởng Nông nghiệp: "Ở Indonesia, người ta không ăn thịt lợn" (thực tế, 87% dân số Indonesia theo đạo Hồi nên đại đa số người dân nước này không ăn thịt lợn).

Tổng thống Putin "sửa gáy" Bộ trưởng Nông nghiệp Nga

"Nhờ được thụ hưởng nền giáo dục chất lượng cao từ thời Xô viết, trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt ở KGB và niềm đam mê của cá nhân ông Putin về địa lý và địa chính trị, ông Putin có thế giới quan cực tốt, và nhận thức được sự khác biệt về văn hóa và tư duy của nhiều nước trên thế giới", tác giả Chalard phân tích.

Những yếu tố kể trên cùng kinh nghiệm đúc kết nhiều năm đã giúp ông Putin đưa ra những chính sách toàn diện hơn, đồng thời tạo ra khác biệt lớn giữa vị Tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo phương Tây.

Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến một số ví dụ khác, như việc trước đây cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và cựu Tổng thống Mỹ George Bush từng đưa ra chính sách thảm họa ở Trung Đông khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, khi không hiểu rõ nguồn gốc chia rẽ giữa người Hồi giáo Shiite và người Sunni.

Tương tự, theo lời tác giả, thì Tổng thống Pháp đương nhiệm Emmanuel Macron cũng từng mắc sai lầm "ngớ ngẩn" về kiến thức địa lý, khi gọi Guiana, lãnh thổ của Pháp tại Nam Mỹ, là một "hòn đảo".

Qua những phân tích trên, tác giả đã chê trách các lãnh đạo phương Tây vì... thiếu kiến thức địa lý, khiến họ hiểu sai các vấn đề địa chính trị quan trọng trên thế giới. Kết quả là phương Tây không thể có được các chiến lược dài hạn rõ ràng, và xác định rõ ai là bạn, ai là đối thủ, nước nào cần tránh xa để duy trì hòa bình thế giới...

Chính những thiếu sót ấy đã dẫn đến hàng loạt sai lầm địa chính trị, gây ra hậu quả khiến cả thế giới phải gánh chịu, tác giả bài viết kết luận.

* Tác giả Laurent Chalard là nhà địa lý học người Pháp tại Trung tâm Châu Âu về các Vấn đề Quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại