Ảnh hưởng trực tiếp
SCMP dẫn lời các nguồn tin và các nhà quan sát ngoại giao nhận định, Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong sẽ trở thành một trong những chướng ngại vật lớn đối với thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung. Hơn ai hết, Bắc Kinh hiện đang theo dõi rất sát sao diễn biến của cả hai sự kiện.
Mặc dù tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ít có khả năng phủ quyết dự luật Hong Kong - hiện đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng - nhưng việc ông Trump kí lệnh thông qua chắc chắn sẽ làm chính phủ Trung Quốc thêm tức giận.
Một nguồn tin liên quan tới đối thoại thương mại cho biết: "Vấn đề Hong Kong có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới tiến trình đối thoại thương mại. Trung Quốc sẽ phản ứng nếu ông Trump thông qua dự luật".
Các nhà đàm phán hai bên vẫn chưa xác định một ngày cụ thể để tổng thống Mỹ và chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kí thỏa thuận tạm thời sau khi kế hoạch họp mặt tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Chile bị hủy bỏ.
Sự trì hoãn này đã gây ra hàng loạt các vấn đề, từ cắt giảm thuế quan cho tới bảo vệ tài sản trí tuệ.
Hiện tại, đội ngũ thỏa thuận của hai nước vẫn giữ liên lạc, nhưng Hong Kong đã trở thành vấn đề căng thẳng mới sau khi cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua dự luật liên quan tới thành phố này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi việc kí kết thỏa thuận là sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề nội bộ Trung Quốc và đã làm tổn hại tới sự tín nhiệm giữa hai nước.
Người biểu tình Hong Kong đeo mặt nạ. Ảnh: Bloomberg
"Mối quan hệ Mỹ - Trung đang đứng trước ngã ba đường quan trọng," ông Vương nói trong cuộc gặp với William Cohen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tại Bắc Kinh vào ngày 21/11.
"Nhưng chúng tôi rất tiếc khi thấy rằng một số chính trị gia ở Mỹ hiện đang bôi nhọ, tấn công, nói xấu Trung Quốc tới mức điên rồ."
Ngày 20/11, Trung Quốc đã thể hiện sự phản đối đối với dự luật Hong Kong với William Klein - nhà ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm cho vấn đề chính trị tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh - và triệu tập Hanscom Smith - tổng lãnh sự Mỹ ở Hong Kong - tới cuộc gặp với Ủy viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Xie Feng.
Theo các thông tin được công bố, dự luật Hong Kong sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ đưa ra đánh giá thường niên về việc liệu Hong Kong có được hưởng đầy đủ quyền tự chủ hay không và sẽ điều chỉnh một số vấn đề kinh tế liên quan tới tình trạng của khu vực này.
Phòng Thương mại Hong Kong cảnh báo rằng nếu được thông qua, dự luật nói trên sẽ làm suy yếu niềm tin của nhà đầu tư và có tác động tiêu cực đến thành phố.
Động thái của ông Trump
Mặc dù việc thông qua dự luật không đồng nghĩa với việc chính sách của Mỹ đối với Hong Kong sẽ thay đổi ngay lập tức, nhưng nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, cho biết hai quốc gia hiện đã bất đồng trong một loạt các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị cho tới vấn đề xã hội.
Ông Kennedy cho rằng: "Ông Trump chắc chắn sẽ kí dự luật. Nội dung của dự luật mới không gây ra sự thay đổi ngay lập tức nào đối với chính sách của Mỹ với Hong Kong. Bởi vậy, ông Trump vẫn có những sự linh hoạt nhất định".
Nhưng Fred Hu, nhà sáng lập của tập đoàn Primavera Capital, lại cho rằng các chính trị gia Mỹ đang sử dụng Hong Kong làm "quân cờ trong thế trận địa chính trị" với Trung Quốc và cảnh báo rằng dự luật sẽ làm tổn hại tới đàm phán thương mại.
"Tôi nghĩ các nghị sĩ Mỹ đang hành động vì lợi ích chính trị Mỹ. Tôi không nghĩ họ thực sự quan tâm tới vấn đề ở Hong Kong, có thể họ mong rối ren ở Hong Kong sẽ kéo dài thêm," ông Hu nói.
Charlene Barshefsky, một cựu đại diện thương mại Mỹ, lại cho rằng vấn đề Hong Kong sẽ không liên quan quá nhiều tới đàm phán thương mại giữa hai nước.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Gao Feng cho biết đối thoại vẫn đang được tiến hành, và Trung Quốc sẽ sẵn sàng hợp tác với Mỹ dựa trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau.
Các nguồn tin cho biết, Mỹ - Trung vẫn chưa đồng thuật về số lượng thuế quan được gỡ bỏ và điều kiện để làm như vậy.
Điều Mỹ quan tâm nhất hiện tại là Trung Quốc gỡ bỏ thuế đối với hàng nông sản Mỹ, trong khi Bắc Kinh mong muốn Washington hủy những loại thuế đã áp vào tháng 9 vừa qua.
Phát biểu tại diễn đàn Bloomberg, cựu ngoại trưởng Mỹ Henrdy Kissinger nói Mỹ và Trung Quốc cần phải có sự thấu hiểu về khác biệt lịch sử và văn hóa để giải quyết những mâu thuẫn của hai bên, bao gồm chuyện Hong Kong.
"Hong Kong là vấn đề rất nhạy cảm tại Trung Quốc. Đây là vùng đất đầu tiên bị tách khỏi Trung Quốc vào thời thuộc địa, vậy nên việc trao trả Hong Kong cho Trung Quốc mang tính biểu tượng rất cao," ông Kissinger nói.